Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
“Hãy nuôi khát vọng, nhưng đừng tham vọng”

“Hãy nuôi khát vọng, nhưng đừng tham vọng”

(Dân trí) - Chiều 12/9, tại Cung Lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn “Kết nối tài năng Việt” - một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Chủ đề của diễn đàn hôm nay là cuộc hành trình “tìm ngọc”. Các đại biểu tài năng trẻ sẽ trao đổi, đối thoại với Hội đồng bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam gồm các thành viên là các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các doanh nhân hàng đầu của Việt Nam. Đến dự và giao lưu tại diễn đàn có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, GS.VS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội và đồng chí Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn.
“Không phải hay cãi là tài năng mà phải cãi có lý”
Tại diễn đàn, rất nhiều đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi tới là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Chia sẻ vấn đề tạo nên tài năng như thế nào, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Tài năng là do trời phú. Tuy nhiên tài năng này chưa đủ, phải cố gắng rèn luyện, trau dồi kiến thức, đặc biệt là phải có người dùng, sử dụng năng lực của mình. Ba yếu tố này kết hợp lại thì mới tạo nên nhân tài”.

Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ, ông phát huy tài năng của mình trong hoàn cảnh như thế nào? Bật cười lớn, ông Khoan cho biết: “Tôi không phải là người tài năng mà chỉ là người may mắn”.

Ôn lại những thời kỳ bắt đầu mới vào làm việc của mình, ông đúc kết lại: “Cần phải chịu khó mày mò, học tập, chăm chỉ, nghiên cứu và đặc biệt phải có sáng tạo”.

Ông Khoan chia sẻ thêm: “Thời đó, tôi là người rất hay cãi với thủ trưởng.” (Cười hóm hỉnh).

MC của chương trình hỏi lại: “Người hay cãi có phải là tài năng?”. Ông Khoan nói: “Không phải hay cãi là tài năng mà phải cãi có lý”. (Cả hội trường cười vang).
 

Hứng thú với câu chuyện của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một bạn trẻ hỏi: “Cháu có tính hay cãi. Cháu muốn hỏi, thời kỳ bác đang đương chức, để phát hiện ra tài năng của nhiều người thì làm như thế nào?”.

“Tài năng tự nhiên đến. Lửa thử vàng, tôi cũng đã phải trải qua thử thách ghê gớm thì mới biết được tài năng. Về việc chọn người tài thì theo tôi yếu tố đầu tiên phải là trải qua thử thách. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có người biết dùng và dám dùng người tài”.

Ông dẫn dụ: “Việc dùng người tài của Bác Hồ là bài học rõ nhất cho việc mạnh dạn dùng người tài. Bác Hồ dùng cả những người là thành viên của chính quyền trước đó như dùng ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng... Đặc biệt, Bác Hồ dùng người tài thường là những người trẻ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng...  Vì vậy, đã dùng người tài nên dùng người trẻ, ông Khoan nhấn mạnh.

Với câu hỏi của một bạn sinh viên đến từ ĐH Quốc gia Singapore hỏi “Khi bác 20 tuổi, bác có nghĩ về sau mình sẽ trở thành Phó Thủ tướng, bác có lời khuyên như thế nào cho các tài năng trẻ?”.

Cười hóm hỉnh với câu hỏi thú vị này, ông Khoan cho biết: “Tôi nghĩ, khi 20 tuổi, nếu nghĩ ở tuổi nào sẽ được lên chức vụ nào thì người đó không phải người tài. Lúc đó, chỉ nên nghĩ đến chinh phục đỉnh cao tri thức thì mới thành công. Hoàng đế Napoleon của Pháp lừng danh thế giới, có nói: ‘Mỗi người lính luôn phải giữ trong ba lô một cái gậy của thống soái, phải có khát vọng’.

“Còn chuyện có lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay không là chuyện trời cho. Phải có sự cống hiến hết mình”. Ông khuyên các bạn trẻ: “Hãy nuôi khát vọng nhưng đừng tham vọng”.

Dùng người tài không được đố kị

Các bạn trẻ tiếp tục "dồn ép" nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về những câu hỏi như những biện pháp làm thế nào để chúng ta tránh lãng phí chất xám?, ông Khoan cho rằng: “Nếu không sớm sửa đổi khâu sử dụng nhân tài thì rất lãng phí. Nhân tài là một khái niệm rộng, không thể ngồi đưa ra một đơn thuốc chung cho tất cả. Nhưng cái lớn nhất, muốn dùng nhân tài thì phải có người tài, vì không sợ nhân tài che lấp mình. Dùng người tài không được đố kị, có chế độ ưu đãi riêng, tôn trọng họ. Người tài thường có tật, nếu tật nho nhỏ chấp nhận được thì lượng thứ và giúp đỡ người ta chứ đừng gạt ra sẽ mất người tài”.

 
Các khách mời tham dự diễn đàn chiều 12/9 nhận được rất nhiều những câu hỏi thú vị.
 
Câu hỏi “Làm thế nào để người tài toả sáng” là câu hỏi tập trung nhất của nhiều đại biểu trẻ quan tâm và gửi đến những người giao lưu là nhà quản lý, doanh nghiệp hiện nay.
 
 
GS. Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang cho biết: “Tuổi trẻ muốn tỏa sáng, thì phải biết ý tưởng của mình áp dụng như thế nào. Bên cạnh đó, phải có những người biết tiếp thu ý tưởng của mình. Biết chọn người gửi gắm tư tưởng của mình để phát huy.
Còn ông Trương Gia Bình, khẳng định: “Tài năng được thể hiện qua kết quả nhưng quan trọng hơn là kết quả đó có ý nghĩa như thế nào với người khác, với đất nước. Một điều rất quan trọng là các bạn cần phải tìm được những “minh chủ” biết yêu thương và biết sử dụng tài năng của bạn”.

Ông Dương Viết Roãn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty công trình giao thông 5 cho rằng: “Các tài năng trẻ muốn thể hiện sự đóng góp của mình, trước hết phải làm tốt công việc mình đang đảm nhận, đó là trực tiếp góp phần mình cho sự phát triển chung của xã hội. Thêm vào đó, tôi nghĩ các bạn nên tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội”.
 
Nguyên PTT Vũ Khoan và “Hiệp sỹ CNTT” Nguyễn Công Hùng.

 

Sáng nay 13/9, Đại hội Tài năng trẻ lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Người trẻ tài năng phải làm gì?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Trước hết, bạn trẻ phải có khát vọng cống hiến tài năng của mình cho Tổ quốc, phục vụ lợi ích chung của mọi người. Nếu sống mà không mong muốn làm được cái gì thì làm sao mà thành tài được.

Thứ hai là phải khổ luyện.

Thứ ba, khi được giao thì phải nhận bất cứ việc gì, không xét nét, nhận việc rồi thì làm hoàn thiện và làm tốt công việc đó.

Thứ tư, cần có bạn bè để giúp đỡ và hỗ trợ nhau.

Thứ năm, phải tìm được “minh chủ” cho mình. 

 
  
Hồng Hạnh - Tiến Nguyên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN