uôi dòng sông Luộc hiền hòa, tôi và Mạnh, người bạn thời phổ thông, công tác tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh và nguyên là Bí thư Chi đoàn nhà trường, đến xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên vào một buổi chiều cuối tuần giữa tháng 3 – tháng cao điểm của tuổi trẻ cả nước nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019). Với tôi, đây là lần thứ hai đặt chân đến với mảnh đất của vị Trạng nguyên Tống Trân, mà ngày nay nơi đặt thờ tự của ông được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong những ngày này, đoàn viên, thanh niên của xã Tống Trân đang sục sôi chuỗi các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Đi trên con đường bê tông thẳng tắp, nối dài hai bên đường là hàng cây xanh mướt đang vươn mình đón nắng, những ngôi nhà cao tầng khang trang mới xây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, như là minh chứng sống động cho sức sống mới, vươn lên mạnh mẽ của miền quê nghèo đang từng ngày “thay da đổi thịt” hòa nhịp với sự đổi mới của đất nước. Sự chuyển mình của mảnh đất vốn thuần nông này có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng cán bộ, đoàn viên, thanh niên của địa phương – thế hệ xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương như lời tin tưởng, kỳ vọng trước lúc đi xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đón chúng tôi ở cổng Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tống Trân có đồng chí Trần Đăng Đạt, Phó Bí thư Huyện đoàn Phù Cừ và đồng chí Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Đoàn xã. Trên đường đi, đồng chí Đạt nhanh chóng giới thiệu đôi nét về địa phương mình cho tôi và anh Mạnh biết. Đồng chí Đạt cho biết: Phù Cừ là huyện thuần nông, trước đây thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Để tìm thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống của bản thân và gia đình, nhiều bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên địa phương, nhất là ở một số xã nghèo, như xã Tống Trân đã “khăn gói” rời quê hương tìm kiếm công việc trong nhà máy, công xưởng, dịch vụ ở khu vực có thu nhập cao hơn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số thanh niên địa phương quyết tâm gắn bó với quê hương để lập thân, lập nghiệp. Vấn đề này đã đặt ra với các cơ quan chức năng, nhất là các cấp bộ Đoàn cần có những giải pháp để họ không rời xa Đoàn, nhất là giúp đoàn viên, thanh niên có việc làm, ổn định cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Tiếp lời đồng chí Đạt, anh Hiệu chia sẻ thêm, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và cũng rất phù hợp với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Tống Trân đã đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là làm sao giữ chân người tài tự thân làm giàu và phát huy sức trẻ đóng góp xây dựng quê hương. Đoàn xã thường xuyên, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dịch sang nuôi trồng những loại cây trái, con giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên của xã Tống Trân đã biết phát huy truyền thống của quê hương lưỡng quốc trạng nguyên, tích lũy kiến thức, thăm dò thị trường, mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, từ nghèo khó vươn lên làm giàu.
QUYẾT TÂM LẬP NGHIỆP TRÊN CHÍNH MẢNH ĐẤT QUÊ HƯƠNG
Chúng tôi đến thăm là mô hình kinh tế tiêu biểu của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Trước, 30 tuổi, thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Trước tích cực tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại Chi đoàn 2 nên có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của thị trường và chủ trương của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, năm 2012, anh Trước mạnh dạn nuôi thử nghiệm giống thỏ với quy mô chỉ dưới 10 con. Thời gian đầu, bản thân anh gặp không ít khó khăn vì kinh nghiệm chăn nuôi hạn chế, trong khi nguồn vốn đầu tư ít ỏi, chủ yếu từ vay mượn và thị trường tiêu thụ không ổn định.
Đồng chí Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Hiệu đang thăm quan mô hình nhà đoàn viên Nguyễn Ngọc Trước
Khó khăn, vất vả ban đầu không làm cho nghị lực, khát vọng làm giàu của bản thân nản chí mà càng khiến anh Trước ngày đêm trăn trở tìm ra phương pháp nuôi thỏ đạt hiệu quả cao nhất. Tâm sự với chúng tôi, anh nói: Để giải quyết về kỹ thuật chăm sóc thỏ, ngoài việc tự tìm đọc các đầu sách hướng dẫn nuôi thỏ, tôi liên hệ với các trang trại nuôi thỏ thành công ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, rồi đến học hỏi những kiến thức cần thiết và nhanh chóng nắm bắt, thực hành thành thạo quy trình chăn nuôi. Cùng với đó, được sự bảo lãnh của Đoàn xã, tôi mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng lồng, chuồng nuôi thỏ, trang bị đầy đủ hệ thống nước uống tự động, đệm lót sinh học và tích cực liên hệ phát triển thị trường thiêu thụ.
Nhờ sự chịu khó, cần cù, quyết đoán, vừa làm vừa học hỏi, sai đâu làm lại đó, vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, đến nay quy mô trang trại của anh đã mở rộng lên đến 3.600m2 với tổng số hơn 2.000 con thỏ các loại. Trung bình mỗi tháng, trang trại phát triển được 400 - 500 con thỏ con; xuất thỏ thương phẩm khoảng 3 - 4 tạ. Anh đã ký kết hợp đồng dài hạn, cung cấp thỏ thương phẩm cho một số khách sạn, cơ sở kinh doanh, cơ sở thịt thương phẩm, trong đó có nhiều hợp đồng đạt giá trị từ 80 - 150 triệu đồng. Trừ chi phí, mô hình cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là đoàn viên, thanh niên địa phương với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
“Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm sẽ thành công”, đó là chia sẻ của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Trước. Từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi thỏ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đã đến học hỏi để cụ thể hóa khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất mình gắn bó. Đoàn viên, thanh niên nào đến thăm quan, học hỏi cũng đều nhận được sự giúp đỡ tận tình, hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, phương thức nhân giống, kỹ thuật chuồng trại, vốn ban đầu lập nghiệp... Đối với những người mới chăn nuôi, anh luôn tích cực hỗ trợ về vốn, con giống, và bao tiêu đầu ra đối với thỏ thương phẩm, nhằm tạo đầu mối thu mua ổn định, đảm bảo. Hơn 10 hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương đã thoát nghèo, làm giầu từ chăn nuôi thỏ nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của anh. Với thành tích đó, mô hình của Trước là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của huyện Phù Cừ, được Hiệp hội thỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển chăn nuôi con thỏ tại Việt Nam.
NGƯỜI THỦ LĨNH ĐOÀN GƯƠNG MẪU ĐI ĐẦU TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Tạm biệt Bí thư Đoàn xã và gia đình anh Trước, rời quê hương Tống Trân vào cuối giờ chiều cùng ngày, chúng tôi lại ngược đường huyện đến xã Minh Hoàng, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, để trực tiếp chứng kiến một câu chuyện làm giàu nữa cũng từ chăn nuôi thỏ là bài học hữu ích đánh thức thanh niên vùng chiêm trũng Phù Cừ. Trời chiều bắt đầu nhá nhem, tôi rảo mắt ngắm nhìn khung cảnh đồng lúa phủ một màu xanh ngút tầm mắt đang đang thì con gái (thành quả của dồn thửa, đổi ruộng) hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Đập vào mắt tôi khi bước chân qua cánh cổng làng là những ngôi nhà ống cao tầng xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi và men theo con đường làng đó chẳng mấy chốc đã đến nhà anh Bùi Văn Thương (sinh năm 1990), xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Thanh niên Bùi Văn Thương (xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đang kiểm tra sức khỏe cho đàn thỏ của mình
Chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu của anh Thương và vài người bạn cùng thôn Ngọc Trúc cũng vừa mới hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày mai đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã.
Đi thăm quan mô hình chăn nuôi thỏ của anh Thương, anh chia sẻ: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Điện Lực, tôi vào làm việc tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Công việc ổn định, thu nhập khá nhưng tôi không bằng lòng với những gì đã có và không muốn rời xa quê hương để lập nghiệp như phần đông thanh niên địa phương hiện nay. Đầu năm 2017, dù chưa nhận được sự ủng hộ của gia đình nhưng tôi vẫn quyết tâm trở về quê hương. Trên chính mảnh đất này, tôi luôn tích cực tham gia công tác Đoàn thể tại địa phương, nhận được sự tín nhiệm tôi giữ chức Bí thư Chi đoàn của xã. Lúc này, công tác Đoàn được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã giao trọng trách là tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh niên thi đua, cống hiến sức trẻ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng hành cùng nhân dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Đây là một bài toán khó, đã đặt ra từ lâu cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên, khiến tôi và nhiều anh em trong Ban Chấp hành Chi đoàn mất ăn, mất ngủ, trăn trở trong nhiều tháng.
Tôi nhận thấy nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương hiện đang sinh sống và làm việc trên mảnh đất “chôn rau cắt rốn” không còn nhiều, đa phần họ đã bỏ ruộng vườn, lên thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm, chỉ có số ít người già và trẻ nhỏ ở lại. Từ đó, thiết nghĩ, để hoàn thành nhiệm vụ này, người thủ lĩnh đoàn cần gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, lấy đó làm tấm gương cho các đoàn viên, thanh niên và nhân dân học tập, noi theo, góp phần hạn chế đoàn viên, thanh niên ly nông và ly hương. Nghĩ là làm, dù khá bận rộn với công tác Đoàn nhưng anh Thương luôn chủ động sắp xếp để tranh thủ học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm xây dựng một mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Cuối năm 2017, nhân chuyến đi thăm quan thực tế một số mô hình chăn nuôi thành công, trong đó có mô hình nuôi thỏ, thấy phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của quê hương với nguồn thức ăn sẵn có, dồi dào, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, vốn đầu tư ban đầu thấp, có khả năng thành công cao, anh Thương đã quyết định tìm mua loại giống thỏ lai New Zealand về nuôi, khởi nghiệp với số lượng ban đầu là 12 con. Bước đầu thử nghiệm gặp nhiều khó khăn, trắc trở anh Thương nhưng với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm làm giàu của tuổi trẻ thanh niên anh Thương từng bước biến khó khăn, thách thức đó thành động lực làm sức bật vươn lên. Do thiếu kiến thức kỹ thuật chăn nuôi, anh Thương chịu khó tìm tòi, tiếp cận, nghiên cứu sách, báo mạng Internet về kỹ thuật nuôi thỏ đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, anh Thương đi thăm quan, hỏi hỏi các mô hình chăn nuôi thỏ thực tế đã thành công ở nhiều nơi rút ra bài học kinh nghiệm cho mình. Anh cũng tích cực thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tọa đàm do tổ chức đoàn thể địa phương và huyện tổ chức, trao đổi với các chuyên gia chăn nuôi…
Đến nay, sau hơn 1 năm, trang trại của anh Thương đã có gần 400 con thỏ (thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm). Với giá bán 75 – 85 nghìn đồng/kg thỏ thương phẩm, bước đầu mô hình của anh cho thu nhập khoảng 100 - 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí cho lãi khoảng 70 – 90 triệu đồng. Ngoài ra, anh Thương tận dụng phân thải ra của thỏ để nuôi giun và tạo nguồn phân hữu cơ, bán cho các cơ sở nuôi chim, gà cảnh và nhà vườn trồng hoa, đem lại nguồn thu nhập khác ngoài bán thỏ thương phẩm. Từ mô hình làm giàu của anh Thương mà thanh niên trong xã và các vùng lân cận biết đến, có thêm niềm tin để làm giàu trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều đoàn viên, thanh niên và những người có nhu cầu đã đến thăm quan, học hỏi và áp dụng thành công vào thực tế. Trên cơ sở những kết quả phấn đấu rèn luyện đó cùng với tinh thần tiên phong xung kích, sáng tạo, không ngại khó khăn, anh Bùi Văn Thương xứng đáng là một Bí thư Chi đoàn nông thôn tiêu biểu, mà trước hết là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên nông thôn học tập và noi theo.
Chia tay ông chủ mô hình trẻ tuổi và những người bạn của anh Thương, tôi và đồng chí Đạt trở lại thành phố Hưng Yên, còn Mạnh đã rẽ ngang về nhà thăm ông bà nội khi đến thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ. Trời mưa nặng hạt hơn nhưng tôi và Phó Bí thư Huyện đoàn vẫn rôm rả về câu chuyện làm giàu từ “con thỏ trắng” suốt quãng đường về. Bài học về làm giàu thì có ở rất nhiều địa phương, nhưng trên chính mảnh đất quê hương Hưng Yên hôm nay - đó vẫn là tấm gương sống động cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Anh Đạt, Phó Bí thư Huyện Đoàn thẳng thắn cho rằng: Bất cứ một người nào sinh ra, lớn lên cũng đều muốn gắn bó với quê hương của mình, muốn có điều kiện làm việc tốt, sinh hoạt tốt ngay tại quê nhà. Song để giữ chân được đoàn viên, thanh niên sinh sống và lập nghiệp tại địa phương, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn xã hội, cũng rất cần sự cố gắng, nỗ lực của các cấp bộ Đoàn, từng cán bộ, đoàn viên; nhất là người thủ lĩnh Đoàn trên con đường đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên đồng đất ông cha. Sự đồng hành ấy không phải là khẩu hiệu tuyên truyền, lời diễn thuyết suông, câu hô hào sáo rỗng mà điều cần thiết phải là hành động, việc làm cụ thể, thiết thực như: tổ chức Đoàn cần chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của đoàn viên, thanh niên để có hướng giải quyết, giúp đỡ kịp thời; phối hợp xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, làm cơ sở để đoàn viên học tập và nhân rộng; hỗ trợ thanh niên vay vốn; là cầu lối đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Làm được điều đó, những đoàn viên, thanh niên nông thôn sẽ muốn gắn bó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đó là một trong những yếu tố để địa phương sớm hoàn thành và nâng cao hơn nữa các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế là, từ việc biết tận dụng lợi thế, biết phát huy vài trò xung kích của đoàn viên, thanh niên, những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Cừ đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018, đã có 10/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 18,4 tiêu chí/xã; thu nhập đầu người đạt 47,4 triệu đồng…
Hai câu chuyện với hai mô hình phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương cùng hướng đi lên và hơn 500 mô hình khác nữa đang sinh sôi, phát triển trên mảnh đất vốn đã hằn sâu trong ký ức bao thế hệ nơi đây chỉ biết tới cây lúa, củ khoai, con gà chứ không quen trồng cây mới, nuôi con lạ là minh chứng rõ nét nhất cho sự đổi thay tiến bộ từ tư duy đến hành động trong phát triển kinh tế của lớp đoàn viên, thanh niên huyện Phù Cừ hôm nay. Thành quả này có được cũng chính là sự thấu triệt quan điểm thanh niên là rường cột nước nhà, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chỉ nghĩa xã hội. Đồng thời, cũng là sự nhất quán và triển khai việc bám sát địa bàn, nắm chắc đối tượng từ thực tiễn làm công tác Đoàn, để có sự nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp bộ Đoàn huyện Phù Cừ./.
Hữu Chất -Văn Mạnh
(Theo Tuyengiao.vn)