Thực hiện Điều lệ Hội HLTN Việt Nam; Kế hoạch số 49-KH/TƯH ngày 02/3/2008 của Trung ương Hội LHTN Việt Nam "Về việc tổ chức Đại hội Hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội LHTN Việt Nam", Ban thư ký Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Hội LHTN các cấp và Đại hội Hội LHTN toàn tỉnh lần thứ III như sau:
KẾ HOẠCH
Tổ chức Đại hội các cấp và Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên lần thứ III
( Nhiệm kỳ 2009-2014)
-------------
I- MỤC ĐÍCH- YÊU CẦU:
1- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam các cấp và Đại hội Hội LHTN toàn tỉnh lần thứ III là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp bộ Hội nhằm tổng kết, đánh giá công tác Hội và phong trào thanh niên trong nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHTN Việt Nam và tăng cường đoàn kết, tập hợp các tầng lớp thanh niên.
2- Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu Hội LHTN toàn tỉnh lần thứ III được tổ chức trang trọng, đúng Điều lệ, hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, vai trò thành viên tập thể nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tạo phong trào thi đua sôi nổi trước, trong và sau Đại hội và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm của tuổi trẻ toàn tỉnh.
3- Hiệp thương chọn cử đại biểu tham gia Uỷ ban Hội các cấp đảm bảo được tính cơ cấu, tính đại diện, tinh thần đoàn kết thanh niên, vai trò của thành viên tập thể nòng cốt của Đoàn; phải coi trọng tiêu chuẩn và uy tín với thanh niên. Các đại biểu đi dự Đại hội cấp trên phải tiêu biểu cho các tầng lớp thanh niên, hội viên và có khả năng đóng góp vào những Nghị quyết của Đại hội.
II- NỘI DUNG CỦA ĐẠI HỘI :
Đại hội đại biểu Hội LHTN các cấp thực hiện 04 nội dung như sau:
Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ qua, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ tới .
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đại hội cùng cấp và Đại hội cấp trên.
Hiệp thương chọn cử ra Uỷ ban Hội khoá mới
Hiệp thương cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu cấp trên.
Đối với các cấp bộ Hội đã hết nhiệm kỳ Đại hội hoặc chỉ còn 01 năm (đối với cấp huyện, thị xã), 6 tháng (đối với cấp cơ sở) mới hết nhiệm kỳ Đại hội thì tiến hành Đại hội với các nội dung như trên để đảm bảo tính đồng bộ nhiệm kỳ Đại hội các cấp. Nơi chưa hết nhiệm kỳ theo quy định của Điều lệ Hội thì tiến hành Hội nghị thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội cấp trên; hiệp thương chọn cử đoàn đại biểu dự Đại hội cấp trên và bổ sung nhiệm vụ của mình theo phương hướng của Đại hội cấp trên.
1. Tổng kết nhiệm kỳ:
- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cần ngắn gọn, đánh giá đúng thực trạng tình hình thanh niên; tổ chức và hoạt động của Hội, chú ý đánh giá những mặt công tác đã làm được và chưa làm được, phân tích nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm. Tổng kết 05 cuộc vận động do Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đề ra.
- Phương hướng, nhiệm vụ chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ tới; cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và Đại hội Đoàn các cấp, xác định những nội dung, giải pháp thúc đẩy phong trào thanh niên, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
2. Thảo luận, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội cùng cấp, cấp trên:
- Việc thảo luận các dự thảo văn kiện phải được tiến hành dưới nhiều hình thức để thu hút sự tham gia rộng rãi của các hội viên, đoàn viên, của các đối tượng thanh niên, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học...
- Thảo luận tập trung nêu rõ những vấn đề đã, đang đặt ra trong công tác tổ chức, hoạt động của Hội và phong trào thanh niên trong thời kỳ mới, khuyến khích được trao đổi, tranh luận, đề xuất sáng kiến, các nội dung, giải pháp mới.
3. Chuẩn bị nhân sự và hiệp thương Uỷ ban Hội khoá mới.
3.1. Đảm bảo những yêu cầu sau:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Có tính kế thừa;
- Độ tuổi bình quân cần được trẻ hoá, đặc biệt là cán bộ chủ chốt (Chủ tịch, Phó chủ tịch) đại biểu nữ, đại biểu thuộc lĩnh vực đặc thù: tôn giáo, doanh nghiệp, y tế, giáo dục.
3.2 Tiêu chuẩn Uỷ viên Uỷ ban Hội
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực phấn đấu cho mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Có hiểu biết về Hội, có kỹ năng công tác Hội, nắm vững Điều lệ Hội, có khả năng tổ chức hoạt động và vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, các chương trình hoạt động của Hội.
- Có uy tín, khả năng, trình độ học vấn và tinh thần trách nhiệm để đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp thanh niên và hội viên.
3.3 Số lượng:
Số lượng Uỷ ban Hội cấp nào do Đại hội cấp đó quyết định theo hướng sau:
- Cấp xã và tương đương: Hiệp thương Uỷ ban Hội từ 15- 17 Uỷ viên. Cử 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và các uỷ viên.
- Cấp huyện, thị xã và tương đương: Hiệp thương Uỷ ban Hội từ 21-25 Uỷ viên. Thường trực Uỷ ban Hội được hiệp thương từ 3-5 Uỷ viên. Trong đó có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và các Uỷ viên.
- Cấp tỉnh: Hiệp thương Uỷ ban Hội từ 31-35 Uỷ viên.
Thường trực Uỷ ban Hội được hiệp thương từ 5-7 Uỷ viên trong đó cử 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và các Uỷ viên thư ký.
- Uỷ ban Hội mỗi cấp cử 01 Uỷ viên phụ trách công tác kiểm tra của Hội.
3.4 Cơ cấu Uỷ ban Hội
- Đại diện lãnh đạo của Ban thường vụ Đoàn cùng cấp, đại diện các tổ chức thành viên, các tầng lớp thanh niên như: Hội doanh nghiệp trẻ, Hội sinh viên, Hội thầy thuốc trẻ... ( nếu có) .
- Đại diện UBH cấp dưới trực tiếp.
- Đại diện các cá nhân tiêu biểu ở các ban, ngành và lĩnh vực có liên quan, chú trọng cán bộ KHKT, KT- XH, tôn giáo, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ ít nhất đạt 30%.
4. Về Đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN các cấp và hiệp thương cử đại biểu dự Đại hội đại biểu cấp trên:
4.1. Thành phần:
- Uỷ viên UBH đương nhiệm cùng cấp
- Đai biểu do UBH cấp dưới hiệp thương cử tham dự
- Đại biểu thuộc các tổ chức thành viên tập thể của Hội hiệp thương chọn cử
- Đại biểu là các cá nhân tiêu biểu, hoặc đại diện cho các ngành, lĩnh vực do các cơ quan, đơn vị hiệp thương giới thiệu.
- Đại biểu chỉ định ( không quá 10 % đại biểu triệu tập).
4.2. Số lượng:
Uỷ ban Hội cấp triệu tập Đại hội cần xem xét kỹ để quyết định số lượng đại biểu phù hợp với điều kiện thực tế, trên cơ sở định hướng sau:
- Đại hội cấp tỉnh: triệu tập 150 đại biểu ( có chỉ tiêu phân bổ sau)
- Đại hội cấp huyện, thị xã: Triệu tập 100 đại biểu.
- Đại hội cấp cơ sở: Triệu tập 70 đại biểu.
- Đối với cơ sở còn khó khăn về điều kiện tổ chức Đại hội được Uỷ ban Hội cấp trên đồng ý thì tiến hành tổ chức hội nghị đại biểu và phải đảm bảo nội dung theo hướng dẫn Điều lệ Hội LHTN Việt Nam, hướng dẫn cấp trên
- Ngoài đại biểu chính thức Đại hội Hội LHTN cần hiệp thương đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội Hội LHTN cấp trên để thay thế cho đại biểu chính thức vì lý do nào đó không dự Đại hội được (từ 1-2 đại biểu dự khuyết).
4.3. Việc hiệp thương cử đại biểu dự Đại hội đại biểu cấp trên phải theo Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội, hướng dẫn của cấp trên.
Đại biểu được hiệp thương chọn cử phải là đại biểu chính thức của Đại hội, Hội nghị cấp dưới và đảm bảo là cán bộ, hội viên tiêu biểu, có tín nhiệm trong tổ chức Hội, trong thanh niên; có khả năng đóng góp ý kiến vào các quyết định của Đại hội.
III. THỜI GIAN- HÌNH THỨC ĐẠI HỘI
1. Thời gian, tiến độ tổ chức Đại hội:
- Cấp cơ sở: 1 ngày, hoàn thành trong quý I/2009
- Cấp huyện, thị xã: Từ 1 đến 2 ngày, hoàn thành trong quý II/2009
- Cấp tỉnh: 02 ngày, tổ chức quý IV/2009
2. Chương trình Đại hội
Tuỳ theo điều kiện, đặc điểm và khả năng của UBH các cấp mà xây dựng chương trình Đại hội. Tuy nhiên Đại hội nhất thiết phải thực hiện những phần theo đúng Điều lệ và Nghi thức Hội quy định cụ thể:
- Khai mạc Đại hội.
- Hiệp thương cử Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký Đại hội.
- Báo cáo về tình hình Đại biểu dự Đại hội.
- Trình bày báo cáo của UBH và thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Hội cấp trên ( nếu có).
- Phát biểu của cấp uỷ, của Ban thường vụ Đoàn cùng cấp, Hội cấp trên( nếu có).
- Hiệp thương chọn cử UBH nhiệm kỳ mới và đại biểu dự Đại hội Hội cấp trên.
- Khen thưởng.
- Thông qua Nghị quyết của Đại hội.
- Bế mạc, tổng kết Đại hội.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO:
- Các huyện, thị Hội tập trung chỉ đạo Đại hội cơ sở theo yêu cầu, thời gian quy định; đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn, Hội trước khi tổ chức Đại hội cấp mình. Mỗi huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc, cơ sở có ít nhất 01 công trình, phần việc thanh niên chào mừng Đại hội Hội LHTN các cấp.
- Uỷ ban Hội các cấp cần chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng , chính quyền, sự ủng hộ, tạo điều kiện của các ngành, Uỷ ban MTTQ để tiến hành Đại hội đạt kết quả tốt.
- Uỷ ban Hội các cấp thành lập các tiểu ban về nội dung, nhân sự, tuyên truyền, hậu cần giúp Ban thư ký chuẩn bị Đại hội cùng cấp. Uỷ ban Hội cấp dưới phải báo cáo việc chuẩn bị văn kiện, phương án nhân sự, đề án tổ chức Đại hội với cấp trên khi được cấp uỷ, Uỷ ban Hội cấp trên đồng ý thì tiến hành tổ chức Đại hội.
- Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức Đại hội điểm cấp huyện, tại huyện Văn Lâm. Mỗi huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức Đại hội điểm từ 1 đến 2 cơ sở để rút kinh nghiệm. Ban Mặt trận thanh niên, các huyện, thị Hội, các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt Kế hoạch này.