Ngày 01/8
“Đào tạo con người là vấn đề chiến lược”.
Ngày 01-8-1922, báo Le Paria (Người Cùng Khổ) đăng ba bài báo của Nguyễn Ái Quốc tố cáo cuộc sống xa hoa và tính cách khác thường của Vua Khải Định (bài “Sở thích đặc biệt”); thông qua cái chết của một nhân viên Sở Hỏa xa Nam Kỳ để lên án “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người!”1 (bài “Khai hóa giết người”); thuật lại vụ án binh lính Pháp hãm hiếp một bé gái và hai phụ nữ Việt Nam rồi giết hại, bài báo kết luận: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa...”2 (bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp”).
Ngày 01-8-1941, Nguyễn Ái Quốc ra số báo Việt Nam Độc lập đầu tiên nhằm tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh đăng lời kêu gọi “Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam Độc lập” bằng bài văn vần:
“… Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất,
Làm cho ta mở mắt mở tai.
Cho ta biết đó biết đây,
Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:
Cho ta biết kết đoàn tổ chức.
Cho ta hay sức lực của ta
Cho ta biết chuyện gần xa.
Cho ta biết nước non ta là gì...”3.
Ngày 01-8-1942, cũng trên báo này, đăng bài thơ “Nhóm Lửa” của Nguyễn Ái Quốc ví sự nghiệp cách mạng như việc nhóm lửa để có ngày:
“Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,
Chiếu lá cờ độc lập, tự do!”4.
Ngày 01-8-1945, tại chiến khu Tân Trào, Đại đội Việt - Mỹ, đơn vị vũ trang hỗn hợp giữa 200 chiến sĩ Việt Minh và đơn vị “Con Nai” của tổ chức OSS được thành lập bước vào đợt huấn luyện sử dụng các loại vũ khí mới, để tổ chức chống phát xít Nhật.
Ngày 01-8-1949, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” khẳng định: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. Khẩu hiệu Thi đua ái quốc, hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta...”5.
Ngày 01-8-1951, Bác viết lời điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu với tình cảm “thân thiết hơn anh em ruột”: “Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!... Tôi lại hứa với chú: Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đó tận trung với nước, tận hiếu với dân”6.
Ngày 01-8-1959, kết thúc chuyến thăm Liên Xô, khi máy bay bay ngang ngọn Thiên Sơn (Trung Quốc), Bác cảm tác một bài thơ chữ Hán và tự dịch:
“Xa trông cảnh đẹp núi Thiên San
Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn
Sáng dậy mặt trời như lửa tía
Muôn hào quang đỏ chiếu nhân gian”7.
Ngày 01-8-1969, tiếp Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp bàn về việc xuất bản sách “Người tốt việc tốt”, Bác căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược, phong trào “Người tốt việc tốt” chính là một biện pháp quan trọng của chiến lược đào tạo con người đó”8.
Ngày 02-8
“Chúng nhất định thất bại/ Mình sức càng dồi dào”.
Ngày 02-8-1919, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng bài “Vấn đề dân bản xứ” nhắc lại những nội dung cơ bản của “8 yêu sách của nhân dân An Nam” đã gửi tới Hòa hội Vécxây (Versaille) (6-1919) để nhấn mạnh rằng: “Rất ôn hòa cả về nội dung lẫn về hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”9.
Đầu tháng 8-1942, lãnh tụ Việt Minh Nguyễn Ái Quốc sáng tác “Bài ca du kích” để vận động các tầng lớp tham gia vũ trang đánh Tây, đuổi Nhật, trong đó có đoạn: “… Kẻ có súng dùng súng/ Kẻ có dao dùng dao/ Kẻ có cuốc dùng cuốc/ Người có cào dùng cào/ Thấy Tây cứ chém phứa/ Thấy Nhật cứ chặt nhào... Chúng nhất định thất bại/ Mình sức càng dồi dào”10.
Tháng 8-1943, Bác tiếp tục bị Trung Hoa Quốc dân đảng giam cầm tại Cục Chính trị Đệ Tư chiến khu đã sáng tác nhiều bài thơ chữ Hán như “Thu Cảm, I-II”, “Nhân đỗ ngó” (nhân lúc đói bụng), “Trần khoa viên lai thám” (Khoa viên họ Trần tới thăm), “Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư” (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách), “Mông thượng lệnh chuẩn xuất lung hoạt động” (được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam). Những bài thơ này góp vào tập “Ngục trung nhật ký” sau này được tập hợp lại.
Ngày 02-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm nước Pháp tiếp nhiều nhà báo Pháp và Trung Quốc, cựu Thủ tướng Hêriốt (Herriot), thống chế Lơcléc (Leclerc), một số nghị sĩ và lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp.
Ngày 2-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự cuộc họp Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 7 do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì bắt đầu từ hôm trước đang sôi nổi thảo luận về vấn đề Đảng ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời cũng chuẩn bị nội dung cương lĩnh Đại hội II sẽ triệu tập trong thời gian tới. “Nhật ký Bộ trưởng” của Lê Văn Hiến thuật lại: Buổi tối họp tại Hội trường, Hồ Chủ tịch chủ tọa. Cụ lần lượt trả lời tất cả các thắc mắc của anh em và cuối cùng tuyên bố hội nghị có nhiệm vụ phải nghiên cứu phương pháp thi hành cho được việc đảng ra công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam. Toàn thể hội nghị yên lặng tuân theo. Tên đảng tuy là Đảng Lao động Việt Nam, những nội dung không khác trước bao nhiêu... Vấn đề đặt ra là cần có chiến thuật mềm dẻo, linh động để thống nhất giai cấp công nhân, lôi kéo các tầng lớp dân tộc dân chủ, cô lập các tầng lớp phát xít, tiến tới lập một mặt trận dân tộc, dân chủ... Sự đổi tên của Đảng chẳng những chỉ có lợi cho cuộc chiến đấu trong một nước mà cũng cùng theo chiến lược chung của mặt trận dân chủ thế giới.
Ngày 02-8-1969, Bác họp Bộ Chính trị để nghe báo cáo về quy hoạch xây dựng Thủ đô và nhắc nhở đã quy hoạch thì phải làm đúng theo quy hoạch. Tiếp đó, cuộc họp bàn về vấn đề đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam.
Ngày 03-8
“Cán bộ phải đi sát dân, bám dân”.
Ngày 03-8-1919, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Giăng Agianbéc (Jean Ajalbert), một nhà văn Pháp đã từng đến và có cảm tình với nước ta, nhiều tài liệu như “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam”, bài báo L’Humanité viết về các yêu sách đó, một số bản tin trong đó có tin cụ Phan Châu Trinh đã từ trần.
Ngày 03-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh vận động hành lang chính giới và báo chí Pháp, gặp gỡ nhiều nhà báo trong đó có tờ báo L’Ordre (Trật Tự) vốn hay công kích Việt Nam. “Nhật ký hành trình” chép: “Nhưng khi ông Buré (của tờ L’Ordre - BT) gặp Cụ Chủ tịch thì thái độ ông rất nhã nhặn. Hồ Chủ tịch đem tình hình nước ta và nguyện vọng dân ta nói chuyện rõ ràng, thì nhà viết báo lão thành kia tỏ ý cảm động. Sau đó, ông Buré phái một người đến yết kiến Hồ Chủ tịch, rồi đăng một bài báo đứng đắn và có lợi cho ta”11.
Ngày 03-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi các chiến sĩ và nhân dân Nam Dương (Inđônêxia)” bày tỏ sự đồng tình “tin chắc rằng cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Dương sẽ thắng lợi, cũng như tin chắc rằng cuộc kháng chiến, cứu quốc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công”12.
Tháng 8-1949, Bác gửi thư tới Hội nghị Canh nông Việt Bắc đóng góp một số ý kiến: “Việc đặt kế hoạch phải sát với tình hình của địa phương và của dân. Thành tích sản xuất phải được tổng kết. Cán bộ phải đi sát dân, bám dân và đề xuất được nhiều phương pháp và biện pháp thi đua với tinh thần chiến sĩ xung phong trong mọi việc”13.
Cũng trong khoảng thời gian này (8-1949), Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị Tình báo. Thư có đoạn viết: “1. Tình báo là tai mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch. 2. Người xưa nói: “Biết địch, biết ta, thì trăm trận ta thắng cả trăm”. Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. 3. Bên ta phải biết rõ bên địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có bốn đức tính: bí mật - cẩn thận - khôn khéo - kiên nhẫn”14.
Ngày 03-8-1953, báo “Cứu Quốc” đăng bài viết của Bác “Tiêu chuẩn đảng viên Đảng Lao động Việt Nam” (ký bút danh Đ.X) gồm: “Không bóc lột người…; suốt đời kiên quyết đấu tranh cho nhân dân, cho chủ nghĩa; luôn luôn rèn luyện tư tưởng của giai cấp công nhân...; đặt lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của nhân dân, lên trên hết, trước hết; phải tuyệt đối chấp hành những nghị quyết của Đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ; Phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng…; phải thường xuyên thật thà tự phê bình…”15.
Ngày 03-8-1966, Bác Hồ gửi “Thư khen Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội” nêu rõ: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng... Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”16.
Ngày 04-8
“Quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”.
Ngày 04-8-1923, trên tờ báo Le Paria (Người Cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào”, sau khi thuật lại đám tang của một phái viên Xôviết bị bọn phát xít ám hại tại Luxlannơ (Thụy Sĩ) và đám tang của một công nhân người Tuynidi bị cảnh sát Pháp giết tại Pari, bài báo đưa ra nhận xét: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân, người ở Lôdannơ cũng như ở Pari, những người Havơ cũng như những người ở Mốctiních, đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: Chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở.
Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”17.
Khoảng đầu tháng 8-1928, Nguyễn Ái Quốc có mặt tại vùng Uđon ở Đông Bắc Thái Lan (Xiêm), đến Noong Bùa là nơi tập trung đông đảo bà con Việt kiều sinh sống. Tại đây, với cái tên là Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia hoạt động của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thúc đẩy tổ chức này mở rộng lực lượng.
Ngày 04-8-1946, tiếp tục tăng cường các cuộc tiếp xúc với chính khách Pháp để vận động cho cuộc Hội nghị ở Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Moúclie sắp sang Việt Nam thay tướng Valuy chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Cùng ngày, Bác còn đến thăm gia đình cựu Thủ tướng Pháp Lêông Blum (Leon Blum) ở ngoại ô Pari.
Ngày 04-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Tôn Đức Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ giữ chức Thanh tra Đặc biệt toàn quốc.
Ngày 04-8-1952, trên bài viết “Máy bay “phản lực” phản Mỹ” đăng trên tờ Cứu Quốc (ký tên là Đ.X) Bác phân tích việc nhiều phi công lái máy bay phản lực tối tân của Mỹ không chấp nhận sang đánh nhau tại mặt trận Triều Tiên để đi đến kết luận: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”18. Đầu tháng 8-1967, Bác gặp Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tìm hiểu tình hình chiến đấu và đời sống của bộ đội và đặt vấn đề Tại sao các chú chưa bắn rơi được B52? Sau cuộc gặp này Bác thường xuyên nhắc nhở và chỉ đạo bộ đội Phòng không - Không quân tìm các phương án đánh B.52. Cho đến trận thắng mở màn của trung đoàn Tên lửa 238 hạ được “pháo đài bay” tại bầu trời Vĩnh Linh. Bác nhận định: Muốn bắt cọp phải vào tận hang.
Tháng 8-1968, Bác tới dự và nói chuyện với Đảng đoàn Bộ Công an và lưu ý tới công tác bảo vệ an ninh của Hà Nội: “Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”19 và nhắc nhở: “Lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”20.
Cũng vào thời điểm này, Bác Hồ gửi thư biểu dương tinh thần hết lòng vì tiền tuyến của quân và dân Quảng Bình, trong chiến dịch vận tải: “Vì miền Nam” đã “trút gạo trong nồi cho miền Nam đánh thắng”21, chỉ trong hai tháng (tháng 6 và 7) đã chi viện cho chiến trường Trị - Thiên 2.600 tấn gạo.
Ngày 04-8-1969, Bác đã phải để các bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ nhưng vẫn dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác ngoại thương và công tác tổ chức.
Thanh Huyền (tổng hợp)
Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.95, 96.
3, 4, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 199, 293, 272-273.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, tr.660.
7. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t.7, tr.318.
8. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t.10, tr.388.
9 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.10.
10 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.244-245.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.397.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.179.
13, 14. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t.4, tr.342, 344-345.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.237.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.114.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.200.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.537.
19, 20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.385.