Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, trên quê hương Phú Thịnh, huyện Kim Động, anh Nguyễn Văn Tú luôn nung nấu, khao khát được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Biến ý tưởng thành hiện thực, nhờ sự chịu khó, cần cù, quyết đoán, vừa làm vừa học hỏi, sai đâu làm lại đó, vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, đến nay mô hình phát triển kinh tế với nghề sản xuất nấm của gia đình anh đã thành công. Anh đã thành lập và trở thành Giám đốc Hợp tác xã nấm sạch Việt Tú.
Con đường phát triển nghề trồng nấm tại quê hương của anh bắt đầu được thực hiện từ năm 2009. Anh nói, thấy việc trồng nấm còn rất mới mẻ và có tiềm năng phát triển, nên quyết định bỏ việc tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Hưng Yên để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu các loại. Thời gian đầu, bản thân anh gặp không ít khó khăn vì kinh nghiệm nuôi trồng hạn chế, trong khi nguồn vốn đầu tư ít ỏi, chủ yếu từ vay mượn và thị trường tiêu thụ không ổn định. Anh từng bước lấp đầy khoảng trống, biến khó khăn, thách thức thành động lực, cơ hội vươn lên. Thiếu kiến thức, anh tìm hiểu, tiếp cận, nghiên cứu nhiều nguồn thông tin từ sách, báo và mạng Internet. Thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, anh tranh thủ thời gian để đi thăm quan, hỏi hỏi các mô hình đã làm từ trước cho hiệu quả kinh tế cao trong vùng. Thiếu khoa học kỹ thuật, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tọa đàm, nhất là mạnh dạn lên Viện Di truyền Nông nghiệp để học hỏi quy quy trình kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm một cách bài bản, từ đó ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Kể từ sau hoàn thành khoá học ở Viện Di truyền Nông nghiệp, 8 năm qua trang trại nuôi trồng nấm ăn, nấm dược liệu của anh Tú luôn gặt hái được thành công. Mỗi năm đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được trên 30 tấn nấm tươi các loại, bao gồm hơn 20 tấn nấm sò, gần 10 tấn mộc nhĩ và 0,5 tấn nấm linh chi. Ngoài bán nấm tươi cho người tiêu dùng, anh còn chế biến thành các sản phẩm nấm khô theo yêu cầu khách hàng.
Trong quá trình sản xuất, anh đã nghiên cứu nuôi trồng thành công một số loại nấm ăn, nấm dược liệu, như: nấm sò trắng, sò nâu, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm hoàng đế, nấm linh chi. Anh mạnh dạn đầu tư xây dựng 1 xưởng cơ khí để chế tạo các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành nấm nói riêng; xây dựng hệ thống dây truyền khép kín sản xuất nấm công nghệ cao, không phụ thuộc vào thời tiết từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản và tạo thành phẩm.
Nắm bắt được chủ trương “mỗi xã một sản phẩm” và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp, các ngành, đầu năm 2018, Hợp tác xã đầu tư sản xuất thương mại và phát triển nấm sạch Việt Tú chính thức được thành lập dưới sự điều hành của anh Tú.
Ngay sau khi thành lập, vào tháng 3 năm 2018, Hợp tác xã đầu tư sản xuất thương mại và phát triển nấm sạch Việt Tú đã đăng ký chứng nhận VietGAP trong quy trình sản xuất, sơ chế và tạo thành phẩm và đã được Tổ chức chứng nhận VietGAP cấp Giấy chứng nhận cho Hợp tác xã của các anh. Việc sản xuất và đăng ký chứng nhận VietGAP là việc làm cần thiết để Hợp tác xã ngày càng phát triển. Anh nói: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là nỗi lo thường trực trong mỗi gia đình. Tin tức về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị sản phẩm mà chúng tôi đem lại trong mỗi gia đình. Một trong những tiêu chuẩn, chứng nhận để khẳng định chất lượng của sản phẩm nông nghiệp thường được nhắc tới, đó là VietGAP. Sau khi xem xét và hiểu rõ nguyên tắc, điều kiện chứng nhận, quá trình và thủ tục chứng nhận, Hợp tác xã Việt Tú triển khai và đã được Tổ chức chứng nhận VietGAP cấp Giấy chứng nhận cho Hợp tác xã.
Với phương châm “Sức khỏe là cốt lõi của cuộc sống”, định hướng của Hợp tác xã là làm ra sản phẩm cho chính mình và cộng đồng để có một nền nông nghiệp sạch, không có hóa chất... Hợp tác xã xác định tiêu chí số một là phải trung thực, cầu thị, làm ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Do vậy, các thành viên trong Hợp tác xã đã xác định phải đầu tư đồng bộ, bài bản ngay từ ban đầu, không chạy theo số lượng và lợi nhuận trước mắt, đến nay các sản phẩm nấm VietGAP của đã mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, giúp Hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định và tăng doanh thu.
Hiện tại, sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Việt Tú là những nông sản an toàn, như: Nấm sò tươi, sản lượng 12-14 tấn/năm; mộc nhĩ khô, sản lượng 12-15 tấn/năm; nấm linh chi khô, sản lượng 1,2 tấn/năm; các nấm khác: nấm rơm, nấm hoàng đế, sản lượng 2 tấn/năm. Đặc biệt vừa qua, Hợp tác xã sản xuất thành công Trà Nấm linh chi (dưới dạng túi lọc và cô đặc thành cao), đã được chứng nhận sản phẩm an toàn, phòng chống các bệnh về gan, tiểu đường và thanh lọc cơ thể, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Các sản phẩm trên chủ yếu được phân phối tại các chuỗi nông sản sạch trên địa bàn thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận, tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động trong xã. Hàng năm, trừ chi phí, cho thu nhập trên 400 triệu đồng.
Thành công của Hợp tác xã Việt Tú dưới sự chỉ đạo, điều hành của anh được Tỉnh ủy Hưng Yên lựa chọn để báo cáo mô hình điển hình kinh tế tập thể tại Hội nghị Tỉnh ủy tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tại đây, anh đã kiến nghị với các cấp, các ngành trong tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian tới để kinh tế tập thể tiếp tục phát triển: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang là một xu thế lớn tác động nhiều mặt đến đời sống, trong đó có khu vực nông thôn. Sản xuất nông nghiệp thời đại công nghệ 4.0 là điều kiện thuận lợi, song cũng là thách thức lớn. Vì vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở áp dụng VietGAP để người sản xuất tham gia áp dụng; thúc đẩy mạnh liên kết 4 nhà để tiêu thụ sản phẩm chất lượng, kết nối những doanh nghiệp với các hộ sản xuất để bao tiêu sản phẩm, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm khác. Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua truyền thông để người dân nhận thức, phân biệt và đón nhận sản phẩm một cách tốt nhất. Hàng năm, tổ chức đánh giá, bình chọn, tôn vinh những cơ sở sản xuất, những sản phẩm nông nghiệp sạch tiêu biểu, nhằm quảng bá, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
HC