Lịch sử đã khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên. Thanh niên là rường cột của nước nhà, là tương lai của đất nước. Thanh niên Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác, kế thừa truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, luôn phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, không quản ngại gian khổ, hi sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò và sức mạnh của thanh niên càng được phát huy, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc, bồi đắp thêm những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ.
Trong công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau phần nói về Đảng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong bồi dưỡng, đào tạo những con người kế tục sự nghiệp cách mạng phải coi trọng cả đức và tài, trong đó Người đặt lên hàng đầu là đạo đức cách mạng. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu và căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Vì vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị, qua đó xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong công tác thanh niên, Người nhấn mạnh “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do các thanh niên”, công tác đào tạo bồi dưỡng phải đạt cho được mục tiêu giáo dục toàn diện để lực lượng thanh niên sau khi được đào tạo phải đủ sức phục vụ nhân dân. Bên cạnh phải củng cố niềm tin của thanh niên, sinh viên vào Đảng, vào chế độ, phải tăng cường giáo dục cho họ tình cảm yêu nước nồng nàn. Yêu nước, tức là yêu độc lập của đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội; là phải làm giàu cho gia đình và xã hội; phải trung với Đảng, với nước, hiếu với dân. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay thì “trung” và “hiếu” phải được coi trọng là giá trị nổi bật để thanh niên không dễ sa vào cạm bẫy của kẻ thù. Có thể nói giáo dục tình cảm yêu nước là nội lực quan trọng để tạo cho những thanh niên- những người làm chủ tương lai của đất nước, ý chí tự lực tự cường, say mê trong lao động, học tập.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, luôn song hành với việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng và đảng viên cũng như tổ chức đoàn, hội. Không những thế, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn phải đi trước, mở đường cho việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là đối với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hoặc ở những thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, gây tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số nhằm xây dựng thế giới siêu kết nối và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đột phá, tiên tiến nhất hiện nay là Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big Data); Công nghệ in 3D; Xe tựu lái; Người máy cao cấp; Internet kết nối vạn vật (IoT), Công nghệ nanô, Công nghệ vật liệu mới và cảm biến, Công nghệ sinh học … Thành tựu của CMCN 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống như: Xây dựng thành phố thông minh; tạo lập kết nối giữa các thiết bị, máy móc với nhau, thậm chí giữa máy móc với con người.
Trong kỷ nguyên số hóa, giáo dục sẽ thay đổi sâu rộng, từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Phạm vi tương tác trong giáo dục 4.0 rất rộng lớn, khoảng cách về địa lý, không gian và thời gian bị xóa nhòa. Môi trường giáo dục không chỉ diễn ra trong phạm vi nhà trường mà mở rộng ra toàn cầu. Sự phát triển của chính các hình thức học trực tuyến giúp người học tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo (AR/VR) được sử dụng rộng rãi, giúp người học trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng. Trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến thì CMCN 4.0 vừa là phương tiện vừa là mục đích tuyên truyền. Tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về cách mạng công nghiệp 4.0 nêu rõ quan điểm: “Chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”. CMCN 4.0 cũng là phương tiện cho công tác phổ biến, tuyên truyền, với lợi thế về công nghệ, CMCN 4.0 cung cấp cho công tác phổ biến, tuyên truyền nhiều kênh hữu ích, mạng xã hội, các hình thức trực tuyến giúp giảm kinh phí và tiết kiệm thời gian, tiện lợi cho đối tượng tham gia. Nhờ có các công nghệ mới mà tương tác giữa người tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền cao hơn, đây là đặc tính nổi bật.
Trong những nội dung của giáo dục lý luận chính trị, nếu giáo dục Chủ nghĩa Mác – Lênin được xác định là nội dung trọng tâm, thì giáo dục đạo đức cách mạng được coi là nội dung cốt lõi, nền tảng cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay. Khi CMCN 4.0 bùng nổ và thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, có thể thấy rõ những thành tựu từ cuộc cách mạng này có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục lý luận chính trị cho thế hệ trẻ nói riêng. Trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ cũng cần có những tiếp cận phù hợp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay:
Thứ nhất, là phải tận dụng các ưu thế công nghệ: Sử dụng, phát huy vai trò của các công cụ hỗ trợ với công nghệ, phương tiện hiện đại trong công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Phát huy ưu thế của đài phát thanh, internet, mạng xã hội, trang website chính thức của các nhà trường, cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng… để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tính cách mạng, khoa học, tiến bộ và sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng trong học sinh, sinh viên; giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, nội dung, nguyên tắc, phương pháp xây dựng đạo đức cách mạng và tránh được sự giáo điều, máy móc, cảm tính, quy giản chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào một số nguyên lý, quy luật, phạm trù, nguyên tắc, phương pháp luận khô khan; học không đi đôi với hành, thậm chí nói không đi đôi với làm… Qua đó, phòng và chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học, sức sống của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Thứ hai, là đa dạng hóa các hình thức tuyên tuyền: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần được chú trọng phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng, sản phẩm tuyên truyền đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của thanh niên. Ngoài các phương thức truyền thống như: tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền miệng, diễn đàn, hội nghị học tập, tập huấn, hội thi, cuộc thi; qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, các kênh thông tin của Đoàn, hệ thống loa phát thanh địa phương; thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, giao ban,… cần hướng đến các hình thức số hóa như xây dựng ấn phẩm tuyên truyền hiện đại như: Clip ngắn, Infographic, Motiongraphic… và phát hành tài liệu tuyên tryền, tờ rơi, tờ bướm, pano, áp phích…
Thứ ba, là đổi mới công tác đào tạo, bỗi dưỡng cán bộ Đoàn: Rõ ràng trong bối cảnh CMCN 4.0 với sự thay đổi trong phương thức, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn cũng cần phải có cách làm mới trong bối cảnh mới để cung cấp cho cán bộ Đoàn những kiến thức, kỹ năng mới, cần thiết liên quan đến các lĩnh vực báo chí – truyền thông, phù hợp với đặc thù của CMCN 4.0 là để kết nối và chia sẻ dữ liệu. Trong công tác tuyên truyền cũng cần phải linh hoạt, liên tục, mở và mang tính khai phóng. Xu hướng đòi hỏi những người làm công tác đoàn cần thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng và đổi mới phương pháp tuyên truyền.
Có thể thấy ngày nay, thế hệ trẻ nắm bắt và sử dụng các hình thức công nghệ hình ảnh trực tuyến một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Các phương tiện như youtube, facebook, Zalo, Instagram… trở lên không thể thiếu được trong giới trẻ. Chính vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền truyền thông không thể xa rời hay loại bỏ các phương tiện được giới trẻ yêu chuộng này. Các cấp bộ đoàn cần hướng đến xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền, các sản phẩm truyền thông trên Internet, các ứng dụng mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh có nội dung tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng theo hướng trẻ trung, sinh động, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.
Doãn Thế Dương – Phó Bí thư Tỉnh đoàn