Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà chỉ huy và nhà lý luận quân sự xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, trọn đời vì nước, vì dân của Đại tướng đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc. Tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng có ý nghĩa to lớn trong việc bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ khi còn nhỏ, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, bóc lột bởi bè lũ thực dân và tay sai, Võ Nguyên Giáp đã sớm nung nấu ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Khi học ở Trường Quốc học Huế, ngoài việc học tập chăm chỉ, Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến hoạt động chính trị. Từ khi tiếp thu được những tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền cách mạng, tham gia các phong trào đấu tranh bãi khóa trong thanh niên, học sinh.
Năm 1927, đồng chí Võ Nguyên Giáp gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng và đến năm 1929 cùng một số đồng chí tiến hành cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, một trong 3 tổ chức sau này hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Từ năm 1930 đến năm 1940, đồng chí đã tích cực tham gia Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, phong trào dân chủ nửa hợp pháp của Đảng tại Hà Nội và là biên tập viên các tờ báo của Đảng. Khi tham gia các hoạt động này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã xác định một lòng một dạ theo Đảng, phấn đấu hy sinh vì đất nước, dân tộc và nhân dân.
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Nguyên Giáp là được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Trung Quốc (tháng 6-1940). Từ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh dìu dắt, tin tưởng, trao nhiều trọng trách trên các lĩnh vực mà tổ chức phân công.
Tháng 12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam, một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, đồng chí có những đóng góp quan trọng vào quyết sách chiến lược của Đảng, chỉ đạo LLVT, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên đập tan xiềng xích kìm kẹp, áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân; giành lại độc lập, tự do, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên Hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đưa ra những quyết sách chiến lược, đồng thời trực tiếp hoạch định và tham gia chỉ huy, điều hành nhiều chiến dịch quan trọng, quyết định làm xoay chuyển tình thế cuộc kháng chiến VÀ SAU ĐÓ LÀM NÊN Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Khi được Đảng, Nhà nước phân công làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, dù công việc rất mới mẻ, nhưng Đại tướng đã nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng” và “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, trực tiếp làm việc và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đề đạt của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trí thức, văn nghệ sĩ... Nhờ đó, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa khoa học kỹ thuật Việt Nam từng bước sánh kịp trình độ các nước trong khu vực.
Trong công cuộc đổi mới, với trách nhiệm và tâm huyết của một người lão thành cách mạng đối với sự phát triển của đất nước, bằng khát vọng đưa Việt Nam nhanh chóng phát triển hội nhập với thế giới, Đại tướng tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước. Đại tướng đã dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên (1980) và Chiến lược kinh tế và quốc phòng biển (1985), thể hiện nhận thức sâu sắc của Đại tướng về yêu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học-kỹ thuật để phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và vùng biển nước ta...
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, Đại tướng luôn nhấn mạnh trước hết phải chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc Đảng, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... đẩy lùi tệ nạn xã hội, khắc phục nguy cơ “nội xâm” để làm thất bại âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” của kẻ thù; Đảng phải xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, là cơ sở để xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Cuộc đời, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng kính yêu luôn in đậm trong lòng dân. Danh hiệu dành cho Đại tướng: “Vị tướng của nhân dân” là vô cùng cao quý, sẽ trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay nguyện mãi mãi kiên định con đường cách mạng của Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo đi trước, luôn giữ tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn, ra sức thi đua đóng góp sức trẻ, trí tuệ tham gia tích cực và các phong trào, chương trình của Đoàn, Hội góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để tiếp xứng đáng là cánh tay đắc lực, đội dự bị tin cậy của Đảng.