Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã khẳng định, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin; đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn kiện các kỳ Đại hội Đảng ta đều khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Sự khẳng định đó phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, hành trình bôn ba tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước đúng đắn khi được đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin.Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu tư tưởng vĩ đại của con người, do C. Mác - Ph. Ăngghen đặt nền móng tại Đức vào khoảng đầu thế kỷ XIX, được V.I. Lênin kế thừa, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại Nga. Đây là học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn duy nhất đề ra mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người cũng như chỉ rõ lực lượng, con đường, phương thức nhằm đạt được mục tiêu đó. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết khoa học gồm ba bộ phận thống nhất hữu cơ: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Triết học Mác - Lênin là khoa học về những quy luật phổ biến chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người, trang bị cho con người thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp biện chứng duy vật đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.
Kinh tế chính trị Mác - Lênin nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, các quan hệ sản xuất, chỉ rõ bản chất, những quy luật kinh tế chủ yếu của sự hình thành, phát triển và đưa phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tới chỗ diệt vong; chỉ ra những quy luật phát triển của quan hệ sản xuất mới, con đường xây dựng một xã hội không có áp bức bất công, vì tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người – xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội khoa học là hệ thống tri thức chung nhất về cách mạng xã hội chủ nghĩa và quá trình hình thành, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Lực lượng xã hội thực hiện sự chuyển biến đó chính là giai cấp vô sản và nhân dân lao động; chỉ ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là lật đổ chủ nghĩa tư bản xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và của dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi. Cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin mà hạt nhân lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch rất quan tâm đến việc chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đó là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, hạ thấp và đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, của toàn Đảng, toàn dân.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp khó lường hiện nay, đặc biệt năm 2021 là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đây là những sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với con đường phát triển của nước ta trong thời gian tới. Vì vậy, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động chống phá với những âm mưu, thủ đoạn mới nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội ta. Lợi dụng những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin trên các nguyên lý cơ bản như: lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, các thế lực thù địch cũng sẽ tiếp tục xuyên tạc, phá hoại Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trước sự chống phá bằng các thủ đoạn, phương pháp ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, chúng ta cần tích cực, chủ động triển khai các hoạt động đấu tranh phòng, chống những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công cuộc đổi mới. Muốn vậy, cần nhận thức đúng và chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay. Cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Đây là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu có tính nguyên tắc, đóng vai trò nền tảng, then chốt, nhằm tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp ủy cơ sở cần triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố và tăng cường niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ba là, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thường xuyên sơ kết, tổng kết công tác đấu tranh tư tưởng, nhằm bảo đảm nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thực thi trên thực tế. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đấu tranh tư tưởng phải được duy trì thành nền nếp, thường xuyên, có hiệu quả thiết thực, định kỳ hằng năm, nửa năm hoặc qua các đợt đấu tranh cao điểm, qua từng nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng cụ thể. Từ những mô hình hay, những điển hình tốt, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế là cơ sở để cấp ủy xây dựng nghị quyết, chỉ thị về lãnh đạo đấu tranh tư tưởng thu được thắng lợi lớn hơn.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy đảng trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm thù địch, sai trái, bảo đảm các hoạt động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận theo đúng định hướng của Đảng. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp, sáng tạo; đấu tranh trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, tính lý luận, giàu sức thuyết phục.
Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành và phát triển; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được tăng cường, văn hóa – xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Điều đó là minh chứng sinh động khẳng định Đảng ta đã vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; khẳng định sự sai lầm thiếu căn cứ khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, nhất định sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ thu được nhiều thành tựu hơn nữa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ĐOÀN