Nằm trong chương trình các hoạt động hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tối 1.10, tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật “Hành trình theo dấu người xưa, Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm”. Dự chương trình nghệ thuật có các ông: Nguyễn Văn Cường, Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các ông, bà trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, đại diện Sở VHTT và DL thành phố Hà Nội và hàng trăm diễn viên, đạo diễn, nhạc công của Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát chèo Hưng Yên, Đoàn ca múa Việt Bắc, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương
Chương trình nghệ thuật “Hành trình theo dấu người xưa” nhằm tái hiện một phần của hành trình lịch sử dời đô của Vua Lý Thái Tổ, từ cố đô Hoa Lư – Ninh Bình về kinh thành Thăng Long – Hà Nội bằng đường thuỷ, trong hành trình tái hiện lịch sử, Phố Hiến – Hưng Yên vinh dự được đón rước đoàn thuyền vua Lý dừng chân. Tại bến Yên Lệnh, phường Lam Sơn hàng nghìn người dân địa phương và các du khách trong trang phục truyền thống và sắc thắm của các đội lụa, đội cờ, đội rồng…Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng không ngớt,rước đoàn về tới Quảng trường Nguyễn Văn Linh.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc, nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình nghệ thuật “Hành trình theo dấu người xưa, Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm”, đồng thời bày tỏ tấm lòng của Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên hưởng ứng ngày Đại lễ của dân tộc. ... Nói đến Hưng Yên là nói đến đức tính hiếu học, vượt khó thành tài, là một trong số ít những tỉnh có nhiều khoa bảng và danh nhân văn hoá. Bia văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội ghi tên 205 tiến sĩ người Hưng Yên. Tại Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên lưu danh 228 người đỗ đại khoa và nhiều Văn miếu khác ghi danh những người Hưng Yên. Người Hưng yên tự hào có những nhà cách mạng kiệt xuất như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Lê Văn Lương.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên, đã đưa Hưng Yên từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh khá trong cả nước.
Chương trình nghệ thuật “Hành trình theo dấu người xưa, Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm” được dàn dựng công phu, hoành tráng với nhiều tiết mục múa hát ca ngợi đất nước, ca ngợi thủ đô Hà Nội hào hùng và quê hương Hưng Yên đổi mới do các nghệ sĩ nhà hát chèo Hà Nội, nhà hát chèo Hưng Yên, nhạc viện Hà Nội biểu diễn. Đặc biệt màn sử thi đã tái hiện lại hình ảnh Hưng Yên từ thế kỷ 16, 17. Phố Hiến – Hưng Yên đã từng là trung tâm của Trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến nổi tiếng ở Đàng Ngoài, là chốn phồn hoa đô hội, một tiểu Tràng An sầm uất, nổi tiếng với câu ca “ Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Trải qua các thời kỳ của lịch sử đất nước, Hưng Yên cùng với cả nước anh dũng chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước. Hưng Yên cửa ngõ của kinh thành Thăng Long đã từng lập lên những chiến công oanh liệt. Từ vùng đầm lầy Dạ Trạch, Triệu Việt Vương lập căn cứ đánh giặc thắng Lương hay cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đời Trần “Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô”...
Chương trình văn nghệ “Hành trình theo dấu người xưa, Hưng Yên cùng dòng chảy ngàn năm” được truyền hình trực tiếp trên sóng của VTV2 ( Đài truyền hình Việt Nam), Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên.
Sáng 2-10, hàng nghìn người dân Hưng Yên lại nô nức tiễn đoàn lễ hội “Hành trình theo dấu người xưa” ra bến Yên Lệnh, để lên thuyền rời Phố Hiến, hướng về kinh thành Thăng Long. Ngay từ sáng sớm, cả con đường dẫn từ đê sông Hồng về bến Yên lệnh rực rỡ bởi sắc vàng của nắng, sắc thắm của các đội múa rồng, đội múa sênh tiền…Tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng không ngớt,tiễn đoàn rước xuống thuyền rồng, về với Thăng Long. Trên bến đò, 40 người trong trang phục truyền thống, dâng 10 mâm lễgồm nhiềusản vật của địa phương lên “nhà vua”.