Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
"Báo chí đã khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc"

"Báo chí đã khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc"

- Đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sáng nay (19/6), ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, báo chí đã khơi dậy được lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang.
 
"Nâng tầm tư duy và bản lĩnh"
 
Ông Trương Tấn Sang chúc những người làm báo cần chủ động và bản lĩnh trong xử lý thông tin.

Ông Sang nói: "Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, báo chí nước ta cũng có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích".

Thường trực Ban Bí thư đánh giá, "Các cơ quan báo chí đã đi trước, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội với các chủ trương, chính sách của Đảng. Thể hiện được sự nhạy bén, tỉnh táo, trách nhiệm trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước".

Ông Trương Tấn Sang cũng khẳng định báo chí đã có những thông tin đắt giá khi đi sâu phân tích các tác động của gói kích cầu, giới thiệu được nhiều kinh nghiệm quốc tế.

Ngoài ra, thông qua các ngày lễ lớn, báo chí đã khơi dậy được lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

"Báo chí có lúc im lặng không nói gì, nhưng cũng đã có lúc rất sôi nổi khi nói về biển đảo. Có thời điểm Hội nhà báo thống kê có tới hơn 160 bài báo riêng về chủ đề này", ông Sang nói.
 

Các nhà báo truyền hình đang tác nghiệp

 

"Tạo điều kiện cho báo chí phát triển"

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý, một số cơ quan báo chí chưa đề cao đúng mức chức năng chính trị, tư tưởng, chưa rèn luyện, vun đắp tư duy và bản lĩnh chính trị.

"Trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, kể cả vấn đề hệ trọng liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước còn có biểu hiện vội vàng, chủ quan, chạy theo dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành. Một số cơ quan báo chí còn đưa thông tin sai, gây tác hại về chính trị, kinh tế", ông Sang lưu ý.

Nguyên nhân được chỉ ra, là bất cập trong quản lý báo chí, năng lực cơ quan chủ quản, và trực tiếp nhất là năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của nhà báo và tòa soạn báo.

Thời gian tới, ông Sang yêu cầu, "Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan báo chí và người làm báo. Xây dựng cơ chế hợp lý để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển, vừa khắc phục kịp thời, dứt điểm các sai phạm. Rà soát, bổ sung chỉnh sửa quy hoạch phát triển báo chí của cả nước trong điều kiện các loại hình truyền thông đa phương tiện đang phát triển mạnh mẽ".
 
Vietnamnet

BÀI VIẾT LIÊN QUAN