Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Những nỗ lực của một du học sinh Hưng Yên tại Nhật Bản

Những nỗ lực của một du học sinh Hưng Yên tại Nhật Bản

Vượt qua nhiều đối thủ, Vũ Thành Công ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2012, đã giành học bổng Đông Du (quỹ học bổng của Trường Nhật ngữ Đông Du - thành phố Hồ Chí Minh) để được sang Nhật Bản học tập. Sau 5 năm, với những gì trau dồi được, những công việc đang làm, những dự định trong tương lai cho thấy một chàng sinh viên đã trưởng thành khi tự vượt qua bao khó khăn để đi đến đích của mình.

Vũ
Vũ Thành Công
Tháng 8.2012, Vũ Thành Công một mình vào thành phố Hồ Chí Minh học tiếng Nhật tại Trường Nhật ngữ Đông Du trong thời gian 6 tháng để chuẩn bị đến đất nước Nhật Bản bắt đầu hành trình mới trong cuộc đời. Trong thời gian học ở Trường Nhật ngữ Đông Du, Công tiếp tục giành học bổng của Tòa soạn báo Asahi (tờ báo danh tiếng của Nhật Bản) để học tại một trường tiếng Nhật Bản ở Nhật Bản trong thời gian 2 năm. Trong 2 năm đó, em phải vừa đi học, vừa đi phát báo cho tòa soạn (một trong những điều kiện để giành học bổng của tờ báo Asahi). Một ngày của Công  bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng đi phát báo đến 6 giờ sáng; từ 9 giờ đến 12 giờ học ở trường; 14 giờ đến 17 giờ đi phát báo, do vậy em chỉ dành được 3-4 giờ đồng hồ để tự học. 
 
Trong ký ức của Công, 2 năm học tiếng tại Nhật Bản là những ngày tháng thật sự khó khăn, vất vả mà mình phải cố gắng rất nhiều, nhất là chỉ có một mình thì sự nỗ lực phải cao mới có thể vượt qua được. “Kỷ niệm nhớ nhất của em là rét, tuyết rơi và cả ngày đi phát báo để hoàn thành công việc của tòa soạn. Có hôm tuyết rơi đầy đường, không thể đi nổi xe máy, em chạy bộ mang từng quyển báo đến địa chỉ cần thiết để đến lúc hết báo cũng đã chập choạng tối”. Công nhớ lại. Nhưng thử thách đó có lẽ chưa thấm tháp với những kiến thức em cần đạt được để thi vào một trường đại học tại đất nước mặt trời mọc. Công cho biết, sau 2 năm học tiếng, nếu không thi được vào một trường đại học, cao đẳng nào đó thì lại phải tự túc ôn thi lại, bởi học bổng của tòa soạn chỉ có trong 2 năm học tiếng. Thêm nữa, kiến thức để thi vào các trường đại học, cao đẳng là kiến thức giáo dục phổ thông của Nhật bản, cộng với ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Nhật Bản. Nhờ 2 năm học tập chăm chỉ, được các anh chị người Việt giúp đỡ, hướng dẫn tài liệu ôn tập, cộng với vốn tiếng Nhật kha khá, Công đã tự đọc, hiểu kiến thức, đồng thời hệ thống lại để vững vàng cho một kỳ thi.
 
Tháng 4.2015, Công dự thi và trúng tuyển vào Trường đại học Shiga, một trường quốc lập lâu đời, giàu truyền thống của Nhật Bản, học tại khoa kinh tế, ngành quản trị kinh doanh. Để trở thành sinh viên Trường đại học Shiga, Công phải trải qua các bài thi Toán, bài thi tổng hợp kiến thức tự nhiên, xã hội, chính trị, bài thi Tiếng Anh và thi phỏng vấn như những thí sinh khác của Nhật. “Môn Toán còn có tính tương đồng, nhưng những môn còn lại thì hoàn toàn là kiến thức mới. Lúc này, vốn kiến thức môn Toán và Tiếng Anh khi còn học ở trung học phổ thông phát huy tác dụng” – Công chia sẻ.
 
Thi vào Trường đại học Shiga, Vũ Thành Công xuất sắc đạt số điểm cao, lại là du học sinh khó khăn nên được giảm 50% học phí...; cộng thêm thành tích học tập tốt, em được trường cấp học bổng. Tại đây, em kết bạn với nhiều người Nhật; tham gia các chương trình tình nguyện, giao lưu tại địa phương như dọn rác ở hồ, trồng lúa, trồng khoai; tham gia các câu lạc bộ ở trường... Môi trường học tập năng động, sinh viên cũng năng động, đòi hỏi Công phải hòa nhập để thích ứng. Ngoài thời gian học tập, Công dành thời gian để làm thêm lấy tiền trang trải cuộc sống và dành  dụm cho mình.
 
Kết thúc năm thứ 3 đại học, Công tự tin với kiến thức của mình. Tháng 10.2017, em thành lập công ty dạy tiếng Nhật giao tiếp (trụ sở tại Việt Nam), bằng hình thức trực tuyến 100% với sự tham gia của giáo viên là người Nhật Bản (đang sống ở Nhật Bản) mong giúp nhiều người Việt ở Nhật Bản giao tiếp tốt hơn bằng ngôn ngữ này. 
 
Hỏi về ước mơ sau tốt nghiệp đại học, em tâm sự: “Sinh ra, lớn lên ở nông thôn, bố mẹ làm nông nghiệp rất vất vả mà thu nhập chưa cao. Em muốn đầu tư vào lĩnh vực này và ngay tại quê hương mình để nhiều người có việc làm hơn, sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản xuất”.
 
Qua những lần đi phiên dịch, tham gia các buổi giao lưu với doanh nghiệp địa phương, Công đã làm quen và kết nối được với giám đốc, đại diện nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản. Ngoài ra, Công được được thầy giáo, anh chị đi trước, các bạn cùng khoá tin tưởng và giới thiệu tới các doanh nghiệp phù hợp. Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật Bản, cùng sự am hiểu về văn hoá của họ, Công dễ dàng đàm phán với các doanh nghiệp. “Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là ở việc triển khai thực hiện, vì người Nhật Bản rất cẩn thận, có thể nói chuyện và bàn bạc cả nửa năm nhưng sau cùng họ lại quyết định không đầu tư sau khi nghiên cứu thị trường, kèm theo phân tích tài chính, rủi ro... Chính vì thế, đối với nông nghiệp thì em muốn tự làm và tự mình điều hành để tỷ lệ thành công cao hơn. Đã có một doanh nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp có ý định hợp tác cùng em và em đang trực tiếp làm việc với doanh nghiệp này. Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai các khâu điều tra thị trường, điều tra chất lượng đất, khí hậu, bố trí máy móc sản xuất. Nếu thành công, em sẽ bắt đầu tại chính quê hương mình với loại cây chùm ngây vì các sản phẩm từ chùm ngây được người Nhật Bản rất ưa thích”, Công bật mí dự định tương lai của mình.
 
Nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua, thành công bước đầu của Vũ Thành Công không hề dễ dàng, không đến từ may mắn, mà đã đến từ sự nỗ lực thật sự, một quá trình khổ luyện và phấn đấu hết mình. Với sự nỗ lực, năng động, tinh thần học tập, làm việc đó, tin rằng chàng trai trẻ Hưng Yên sẽ tiếp tục thành công với những dự định trong tương lai.
  Theo Baohungyen.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN