Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tự hào 68 năm trang sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Tự hào 68 năm trang sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh

Cách đây 68 năm, ngày 15/5/1941, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Đội nhi đồng cứu quốc, tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với 5 đội viên do Kim Đồng làm Đội trưởng. Năm 2009, chúng ta tự hào kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2009) và kỷ niệm 80 năm ngày sinh Anh hùng lực lượng vũ trang Kim Đồng.

Tự hào trang sử Đội ta

Tháng 2 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh bí mật về nước ở vùng Pác Pó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì. Từ sự phân tích diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh và tổ chức ra các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội Nhi đồng cứu vong là đoàn thể cứu quốc của trẻ em từ 10 - 11 tuổi trở lên đến 15 - 16 tuổi và giao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.

Trên tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và cũng là phù hợp với lứa tuổi, Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ: Làm giao thông liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh Tây đuổi Nhật.

Ngày 15/5/1941 trở thành mốc son sáng chói trong lịch sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Ngày ấy, ở gần hang Pác Bó, xuôi dòng suối Lê Nin, dưới chân núi Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có 5 thiếu niên là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn Tịnh, Lý Thị Nì, Lý Thị Xậu, được các anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc theo quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đội có mục đích là tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho nước nhà” với nhiệm vụ làm giao thông thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác cho các cuộc họp của Đảng... Để đảm bảo bí mật, tổ chức Đội đã đặt bí danh cho các đội viên: Dền mang bí danh Kim Đồng, Thàn là Cao Sơn, Tịnh là Thanh Minh, Xậu là Thanh Thuỷ, Ni là Thuỷ Tiên. Cuộc họp đã bầu Kim Đồng làm đội trưởng. Cuối buổi lễ cả 5 bạn được kết nạp Đội đã tuyên thệ “Trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, dù có phải hi sinh cả tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân và cách mạng”. Đội Nhi đồng cứu quốc chính thức thành lập (về sau gọi là Đội thiếu nhi cứu quốc).

Lớn mạnh cùng lịch sử dân tộc, tổ chức Đội đã từng bước được xây dựng và phát triển ở một số tỉnh thành như: Cao Bằng, Hà Nội, Hà Nam... Hình thức tổ chức rất phong phú , bên ngoài là các đội bóng, đá cầu, đội ca hát nhưng bên trong là các hoạt động cách mạng, tuyên truyền cổ động cho Việt Minh.

Càng gần đến năm 1945, phong trào cách mạng ở nước ta càng mạnh mẽ, Pháp- Nhật càng tàn ác, nhân dân ta càng kiên cường đấu tranh. Nhiều thiếu nhi đã cùng người lớn tham gia chống thuế, phá kho thóc hoặc theo du kích lên chiến khu. Trong chiến công tiêu diệt hai đồn địch Phai Khắt và Nà Ngần của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ( tháng 12 năm 1944), có sự góp phần tích cực của em Hồng, một đội viên thiếu niên, làm nhiệm vụ trinh sát đã dũng cảm lọt hẳn vào đồn địch do thám tình hình.

Ngày 19/8/1945, thiếu nhi Hà Nội đã cùng cha anh tham gia chiếm công sở, trong đó có trại Bảo an binh, góp phần làm nên chiến thắng của cách mạng tháng Tám vĩ đại.

Mặc dù rất bận với các công việc của đất nước, nhưng Đảng, Bác Hồ luôn dành cho các em thiếu nhi sự quan tâm đặc biệt. Nhân ngày khai trường năm học đầu tiên và tết trung thu đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ đã viết thư cho học sinh và thiếu nhi cả nước nhắc nhở các em ra sức học tập, siêng tập thể thao và ra sức giúp cho Nhi đồng cứu vong Hội, để mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với một nước độc lập, tự do.

Câu chuyện về anh Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên

Anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người đội trưởng đầu tiên của Đội, sinh năm 1929, người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhà Kim Đồng rất nghèo. Cha bị chết vì nạn phu phen lao dịch của thực dân Pháp. Anh trai đi công tác luôn. Ở nhà chỉ có mẹ tàn tật và người em họ mồ côi là Cao Sơn.

Từ bé, Kim Đồng đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Vùng quê hương Kim Đồng là nơi có phong trào cách mạng rất sớm. Ngày 15/5/1941, Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập có 5 đội viên và Kim Đồng được bầu là đội trưởng đầu tiên của Đội. Trong công tác, Kim Đồng luôn tỏ ra dũng cảm và có nhiều mưu trí.

Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ Cao Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về báo cáo. Đợi cho bạn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình, để chạy vọt qua suối, lên phía rừng. Như vậy, bọn lính sẽ phải nổ súng hoặc kêu lên. Chúng nó sẽ bị lộ. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”. Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo. Anh Kim Đồng đã anh dũng hi sinh. Hôm ấy là sáng sớm ngày 15/2/1943.

Kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang của Đội

Tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, trong 34 năm qua, từ lớp măng non những ngày đầu thành phố mới giải phóng, thế hệ cô chú, cha mẹ của các cháu đã sát cánh cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên và trưởng thành. Đến lượt mình, thế hệ cô chú và cha mẹ của các cháu lại chăm lo cho những mầm non tương lai của thành phố và đất nước, để hôm nay các cháu trở thành những người con ngoan, trò giỏi, những “Cháu ngoan Bác Hồ”, hiếu học, chăm ngoan, với ước mơ trở thành những công dân nhỏ tuổi, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội, góp sức mình xây dựng thành phố và đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Bác Hồ mong muốn.

Nối tiếp truyền thống của hàng triệu đội viên thiếu niên tiền phong năm xưa, một thế hệ đội viên mới ra đời, giàu ý chí và nghị lực, say mê học tập và lao động, ra sức thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Hàng ngàn bạn nhỏ đã nỗ lực vượt khó học giỏi, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong học tập, trong cuộc sống hàng ngày, học và làm theo lời Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Thiếu nhi thành phố mang tên Bác, bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, các cháu đã cùng thiếu nhi cả nước thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”; thi đua lập thành tích với nhiều phong trào hoạt động sôi nổi, thiết thực góp phần xây dựng và bảo vệ thành phố. Điển hình là các chương trình Vì đàn em, tổ chức các đợt hoạt động Vững bước theo Đoàn, Ngày thứ bảy tình nguyện vì trẻ em, giải Lê Quý Đôn, hội thi Trạng nguyên Lương Thế Vinh, hội trại Hoa hồng nhỏ, vui trung thu, đón giao thừa cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi thành phố được đẩy mạnh, đã góp phần tích cực trong giáo dục và hình thành nhân cách cho các em. Các cuộc vận động Nói lời hay, làm việc tốt; Cổng trường em sạch đẹp an toàn, Hành trình đến với địa chỉ đỏ, chiến dịch Nụ cười hồng, Vòng tay bè bạn cho đến các câu lạc bộ khoa học, đôi bạn cùng tiến cùng với hàng trăm công trình măng non từ cấp liên đội đến cấp thành thực sự đã tạo ra môi trường giúp các em tham gia nhiều hoạt động xã hội, tự phấn đấu và rèn luyện. Qua đó hình thành lớp đội viên năng động, sống có trách nhiệm, có nghĩa tình, xây dựng và phát triển lực lượng đội viên nòng cốt làm hạt nhân trong các phong trào. Nhiều chỉ huy Đội giỏi, đông đảo đội viên trưởng thành đã trở thành những đoàn viên, cán bộ Đoàn, những phụ trách thiếu nhi gương mẫu, nhiệt tình.

Bằng đức tính chăm ngoan, hiếu học, bằng sự nỗ lực “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các cháu đã đem về cho thành phố nhiều huy chương và giải thưởng, nhiều danh hiệu thủ khoa trong các kỳ thi học sinh giỏi, tài năng trong nước và quốc tế. Trong cuộc sống đời thường, các cháu là người con hiếu thảo trong gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ; đến trường lễ phép với thầy cô; thấy bạn khó khăn hơn mình thì chung tay giúp đỡ. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thiếu nhi thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu chắc chắn sẽ là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giúp nước nhà phát triển, sánh vai cùng năm châu như mong muốn của Bác Hồ vĩ đại.