Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau - tư tưởng mang tầm chiến lược trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau - tư tưởng mang tầm chiến lược trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

boi duong the he cach mang
Tư tưởng chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau góp phần vạch ra phương hướng phát triển 
của giáo dục - đào tạo, về cán bộ và công tác cán bộ hiện nay và tương lai - Nguồn: tuoitre.vn

Trong di sản vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản được công nhận là Bảo vật quốc gia, đó là: Đường Kách Mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Di chúc. Trong đó, bản “Di chúc” đề cập đến nhiều nội dung cần căn dặn trước lúc Người đi xa. Một trong những tư tưởng lớn, đặc biệt quan trọng là vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, được Bác đề cập ngay sau khi nói về Đảng.

Vai trò của thanh niên và giáo dục đạo đức cho thanh niên

Dân tộc ta có truyền thống coi trọng vai trò của tuổi trẻ trong dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng của cha ông, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển thành những tư tưởng mới sâu sắc, toàn diện về thanh niên. Trong tư tưởng và hành động thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người nhận trọng trách trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Chính Người cũng là tấm gương ra đi tìm đường cứu nước khi còn ở độ tuổi thanh niên.

Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam và càng nhận thấy tính cấp thiết của việc khơi dậy phong trào cách mạng trong thanh niên Việt Nam, thấy được sự sống còn của quốc gia dân tộc là do thanh niên quyết định. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn thức tỉnh dân tộc, giải phóng dân tộc phải bắt đầu từ thanh niên. Tháng 11-1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã tiếp xúc ngay với những thanh niên Việt Nam yêu nước, xúc tiến mở các lớp huấn luyện, gieo hạt mầm cách mạng trong thanh niên. Bắt đầu từ thanh niên là nét độc đáo sáng tạo và nhạy bén trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thanh niên, luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Vì vậy, Người dành nhiều thời gian và công sức để chăm lo bồi dưỡng các lớp thanh niên kế tục sự nghiệp cách mạng.

Giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trước hết là xây dựng lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ. Trong bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”2. Người cụ thể hóa những chuẩn mực của đạo đức cách mạng và vận động: “Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:

- Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.

- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.

- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”3.

Qua đó, chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn thế hệ trẻ yêu Tổ quốc, kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với lý tưởng của Đảng, về đạo đức phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đảng, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Trong vận động thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phương châm kết hợp rèn luyện “đức” và “tài”, phấn đấu vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đạo đức cách mạng tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên, là cơ sở để vận động, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân. Đạo đức cách mạng là nền tảng để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ, vượt khó để hướng tới việc thực hiện các mục tiêu vì nước, vì dân. Bên cạnh nhấn mạnh phải chú trọng cả hai mặt đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đạo đức là gốc của người cách mạng. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng rất quan trọng, phải thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”4.

Mối quan hệ giữa việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và xây dựng đảng cầm quyền

Khởi đầu sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn thanh niên là lực lượng chính để bồi dưỡng, rèn luyện thành những chiến sĩ cộng sản, làm cơ sở để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên rộng khắp. Do vậy, có thể nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vun trồng, chăm sóc tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản để tạo nguồn bổ sung lực lượng cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Mối quan hệ giữa Đoàn Thanh niên và Đảng Cộng sản là mối quan hệ khăng khít, biện chứng: Đảng chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và rèn luyện Đoàn Thanh niên là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đoàn thanh niên là cánh tay và đội hậu bị của Đảng. Đây là tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng dài lâu của dân tộc ta. Là nhà chiến lược thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có tầm nhìn xuyên suốt lịch sử từ quá khứ tới tương lai, cách mạng phải có người kế thừa. Thanh niên là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Vì vậy, đào tạo thế hệ trẻ kế thừa sự nghiệp cách mạng là mối quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước lúc đi xa, trong “Di chúc” để lại, ngay sau công tác Đảng, thế hệ trẻ là đối tượng quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Chính vì gửi gắm lòng tin vào thế hệ trẻ, vào thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn đoàn viên, thanh niên ra sức phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước. Không chỉ đối với đảng viên, nhìn rộng hơn, xa hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến đoàn viên, thanh niên, đây là trách nhiệm của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”5. Chữ “rất” ở đây được nhắc lại 2 lần trong một câu văn ngắn gọn, thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác này, nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công tác bồi dưỡng cho thanh niên.

Chỉ 1 năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 26-3-1931, Đoàn Thanh niên Cộng sản được thành lập. Từ đó đến nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung luôn khẳng định vai trò của mình trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Đảng đã nhiều lần ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác thanh niên. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, trong đó Đảng chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên”6. Điều đó thể hiện, Đảng nhận thức đúng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thế hệ trẻ. Do đó, Đảng kết luận rõ ràng: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố thành bại của cách mạng”7. Đây là bài học có giá trị về đường lối vận động nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng đầy sáng tạo của Đảng nhằm bồi dưỡng giáo dục và tổ chức thanh niên thành lực lượng kế cận tiếp sức cho các thế hệ cách mạng đi trước. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là nghị quyết quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với thế hệ trẻ và đối với công tác thanh niên, vị trí và vai trò của thanh niên. Nghị quyết xác định: Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Tiếp đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW, ngày 25-12-2013, về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Sự ra đời của Kết luận số 80 tiếp tục củng cố, tăng cường sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thanh niên nói chung, công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nói riêng.

Với những nghị quyết quan trọng đó, Đảng từng bước hoàn thiện đường lối, chủ trương công tác vận động thanh niên trong thời kỳ cách mạng mới. Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng cũng đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đó cũng là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau của Đảng.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành cần phải nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết, nhằm tạo nên những thế hệ kế tiếp, tránh tình trạng hẫng hụt thế hệ, hẫng hụt cán bộ trên tất cả các lĩnh vực, các ngành... Vì vậy, giáo dục đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn cho thế hệ trẻ là việc làm cấp bách, hết sức quan trọng của Đảng hiện nay. Có như vậy mới thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần dùng từ “thật sự” để nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng. Điều đó thể hiện, việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau được đề cập đến sau khi nói về Đảng, nhưng là điều kiện tiên quyết để thực hiện các nội dung về Đảng, đặc biệt là về cán bộ, đảng viên. Phải vun trồng được những thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng thật trung thành, có đức, có tài để cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó, thể hiện cách nhìn nhận khoa học và biện chứng về mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Tư tưởng chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau góp phần vạch ra phương hướng phát triển của giáo dục - đào tạo, về cán bộ và công tác cán bộ hiện nay và tương lai. Vì vậy, 50 năm trôi qua, tư tưởng của Người về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn./.

Nguyễn Ngọc Hà(*), Nguyễn Thị Mai(**)

(*) PGS. TS, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (**) TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Đức Lâm (st)

---------------

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 144
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 90
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 13, tr. 471
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr. 612
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 622
6. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 52, tr. 538 - 539
7. Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 52, tr. 539
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 15, tr. 622