Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

Giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

            Dù đã trải qua 104 năm, giá trị vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn trường tồn, bởi thắng lợi đó đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; nước Nga Xô viết, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa đã tạo ra những giá trị xã hội chủ nghĩa vĩ đại, nêu gương, thúc đẩy và giúp nhân loại tiến bộ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Lãnh tụ Vladimir Ilyich Lenin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

            Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội từ những ước mơ, nguyện vọng ngàn đời của quần chúng lao khổ, bị áp bức bất công; từ lý luận khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân trở thành hiện thực sinh động trên một đất nước rộng lớn. Đúng là “Nước Nga có chuyện lạ đời. Đem người nô lệ làm người tự do”. Từ đây, nước Nga Xô viết bắt tay vào xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ xã hội chủ nghĩa mà ở đó con người, trước tiên là giai cấp công nhân và nhân dân lao động bước đầu làm chủ cuộc đời mình, có điều kiện để phát triển toàn diện; nạn người áp bức bóc lột người, nạn dân tộc này áp bức bóc lột dân tộc khác dần được xóa bỏ.
Trên phạm vi quốc tế, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong sợi dây của chủ nghĩa đế quốc. Nước Nga Xô viết ra đời, lập nên một chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản, đánh dấu sự xuất hiện hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, trên thực tế là mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Từ đây “băng đã tan”, “lối đã mở” nhân loại sẽ tiến lên theo một hướng mới - đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. “Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”.

            Sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa tư bản là một bước tiến lớn của nhân loại, đem lại những giá trị tiến bộ trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội cả ở trình độ và quy mô phát triển so với các chế độ xã hội trước đó. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã nhận định: mặc dù ra đời chưa được một trăm năm, nhưng chủ nghĩa tư bản đã sản xuất ra một khối lượng vật chất khổng lồ bằng tất cả các chế độ xã hội trước cộng lại. V.I.Lê-nin khẳng định các giá trị văn minh của chủ nghĩa tư bản, coi đây là những giá trị văn minh chung của nhân loại sáng tạo ra, đồng thời yêu cầu những người cộng sản phải “tiếp thu tất cả tinh hoa văn hóa mà nhân loại đã sáng tạo”. Tuy nhiên xét đến cùng, về bản chất, những giá trị đó không thể thoát khỏi khuôn khổ tư bản, bản chất tư sản, chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích cho thiểu số là giai cấp tư sản, còn đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động vẫn chịu sự nô dịch, áp bức, bất công xã hội; dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản thường mang tính hình thức và bị “cắt xén”, che dấu bản chất bóc lột, áp bức của giai cấp tư sản. Sự thực các dân tộc vẫn là mồi ngon cho chủ nghĩa đế quốc xâm lược áp bức, bóc lột nhằm thỏa mãn lợi ích ích kỷ của nó. Bởi thế, nhân loại tiến bộ đã nguyền rủa các chế độ xã hội áp bức, bóc lột và mong muốn xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa - một xã hội tốt đẹp hơn.

            Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, nước Nga Xô viết ra đời, lần đầu tiên chủ nghĩa xã hội từ ước mơ, từ lý luận đã trở thành hiện thực. Lần đầu tiên, Nhà nước Nga Xô viết - nhà nước của dân, do dân và vì dân được thiết lập. Đây là nhà nước dân chủ của đa số người lao động, chứ không phải nhà nước tư sản của thiểu số bóc lột, đặc quyền, đặc lợi. Ngay sau ngày cách mạng thành công, chính quyền Xô viết đã ban hành Sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, dân tộc và mọi tước vị để tất cả chỉ còn một tên chung là công dân của nước Cộng hòa Xô viết Nga. Đầu tháng 01-1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ III đã thông qua bản Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột, khẳng định mục tiêu của nước Cộng hòa Xô viết Nga là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, đem lại quyền bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân Nga.

            Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết, từ một nước kém phát triển, nước Nga, sau đó là Liên Xô vươn lên trở thành một trong hai siêu cường kinh tế của thế giới. Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận. Nếu không có các chính sách công nghiệp hóa đó thì Liên Xô không thể duy trì nền độc lập chính trị và kinh tế của đất nước, không thể chiến đấu và giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, Liên Xô cũng nhanh chóng vươn lên trở thành cường quốc, tạo nên những giá trị ưu việt mà không phải bất kỳ một quốc gia tư bản nào cũng sánh được. Một số lĩnh vực như khoa học vũ trụ, điện hạt nhân, luyện kim, công nghệ vũ khí... Liên Xô đã có được vị trí dẫn đầu thế giới. Trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, chinh phục vũ trụ, Liên Xô có bước phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia đầu tiên mở màn cho kỷ nguyên thám hiểm vũ trụ của loài người. Tiềm lực khoa học, khoa học quân sự, sức mạnh quốc phòng của Liên Xô tăng lên nhanh chóng khi năm 1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mỹ, trở thành một trong những cường quốc có sức mạnh quốc phòng quân sự to lớn, thực sự là lực lượng trụ cột trong việc ngăn chặn họa phát xít và bảo vệ hòa bình thế giới.

            Liên Xô bảo đảm cho quần chúng công nông được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh và nhiều giá trị khác nữa như quyền nhà ở, quyền được học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới quy định chế độ làm việc 8 giờ một ngày và người lao động được phép nghỉ một tháng mỗi năm và vẫn được hưởng lương bình thường. Người dân được đưa tới nơi làm việc bằng phương tiện công cộng mà không phải trả tiền; được miễn học phí tại mọi cơ sở giáo dục, từ mẫu giáo cho tới đại học, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đều có việc làm sau khi nhận bằng. Người dân được khám chữa bệnh miễn phí hoàn toàn...

            Những thành quả của Cách mạng Tháng Mười và các giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của nhân loại, buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh, tô vẽ lại bộ mặt của mình theo hướng nhân văn, tiến bộ hơn.

            Dưới ánh sáng soi đường và sự cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga, với sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn của Liên Xô, vào những năm 50-70 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở khắp các châu lục. Đã có khoảng 100 quốc gia giành được độc lập dân tộc, giải phóng hơn 70% dân số thế giới sống trên 70% diện tích địa cầu thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Một số quốc gia sau khi giành độc lập dân tộc đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhân loại tiến bộ không thể lãng quên công lao và sự hy sinh to lớn đó của Cách mạng Tháng Mười và Liên Xô vĩ đại. Trong các nước tư bản, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có bước phát triển mới, buộc chủ nghĩa tư bản phải thay đổi, đáp ứng những đòi hỏi nhất định của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, phần nào làm cho đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động được cải thiện. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tiếng súng đại bác của chiếc tàu “Rạng Đông” báo hiệu một giai đoạn mới trong lịch sử của loài người nói chung và của các dân tộc bị áp bức nói riêng... Cách mạng Tháng Mười đã giáng một đòn sấm sét vào đầu chủ nghĩa đế quốc và đẩy mạnh làn sóng giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi”.

            Cách mạng Tháng Mười ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến cách mạng Việt Nam. Sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, như một sự tất yếu lịch sử, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lê-nin. Và từ đó, Người đã xác định rõ cách mạng Việt Nam phải đi theo Cách mạng Tháng Mười. Bởi: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi” . Từ thực tiễn thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, “Cách mạng tháng Mười đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, làm cho nó trở thành một làn sóng mãnh liệt trong tất cả các nước phương Đông: Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam”. Từ đó, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với tinh thần quốc tế vô sản cao cả, Liên Xô đã ủng hộ to lớn, toàn diện công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

            Hiện nay, lợi dụng sự sụp đổ, tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch càng tăng cường xuyên tạc, phủ nhận giá trị, sức sống vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga; của chủ nghĩa xã hội hiện thực, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng “đẻ non”, chỉ là ý muốn “ngông cuồng” của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga; theo đó Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa là “quái thai của lịch sử”, tất yếu sụp đổ; chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng chỉ là một học thuyết “không tưởng mới” mà thôi… Tất cả các luận điểm đó đều sai lầm, phản khoa học, phản cách mạng, thực chất nhằm chống phá, hạ bệ và thủ tiêu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thủ tiêu chủ nghĩa xã hội để bảo vệ lợi ích vụ lợi của giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản.

            Sự xuyên tạc, chống phá đó không phải là mới mà thuộc về bản chất không bao giờ thay đổi của chủ nghĩa đế quốc. Ngay từ khi chủ nghĩa Mác ra đời năm 1848, các thế lực thù địch đã run sợ và tìm trăm phương, ngàn kế hòng tiêu diệt, trừ khử “bóng ma cộng sản” đang ám ảnh châu Âu; nước Nga Xô viết non trẻ đã phải chống lại 14 nước đế quốc tập trung, hòng bóp chết nước Nga; Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũng phải thường xuyên đấu tranh chống lại các thế lực thù địch gây chiến tranh, hòng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội. Sự đổ vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không làm giảm giá trị, sức sống vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, của chủ nghĩa xã hội hiện thực, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của lý tưởng cộng sản, càng không phải là sự phá sản của chủ nghĩa Mác, không phải là sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực mà là sự đổ vỡ của một mô hình chủ nghĩa xã hội còn nhiều khiếm khuyết, sai lầm, ảo tưởng, những hạn chế, những yếu kém trong tổ chức, xây dựng một xã hội mới chưa có tiền lệ, đầy khó khăn phức tạp. Đó còn là sự sụp đổ của căn bệnh quan liêu, tham nhũng, hối lộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất trong các Đảng Cộng sản cầm quyền, trong bộ máy nhà nước; sự sai lầm trong công tác cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước; sự sụp đổ của thái độ mơ hồ về giai cấp và đấu tranh giai cấp, mơ hồ về sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc, về “nhân quyền cao hơn chủ quyền”; sự sụp đổ của việc vận dụng giáo điều chủ nghĩa Mác - Lê-nin…

            Không những thế, từ những thành công và cả từ những sai lầm, thất bại, đã để lại cho các Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa những bài học quý báu, đắt giá trong công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay. Đó là bài học phải vận dụng trung thành, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải coi trọng công tác xây dựng Đảng; giữ vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản; củng cố và tăng cường khối liên minh công - nông - trí thức; xây dựng phải đi đôi với bảo vệ thành quả cách mạng; củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong sạch và vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp, phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền và xây dựng xã hội mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; đấu tranh chống các trào lưu cơ hội, xét lại, chống cộng…

            Lý tưởng và giá trị tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười đem lại vẫn tiếp tục cổ vũ, dẫn đường cho chúng ta đi đến tương lai, xây dựng một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức đứng lên tự giải phóng…Trong lịch sử chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN