Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Niềm tin của dân - Sức mạnh của Đảng

Niềm tin của dân - Sức mạnh của Đảng

 niem tin cua dan
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn

Trong khi xác định mục tiêu tổng quát để đến năm 2045, Việt Nam “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong số các yếu tố trung tâm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để có thể biến mục tiêu đó thành hiện thực là: “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Vấn đề đặt ra là tại sao phải củng cố niềm tin của dân và làm thế nào để có thể thực hiện được mục tiêu đó trong điều kiện mới của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước?

1. “Ý dân là ý trời”, đó là đầu đề một bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 31-7-1955. Ngay trong mở đầu của bài báo, Người viết: “Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại.

Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 63). Ở đây, Hồ Chí Minh không chỉ nhắc lại lời của thánh hiền xưa, mà chính là Người nhắc lại một quy luật lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Bất cứ một công cuộc kiến thiết nào, bất cứ một cuộc chiến tranh nào, bất cứ một triều đại nào trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta, cũng chỉ có thể gặt hái được thành công khi có mục đích hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích chung của dân, được dân ủng hộ; không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích của dân, không được dân ủng hộ thì đều thất bại. Bởi thế, Nguyễn Trãi mới tổng kết “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân là sức nước).

Đối với Đảng ta, chế độ mà chúng ta đang xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, không những không đi ra ngoài sự chi phối của quy luật đó, mà hơn thế, chúng ta đã nhận thức vấn đề đó một cách sâu sắc, có ý thức đầy đủ khi vận dụng nó trong quá trình đấu tranh cách mạng, cũng như trong đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục đích phấn đấu là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mang lại cường thịnh cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài đấu tranh vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân. Điều lệ Đảng xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.

Với tính chất là một đảng vô sản kiểu mới, một đảng chính trị đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc, cơ sở chính trị của Đảng chính là nhân dân, sức mạnh của Đảng chính là niềm tin của nhân dân, quyền lực chính trị của Đảng chính là do nhân dân trao cho. Với tính chất là một chính thể nhân dân, một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, chế độ mà chúng ta đang xây dựng xác định mục tiêu hướng tới là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, con người là mục tiêu, đồng thời là động lực của phát triển. Chính vì thế, Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân”, cán bộ, đảng viên từ trung ương đến các làng xã đều là “đầy tớ của nhân dân”. Bàn về vai trò, cách thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, lãnh đạo đúng nghĩa là phải có ba yếu tố: Dựa vào dân mà đề ra mục tiêu, đường lối cho đúng; dựa vào dân giúp sức để tổ chức thi hành cho đúng; và “phải có quần chúng giúp” mà kiểm soát cho đúng. Người nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t. 5, tr. 326). Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Toàn bộ quá trình lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất cho bài học “lấy dân làm gốc”.

2. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong 5 năm vừa qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thu được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều lĩnh vực để lại dấu ấn nổi bật như tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước, chống tham nhũng lãng phí,... Nhìn một cách tổng thể, công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ta trong 35 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo dựng nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ có như ngày nay. Có được những thành tựu to lớn ấy, không thể không kể đến vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành, tận tụy, có năng lực công tác, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ những thành công của quá trình đổi mới, nhất là sau 5 năm qua là: “quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới… mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đó chính là cơ sở gốc rễ củng cố và tăng cường niềm tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Và niềm tin của dân vào Đảng, vào chế độ sẽ là điều kiện để phát huy sự sáng tạo, khát vọng vươn lên, cũng như phát huy những nguồn lực to lớn trong xã hội cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là điểm tựa vững chắc cho những quyết sách của Đảng, những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước được thực hiện thành công.

Cùng với những thành tựu to lớn đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chúng ta cũng còn không ít những hạn chế. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Hiệu quả lãnh đạo của một số tổ chức đảng, quản lý của một số tổ chức, cơ quan nhà nước còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm “còn khá phổ biến”. Hàng trăm cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, bị truy tố vì xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, sa vào tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng với tinh thần nghiêm khắc, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”. Đồng thời, “tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tình trạng trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, “là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Đúng như khái quát của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XII: “ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.

3. Đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, là cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ trước lúc đi xa, “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong giai đoạn mới của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta có nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi. Đó là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cùng những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy trong 35 năm đổi mới; là sự lãnh đạo của một đảng cộng sản dày dạn kinh nghiệm, kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; là sức mạnh sáng tạo của gần 100 triệu nhân dân cả dân tộc với sự ủng hộ của nhiều bạn bè, đối tác trên thế giới; là những cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mang lại,...

Tuy nhiên, con đường đi đến thắng lợi của chúng ta cũng có không ít khó khăn, thách thức. Đó là những diễn biến phức tạp khó lường trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế; là những thách thức về an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, tranh chấp biển đảo; là những hạn chế về tính bền vững, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước; là nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xã hội, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi,... Phát huy được thời cơ thuận lợi, khắc phục được những khó khăn, hạn chế để hiện thực hóa được mục tiêu đề ra, thật sự là một cuộc chiến đấu khổng lồ, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm to lớn của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi phải đưa ra và thực hiện một hệ thống các chính sách, trong đó cần phải quán triệt và thực hiện thật nghiêm túc “bài học lấy dân làm gốc”. Nói như Bác Hồ, “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t. 15, tr. 617). Và để “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” thì trước hết là phải củng cố được niềm tin của nhân dân, phải làm sao cho dân tin vào Đảng, tin vào Nhà nước và chế độ. Vậy chúng ta phải làm gì để củng cố niềm tin của nhân dân?

Niềm tin của nhân dân chỉ có thể được củng cố trên cơ sở nhiều yếu tố, nhiều điều kiện, nhưng trước hết và trên hết phụ thuộc vào chính hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng. Nói cách khác, Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh là điều kiện tiên quyết để cho dân tin Đảng, để củng cố niềm tin của dân đối với Đảng và chế độ. Phải làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng; chặt chẽ, hợp lý về tổ chức, bộ máy; nghiêm khắc về kỷ luật, kỷ cương; có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đảng phải xây dựng, rèn luyện, lựa chọn một đội ngũ cán bộ có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Việc bố trí sử dụng cán bộ trong bộ máy Đảng và hệ thống chính trị phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ về quyền lực, trách nhiệm công vụ và thái độ phục vụ nhân dân, cùng với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân. Kiên quyết loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng những kẻ thoái hóa, biến chất, những cán bộ không trung thực, nói không đi đôi với làm. Trên thực tế, chính đội ngũ cán bộ là hình ảnh và đại diện trực tiếp của Đảng trước nhân dân, vì thế sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đảng phải giữ gìn mối quan hệ mật thiết với nhân dân, tin dân, thực hiện dân chủ thực chất, dựa vào dân và phát huy bằng được vai trò của dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hơn lúc nào hết, chúng ta hiểu rằng, củng cố niềm tin của nhân dân chính là điều kiện để tăng cường sức mạnh của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, điều kiện để vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thành công những nhiệm vụ khổng lồ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ sắp tới. Củng cố niềm tin của dân cũng là làm cho Đảng thật sự trở về với đúng bản chất của mình - Đảng ra đời từ nhân dân, đấu tranh phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, và Đảng thuộc về nhân dân.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn
 Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo Báo Nhân Dân

Tâm Trang (st)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN