Tôi xin bắt đầu câu chuyện từ những Sáng tháng năm năm 1965.
Năm ấy, Bác Hồ ở tuổi 75.
Năm ấy, để kỷ niệm ngày sinh của mình, trong cái bình thường quen thuộc - giản dị và say mê công việc, Bác đã có một việc làm khác lạ: Bắt đầu viết tài liệu Tuyệt đối bí mật.
Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, công việc bắt đầu từ sáng thứ hai, mồng 10-5-1965. Hôm đó, trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Trong vườn Bác, chim nhảy chuyền cành, gọi nhau ríu rít.
Đúng 9 giờ sáng, Bác Hồ ngồi vào bàn, đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu Tuyệt đối bí mật. 10 giờ sáng, Bác viết xong phần mở đầu. Xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo, từ 11 đến 13-5, cũng vào thời khắc từ 9 giờ đến 10 giờ, Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14-5, do buổi sáng cần đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết tài liệu sang buổi chiều với thời gian gấp đôi - từ 14 đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong tài liệu Tuyệt đối bí mật và cho vào phong bì. 21 giờ tối hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho thư ký và dặn:
- Chú cất giữ cẩn thận, sang năm, 10-5 nhớ đưa lại cho Bác.
Đúng như lời Bác dặn, ngày 10-5-1966, thư ký đặt phong bì tài liệu lên bàn làm việc của Bác. Vậy đấy. Liền trong bốn năm 1966, 1967, 1968 và 1969, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác lại đọc tài liệu Tuyệt đối bí mật, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời, qua đó, thêm bớt, sửa chữa hoặc viết lại những câu, những phần cần thiết. Ngày 19-5-1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc đã được công bố sau ngày Bác qua đời - ngày 2-9-1969.
Di chúc cùng toàn bộ Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản vô giá Bác để lại cho Đảng và nhân dân ta, cho muôn đời con cháu mai sau.
Điều tôi muốn nêu lên trong bài báo này không phải là toàn bộ nội dung Di chúc mà là lời dặn lại đầu tiên của Bác: "Trước hết nói về Đảng", Bác viết:
"Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Lời dặn lại chỉ vẻn vẹn 200 từ mà Bác đã nói lên được những điều chính yếu nhất của nhiệm vụ xây dựng Đảng. Xây dựng, củng cố Đảng là điều Bác Hồ luôn trăn trở, tập trung biết bao công sức suốt mấy chục năm ròng. Bác cho đó là điều quan trọng hàng đầu để cách mạng thắng lợi, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.
Ngay từ năm 1925, trong những bài giảng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng, Bác đã khẳng định: Cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.
Năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: "Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa.
... Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công".
Năm 1960, tại diễn đàn Đại hội III của Đảng, Bác kêu gọi:
"Để bảo đảm thắng lợi của cách mạng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của toàn Đảng ta...".
Và tháng 5-1968, trong lần bổ sung tài liệu Tuyệt đối bí mật, về những nhiệm vụ sau khi thắng giặc Mỹ, Bác viết: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".
Bốn mươi lăm năm đã qua, lời dặn "Trước hết nói về Đảng" của Bác vẫn còn mới tinh nguyên.
Đối chiếu lời dặn ấy với những việc chúng ta đang làm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và việc "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mấy năm gần đây, chắc chắn chúng ta chưa thể hài lòng về những gì đã làm được. Mặc dù đã đạt được một sự chuyển biến tích cực và những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, chúng ta không thể không thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của ta vẫn còn nhiều mặt bất cập. Để đạt mục tiêu xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, có những cố gắng lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa và những giải pháp hiệu quả hơn nữa.
Điều thứ hai tôi muốn nói đến là lời dặn lại của Bác về nhân dân.
Bác viết:
"Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Sẽ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của lời dặn lại này nếu không thấu đáo ngọn nguồn quan điểm của Bác về nhân dân và về mối quan hệ giữa Đảng với Dân và Dân với Đảng.
Năm 1945, ngay sau khi nước nhà được độc lập, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945, Bác đã viết một câu bất hủ:
"Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Đầu năm 1946, trong một buổi gặp mặt với các nhà báo nước ngoài, Bác tuyên bố:
"tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...".
Tháng 10 năm 1949, trong bài báo Dân Vận, Bác viết:
"NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".
Dân là trên hết. Lợi ích của nhân dân là trước hết. Đó là quan điểm của Bác về nhân dân.
Vẫn theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, có lần nhân nói về quan điểm "lấy dân làm gốc" của Khổng Tử đã được Mạnh Tử phát triển thêm một bước trong câu "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Bác nói câu đó đã được Bác dịch sang tiếng Pháp năm 1921, đăng trên Tạp chí Cộng sản như sau: "Lợi ích của nhân dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể". Bác đọc toàn văn câu tiếng Pháp và hỏi vui đồng chí Vũ Kỳ: "Chú xem Bác dịch như vậy có được không?".
Thư ký của Bác vô cùng cảm phục: "Dân vi quý", "lợi ích của nhân dân là trước hết", đây đâu phải là Bác dịch, đâu phải chỉ là chữ nghĩa. Đó là tấm lòng, là trái tim, là mục đích phấn đấu suốt cuộc đời của Bác. Chẳng thế mà trong Di chúc, Bác đã dặn lại lời tâm huyết:
"Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".