Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Từ câu chuyện Bác Hồ trọng đãi cụ Huỳnh Thúc Kháng: Suy nghĩ về vai trò tập hợp nhân sĩ trí thức của Mặt trận

Từ câu chuyện Bác Hồ trọng đãi cụ Huỳnh Thúc Kháng: Suy nghĩ về vai trò tập hợp nhân sĩ trí thức của Mặt trận

Huân chương Sao Vàng vừa được Đảng, Nhà nước truy tặng cụ Huỳnh Thúc Kháng khiến nhiều người nhớ về cuộc đời một chí sĩ yêu nước, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách là Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Người đi công tác dài ngày ở nước ngoài. Câu chuyện về cuộc đời cụ Huỳnh gắn chặt với tấm lòng biệt đãi nhân sĩ, trí thức của Bác Hồ.

Trong cuộc đời mình, có lẽ lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho quốc dân đồng bào khi có một người qua đời ấy là khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế: "Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế. Hỡi đồng bào yêu quý, Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế. Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang. Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào. Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

 Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

 Đến nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”. Nay chẳng may Cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công. Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta…”

 Như thế để thấy tấm lòng của Bác Hồ đặc biệt quý trọng cụ Huỳnh. Tấm lòng ấy nhất quán trong chính sách đặc biệt tôn trọng nhân sĩ trí thức của Người. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, trong bài viết có nhan đề "Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Tư tưởng này của Bác được thể hiện rất rõ trong kiến quốc và kháng chiến. Đặc biệt là trong những ngày thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã tập hợp và trọng dụng trí thức, các thành viên Chính phủ đều là những trí thức lớn. Người lý giải điều này trong thư gửi Tổng bộ Việt Minh: "Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc cho nên các bậc có tài đức, danh vọng vui lòng hợp tác trong Chính phủ”. Các Bộ trưởng: Huỳnh Thúc Kháng (Bộ Nội vụ), Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Bộ Y tế), Vũ Đình Hòe (Bộ Tư pháp),  Ngô Tấn Nhơn (Bộ Canh nông), Chu Bá Phượng (Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật (Bộ Không bộ)…của Chính phủ năm 1946 đều là các nhân sĩ, trí thức lớn và là người ngoài Đảng.

 Câu chuyện Bác Hồ kiên trì mời bằng được cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ là một ví dụ điển hình và cảm động về sự trọng dụng nhân tài của Bác. Từng đậu giải Nguyên khoa Canh Tý rồi đỗ Tiến sĩ, nổi danh là một nhà đại khoa bảng nhưng từ thời trước cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không ra làm quan, mà cùng các nhà chí sĩ lừng danh như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp mưu sự nghiệp cứu nước, vì vậy cụ bị Pháp đày ra Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra tù, cụ lập ra Báo Tiếng Dân, rồi được bầu làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung kỳ. Khi cách mạng giành chính quyền thành công, cụ đã 70 tuổi nhưng uy tín và tinh thần yêu nước của cụ vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Bởi vậy, cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lần đầu cụ từ chối vì tuổi cao sức yếu nhưng lần hai thì cụ đồng ý ra Hà Nội gặp Bác. Ngày 24-2-1946, Ủy ban Hành chính Trung bộ cho xe qua Tòa soạn Báo Tiếng Dân đưa cụ Huỳnh ra Thủ đô. Buổi gặp đầu tiên của hai tấm lòng yêu nước, thương dân thật cảm động và chân thành. Bác Hồ bố trí cho cụ Huỳnh ở ngay trên tầng lầu Bắc Bộ phủ. Hai cụ hay ăn sáng với nhau, thường là xôi và bánh tráng. Hồ Chủ tịch nói với cụ: "Việc mời cụ ra nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ là ý kiến chung của tất cả các đảng phái, chứ không phải ý kiến riêng của cụ Nguyễn Hải Thần và tôi, vì cụ ở lại trong nước, cụ biết rõ trình độ tiến bộ của đồng bào ba kỳ, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm cụ”. Cụ Huỳnh trả lời: "Tôi ra đây cốt là gặp cụ, chứ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiếm người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn” nhưng Bác vẫn kiên trì thuyết phục một cách hợp lý thuận tình nên cụ Huỳnh vui vẻ nhận lời. Ngày 2-3-1946, tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội, Bác đã giới thiệu cụ Huỳnh nhận trọng trách nắm Bộ Nội vụ. Cũng như sau này giao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng khi Người ra nước ngoài, Bác Hồ muốn trọng dụng một người "đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” để tập hợp lòng người.

 Bác Hồ đã thu hút và thuyết phục rất nhiều những nhà chí sĩ yêu nước, nhân sĩ trí thức của xã hội cũ hưởng ứng, tham gia kháng chiến và hết lòng phụng sự Tổ quốc. Tư tưởng ấy của Người được thể hiện rất rõ ở hình thức tập hợp đoàn kết dân tộc với sự ra đời của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay) năm 1946. Cụ Huỳnh được bầu làm Hội trưởng, Bác Hồ làm Hội trưởng danh dự. Sau đó Bác đã trả lời một nhà báo nước ngoài: "Hội Liên hiệp Quốc dân là do những người lão thành có danh vọng đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn v.v… và những người yêu nước không có đảng phái đứng ra tổ chức. Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các tầng lớp, đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất, độc lập, thống nhất và dân chủ, phú cường”.

 Đất nước ta vào thời điểm hiện nay cũng đang cần sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức nước nhà. Chương trình nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc hàng năm luôn nhấn mạnh yêu cầu phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu. Đó thực sự là chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận lúc này. Mặt trận ngoài vai trò tập hợp các trí thức lớn tham gia các Hội đồng Tư vấn để có sự tham vấn, phản biện kịp thời, sắc sảo và tâm huyết với các vấn đề lớn của đất nước còn cần có những kiến nghị cụ thể với Đảng, Nhà nước về các chính sách đãi ngộ và trọng dụng trí thức. Cần phải giao trách nhiệm và trọng trách xứng đáng cho các trí thức như Bác Hồ đã từng làm.

 Trọng Khang
Theo daidoanket.vn
Kim Yến (st)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN