Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Câu chuyện về gia đình trẻ tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở xã Dạ Trạch

Câu chuyện về gia đình trẻ tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở xã Dạ Trạch

          Về xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, hỏi thăm từ đầu làng ai cũng biết đến gia đình anh Nguyễn Văn Duy và chị Nguyễn Thị Thuý Quỳnh , một gia đình trẻ tiêu biểu trong phát triển mô hình trồng Nho - kinh tế hộ gia đình, với những thành tích xuất sắc, bằng bàn tay khối óc người lao động anh đã cùng vợ con làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

          Anh Nguyễn Văn Duy và chị Nguyễn Thị Thuý Quỳnh là đôi vợ chồng trẻ được nhiều đoàn viên thanh niên trong xã học tập và noi theo vì tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn vất vả, phát triển kinh tế tại địa phương.

          Sau khi tìm hiểu với niềm đam mê, tháng 8/2020, cặp vợ chồng trẻ quyết định "bỏ phố về quê" ở xóm 5, thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu để lập nghiệp, sống cuộc đời nông dân bình dị và an yên. Trước đó, anh Duy và chị Quỳnh mất mấy tháng để tìm đất ở vùng xung quanh nhưng không được nên quyết định về cải tạo mảnh đất gần 1.600m2 của ông bà nội  trước đây đã trồng cây ăn quả lâu năm.

          Anh Duy  chia sẻ: “Thời điểm đó, vườn có hơn 1000 quả bưởi từ những cây trồng 10 năm đang chuẩn bị cho thu hoạch và những gốc nhãn 10 năm tuổi đã thu quả xong. Hai vợ chồng quyết định cưa đổ hết cây ở vườn trong 2 ngày để lấy đất trồng nho. Ai đi qua nhìn thấy cũng bảo vợ chồng mình bị điên. Mất hai tháng cải tạo đất, đến đầu tháng 10, mình mới xuống giống trồng cây”. Thời gian đầu trồng trọt, cặp vợ chồng trẻ gặp vô số khó khăn vì thời tiết không ủng hộ. Vườn chưa có mái che nên cây bị dính mưa gần một tháng trời. Hết mưa lại đến sương và lạnh, đúng thời điểm cây ngủ đông nên hầu như cây không lên được. Lá xoăn không có tiến triển gì. Dù nhiều người nói miền Bắc không trồng được nho, cây không hợp khí hậu nhưng anh chị vẫn kiên định, chờ đợi cây qua giai đoạn ngủ đông và tranh thủ thời gian làm mái che. Chị Quỳnh phải huy động cả gia đình và thuê thêm người làm mới hoàn thiện xong mái che trong một tháng. Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Một trận bão to sau Tết ập đến làm tốc hết mái, cây đang phát triển thì chững lại vì mưa. Cặp vợ chồng trẻ tiếp tục sửa mái cấp tốc, sau nửa tháng có mái che kiên cố, vững chắc hơn.

          "Thời gian đầu trồng nho, mình vừa học kĩ thuật lại bị hỏng mái nên cây không lên, bị bệnh nhiều. Từ tháng 3 trở đi, trời ấm dần nên cây phát triển tốt. Cây cao thêm 20cm sau một tuần nên mình ở vườn thường xuyên để tỉa cành và chồi. Mình trồng nho theo giàn chữ Y nên khi cây được 5-7 lá thì phải cắt ngọn" anh Duy chia sẻ. Vườn được bố trí trồng giống nho Mẫu đơn xuất xứ từ Nhật Bản. Anh Duy từng có thời gian học tập và nghiên cứu tại đất nước này. Mọi quy trình chăm sóc nho đều được thực hiện theo kiến thức và kinh nghiệm của người Nhật. Dù có nhiều khó khăn, vất vả nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê, dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính và quy trình chăm sóc nho một cách kỹ lưỡng. Cây nho ưa nắng, tránh để gặp mưa nên với khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh và sương) thì cần có hệ thống mái che khi trồng nho. Gia đình sử dụng mái che làm từ màng nilon nhập khẩu Israel nên có độ bền cao, lấy ánh sáng tốt và chịu được gió giật.

          Sau một năm "bỏ phố về quê", cặp vợ chồng Hưng Yên đã có vườn nho ổn định, dự tính sang năm sẽ cho quả đại trà, cả gia đình cũng đã được thưởng thức những trái ngọt từ chính bàn tay chăm sóc. Ngoài trồng nho, anh Duy chị Quỳnh còn mạnh dạn chinh phục thêm giống cây khó trồng khác là dưa lưới. Tháng 8 vừa qua, anh chị xuống giống nhưng chưa biết cách xử lý đất nên phải trả giá "đắt" cho bài học đầu đời là 60 cây dưa (giống Honey red). "Phần xơ dừa mua bên ngoài thì người bán bảo đã xử lý chát nhưng thực tế chỉ là xơ dừa xay còn chát nên dưa bị vàng lá, không lên. Còn 30 hạt giống, mình ngâm luôn, thay bằng 40 bao đất mua sẵn. May mắn là cũng thu hoạch được hơn 20 quả dưa để cả nhà thưởng thức và đem biếu tặng người thân", gia chủ bày tỏ.

          Thành công bước đầu của anh chị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình trồng trọt, làm vườn. Chị Quỳnh cho hay, việc cải tạo, xử lý đất rất quan trọng. Đất phải tơi xốp, sạch mầm bệnh và đủ dinh dưỡng để nuôi cây khỏe mạnh. Khi chăm cây cần đặc biệt chú ý bộ rễ, vì rễ cây có khỏe thì cây mới phát triển tốt, ít bệnh. Đất sạch, tơi xốp là môi trường thuận lợi cho bộ rễ khỏe, không bị kí sinh trong đất làm hỏng rễ. Từ một người ít khi cầm cuốc, không có kinh nghiệm làm nông mà nay, chị Quỳnh chẳng ngần ngại đào hố trồng cây rộp tay, đi khắp chuồng bò bê gần trăm bao phân bò về ủ,... chỉ để thỏa mãn đam mê. "Đam mê nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nên vườn được ứng dụng nhiều công nghệ. Phân bón thì lấy từ phân chuồng ủ hoai, ủ đạm cá vi sinh. Thuốc bảo vệ thực vật cũng theo phương pháp vi sinh, hạn chế thuốc hóa học và phân hóa học. Hướng đi của mình là hướng đi mới nên cũng mong thành công để mọi người xung quanh có thể học hỏi làm theo", chị Quỳnh chia sẻ.

 

Anh Nguyễn Văn Duy chăm sóc vườn nho theo kiến thức và kinh nghiệm của người Nhật

 

          Ngoài trồng nho và dưa lưới, gia đình còn dành khoảng 30m2 nhà lưới được cải tạo từ hồ nuôi cá (kiêm bể trữ nước tưới) để trồng dưa và dâu tây. Một khoảng đất nhỏ phía trước nhà thì trồng cây ăn quả như bưởi, khế, mít và rau sạch như cải, cà tím, bầu hồ lô, cà chua bi, mướp,...

          Không chỉ áp dụng cho gia đình mình mà anh Duy còn vận động các đoàn viên thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng đi mới để nâng cao thu nhập. Gia đình anh Duy xứng đáng là một tấm gương trẻ năng động, sáng tạo để các bạn trẻ học tập và noi theo.

                                                                                                                                                                                                                                                   Huyện đoàn Khoái Châu