Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Gương cán bộ Hội làm kinh tế giỏi

Gương cán bộ Hội làm kinh tế giỏi

Về thăm nhà anh Đào Văn Ngoạn – Phó Bí thư Chi đoàn, Chi hội trưởng Hội LHTN thôn Huệ Lai.

 Có lẽ không hẹn trước nên khi tôi đến anh khá bất ngờ, ban đầu anh nghĩ tôi là một người khách đến đặt hàng…qua một vài câu chuyện và sự giới thiệu của tôi nên anh biết tôi về tìm hiểu và viết bài về mô hình sản xuất, kinh doanh đồ trang sức của anh, anh khiêm tốn trao đổi: “Xưởng sản xuất của tôi quy mô còn nhỏ, thu nhập không đáng kể gì so với những xưởng lớn trong vùng này…


Sinh năm 1983, tốt nghiệp THPT năm 2001, sau khi biết kết quả mình không đỗ đại học, anh làm đơn xung phong lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Cuối năm 2004 anh xuất ngũ trở về địa phương với hai bàn tay trắng lập nghiệp. Lúc ấy điều kiện kinh tế của anh và gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình và bằng nghề truyền thống của gia đình, làng xã mình anh đã tập trung vào học nghề truyền thống là trạm bạc của gia đình và làng quê mình. Anh đã tự mình sáng tạo ra nhưng mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Những ngày đầu lập nghiệp anh suy nghĩ: “Trong quân ngũ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn vất vả mà mình vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ được làm việc tại gia đình, với những điều kiện thuận lợi hơn thì không có lý do gì mình không thành công!”, với ý nghĩ đơn giản và quyết tâm rực cháy của tuổi trẻ như vậy, qua 8 năm gây dựng và phát triển, đến nay cơ sở của anh đã khang trang hơn. Các sản phẩm anh sản xuất chủ yếu là đồ trang sức, vật dụng trang trí, để bàn bằng vàng, bạc, mã lão, ngọc, ngọc trai, pha lê…thường xuyên tạo việc làm cho 5 lao động chủ yếu là thanh niên trong thôn, thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ sản xuất, anh còn tự mình tìm hiểu thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành lân cận. Hiện tại hàng hóa của anh đã có mặt tại hơn 10 tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Năm 2011 là năm gặp khá nhiều khó khăn do kinh tế suy giảm, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng, giá nguyên liệu biến động thất thường nhưng với kinh nhiệm gần 10 năm gắn bó với nghề cộng với sự sáng tạo, nhạy bén anh đổi hướng đi mới cho sản phẩm của mình, sản xuất chế tác các con vật, linh vật, vật phẩm phong thủy nên hàng hóa của anh bán vẫn rất chạy. Như trước đây đồ vàng, bạc, ngọc, mã lão, ngọc trai của anh chủ yếu là các loại vòng, nhẫn, lắc…nhưng hiện nay ngoài việc duy trì những mẫu vòng, nhẫn đẹp anh còn đầu tư máy gọt, mài và tự mình sáng tạo ra những cách làm hiệu quả, biến những đồ trang sức đơn thuần thành những vật dụng tinh sảo, có nhiều giá trị và ý nghĩa về mặt phong thủy, tín tâm như: 12 con giáp, tỳ hưu, tượng phật, cóc, chữ thư pháp, các loại tranh nhỏ…Năm 2011 doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 250 triệu đồng. Dự định trong tương lai gần anh sẽ mở rộng sản xuất, mua thêm máy móc, đào sâu nghiên cứu phát triển mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mới, tập trung phân phối sản phẩm tại các thị trường có tiềm năng du lịch lớn; Thành lập công ty riêng để thuận lợi cho việc giao dịch hàng hóa, phát triển thương hiệu.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đào Văn Ngoạn còn là một người cán bộ Đoàn, Hội gương mẫu, năng động của thôn, tham gia tích cực các hoạt động của thôn, xã. Với uy tín và khả năng đoàn kết tập hợp thanh thiếu nhi rộng rãi, anh luôn chủ động, tích cực trong tham mưu, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT trong các dịp lễ, tết, hội hè cho thanh thiếu niên trong thôn. Tham gia ủng hộ kinh phí cho hoạt động Đoàn, Hội và công tác khuyến học của địa phương, góp phần xây dựng làng, xã văn hóa.

Một làng nghề có truyền thống lâu đời, rất cần những thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm như anh Đào Văn Ngoạn, người luôn tự tìm cho mình một hướng đi mới, vừa phát triển được nghề truyền thống vừa góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Đặng Thái Sơn

Phó trưởng Ban ĐKTHTN tỉnh Đoàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN