Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện hiện nay

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện hiện nay

Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, hiếm có một Đảng Cộng sản ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng trở thành người lãnh đạo và dẫn dắt tiến trình cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác như Đảng Cộng sản Việt Nam. Vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam đến nay luôn là điều khẳng định.

doi moi phuong thuc lanh dao
Ảnh minh họa

QUAN ĐIỂM VỀ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

C.Mác và Ph.Ăngnghen đã dành cả cuộc đời để xây dựng hệ thống lý luận cách mạng và truyền bá, trang bị cho giai cấp công nhân những tri thức chính trị cần thiết để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội. Dù các ông chưa đề cập cụ thể về phương thức lãnh đạo của Đảng, nhưng nhiều luận điểm quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng vô sản đã được đề cập khá cụ thể, gợi ý cho hậu thế tiếp tục nghiên cứu làm phong phú thêm các phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Qua các tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “ Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850”, “Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte”, “Nội chiến ở Pháp” chúng ta có thể lĩnh hội những bài học sâu sắc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay:

Thứ nhất, về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản và giai cấp vô sản.

C.Mác và Ph.Ăngnghen nhận định: Giai cấp vô sản phải tự tổ chức thành chính Đảng, đó là tổ chức tập hợp những người triệt để cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp, để đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng Cộng sản là bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản, sự ra đời của Đảng là phục vụ cho việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp, đồng thời đánh đấu bước trưởng thành của phong trào công nhân. Những người Cộng sản “Họ tuyệt nhiên không có lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”1. Vì vậy, họ phải lựa chọn những đại biểu tiêu biểu nhất của giai cấp, để làm tốt chức năng đại diện trung thành với lợi ích của giai cấp.

Thứ hai, khẳng định vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản đối với giai cấp.

 Một mặt, C.Mác và Ph.Ăngnghen khẳng định tính thống nhất giữa Đảng và giai cấp, nhưng sẽ là sai lầm nếu xem Đảng và giai cấp là một. Sự khác nhau giữa Đảng và giai cấp là vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản đối với giai cấp: “Những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các Đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận cổ vũ tất cả những bộ phận khác: Về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”2. Vì thế, Đảng phải trở thành lãnh tụ của phong trào, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp, đưa các tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào giai cấp; định hướng phong trào bằng đường lối chính trị, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp cách mạng; năng lực tổ chức các cuộc đấu tranh để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đó cũng là phương thức để Đảng làm tốt vai trò lãnh đạo của mình. Ngược lại, sự trưởng thành của giai cấp công nhân không chỉ dừng lại ở sự ra đời của Đảng Cộng sản, mà còn thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức và hành động phải chấp hành sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lãnh đạo quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã rất kỳ công và dành nhiều tâm sức để lựa chọn nhân sự từ những nhân tố tinh hoa của giai cấp và dân tộc vào bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhiều người trong số họ trở thành lãnh đạo xuất sắc của Đảng, có sức ảnh hưởng lớn trong quần chúng, làm cho cuộc cách mạng sớm thành công và ít tổn thất hơn.

Thứ ba, Đảng Cộng sản phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo để tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo giai cấp sau khi đã có chính quyền.

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngnghen chỉ mới đề cập đến nhiệm vụ trước tiên của giai cấp vô sản phải đập tan, phá bỏ bộ máy nhà nước của giai cấp thống trị cũ. Nhưng từ thực tiễn của Công xã Pari, các ông tiếp tục bổ sung vào Tuyên ngôn luận điểm quan trọng: “Sau 20 năm nếu nói cái gì phải bổ sung thì chính là nguyên lý: “Giai cấp công nhân không thể chỉ nắm lấy bộ máy nhà nước sẵn có và bắt nó phục vụ mình”3. Như vậy, không chỉ phải phá bỏ nhà nước cũ mà còn trên cơ sở đó, giai cấp công nhân xây dựng bộ máy nhà nước mới để phục vụ cho mục đích của mình. Từ đây, những người Cộng sản phải ý thức trọng trách vô cùng nặng nề của một Đảng cầm quyền, quyết định thắng bại của cả một sự nghiệp, liên quan đến vận mệnh của hàng triệu triệu người và vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, Đảng chính thức trở thành một Đảng cầm quyền, những tri thức khoa học trong cuộc đấu tranh dành chính quyền ở giai đoạn trước là chưa đủ, tổ chức Đảng và từng đảng viên phải tự nâng mình, vươn lên làm chủ các tri thức lý luận về xây dựng nhà nước, thực thi quyền lực nhà nước, điều hành, quản lý các nguồn lực của xã hội.

V.I.Lênin, người trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, đã dành nhiều tâm sức để xây dựng một chính Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Không chỉ sắc sảo trong tư duy lý luận, Lênin còn thể hiện lập trường cứng rắn chống lại những lệch lạc về nhận thức chính trị trong hàng ngũ những người Cộng sản. Đó là bệnh coi thường lý luận, bệnh tả khuynh, hữu khuynh, cơ hội, cải lương v.v.. trong một bộ phận lãnh tụ của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ.

Trên lĩnh vực tư tưởng, Lênin đặc biệt nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản”4, người coi đó là vũ khí lý luận sắc bén của Đảng và: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”5. Như vậy, làm tốt công tác lý luận bao gồm nghiên cứu, tổng kết, phát triển, truyền bá lý luận vào quần chúng công nhân; bổ sung, hoàn thiện và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo sát với thực tiễn cách mạng là một phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy cán bộ: Đảng phải lấy chủ nghĩa làm cốt, vì “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”6, không hiểu lý luận chẳng khác gì người mù đi trong đêm. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc học tập lý luận, không được coi thường lý luận nhưng không được lý luận suông, phải gắn học tập lý luận, vận dụng sáng tạo lý luận với giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Trên phương diện chính trị, từ nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác, Lênin yêu cầu, các Đảng Cộng sản phải xây dựng được cương lĩnh chính trị, trong đó xác định đúng đối tượng cách mạng, lực lượng cách mạng, nhiệm vụ cách mạng và phương pháp cách mạng phù hợp với từng giai đoạn, phù hợp với tích chất và đặc điểm cũng như hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở mỗi nước, nhằm triệt để khai thác mọi cơ hội, mọi nguồn lực, đưa cách mạng từng bước tiến lên. Xây dựng Đảng vững vàng về chính trị không chỉ nói lên tố chất lãnh đạo của một Đảng thực sự cách mạng, đó còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng cần quan tâm nghiên cứu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là mẫu mực sáng tạo khi vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam, một nước chưa có sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, mang đậm tính đặc thù của một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng đã làm nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy của cách mạng thế giới.

Trên phương diện xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, Lênin đặc biệt khẳng định: Để làm tốt vai trò chiến sĩ tiên phong, Đảng phải được xây dựng vững mạnh về tổ chức, “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức”7, làm tốt công tác xây dựng Đảng về tổ chức là một phương thức lãnh đạo của Đảng, nhằm củng cố tổ chức nội bộ Đảng, trở thành trung tâm đoàn kết giai cấp và dân tộc, nơi đề xuất đường lối cách mạng và có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng học tập, rèn luyện năng lực, trí tuệ, bản lĩnh người cộng sản. Thường xuyên coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân và các tổ chức của Đảng: Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi. Đảng phải là đại diện cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại.

Thực tế hiện nay chứng minh nhận định trên vẫn nguyên vẹn giá trị định hướng của thời đại. Phẩm chất, năng lực, đạo đức, tư cách của từng đảng viên, tạo nên uy tín và quyết định năng lực cầm quyền của Đảng. Chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên tài cao, đức sáng, vững vàng trên các cương vị lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực; mỗi đảng viên là mẫu mực về tài năng và nhân cách là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện đã có chính quyền.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Chúng ta đang đứng trước thềm Đại hội XIII của Đảng - một Đại hội có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thiện thiện phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới. Những luận điểm của các nhà kinh điển về xây dựng Đảng được chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của đất nước đang tiếp tục được Đảng ta nghiên cứu, phát triển và làm sáng tỏ hơn. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”8, “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về Đảng cầm quyền”9.

Đảng cầm quyền là khi Đảng đã nắm được quyền lực chính trị, trước hết là chính quyền nhà nước. Nhà nước luôn là mục tiêu của các cuộc cách mạng. Cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo phải giành chính quyền từ tay các giai cấp thống trị, để trở thành lực lượng cầm quyền.

Trong thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa thì Đảng cầm quyền phải bảo đảm hợp hiến, hợp pháp. Quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định tại Điều 4 Hiến pháp Việt Nam (2013) “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Phương thức lãnh đạo của Đảng khi đã nắm chính quyền là tổng thể các phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng để triển khai thực hiện cương lĩnh chính trị đối với nhà nước và toàn xã hội. Có thể nói: Phương thức lãnh đạo của Đảng khi đã nắm chính quyềnphải chủ yếu bằng nhà nước và thông qua nhà nước, nhưng trước hết Đảng phải lãnh đạo quá trình xây dựng nhà nước, đồng thời xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nhà nước chúng ta xây dựng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, hợp thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Lúc này nhà nước trở thành công cụ để hiện thực hóa cương lĩnh, nghị quyết, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước trở thành thước đo năng lực cầm quyền của Đảng, sự hài lòng của nhân dân về nhà nước cũng có nghĩa uy tín của Đảng trong xã hội nâng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

 “Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”10.

Như vậy, quá trình xây dựng nhà nước cũng là quá trình cầm quyền của Đảng, sự lãnh đạo này là bảo đảm chính trị để nhà nước được xây dựng theo hướng của dân, do dân, vì dân, nhà nước phục vụ nhân dân.

Đảng cầm quyền thông qua hiệu quả hoạt động các tổ chức - chính trị xã hội. Các tổ chức này gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tất cả đều thống nhất với Đảng về mục tiêu, lợi ích, tự nguyện dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo hoạt động các tổ chức này là cách để Đảng củng cố nền tảng xã hội của mình, xây dựng các mối quan hệ máu thịt Đảng dân và là một phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội phản ánh năng lực cầm quyền của Đảng.

Đảng cầm quyền thông qua hoạt động của các lực lượng vũ trang, bao gồm Quân đội và Công an Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của Đảng, của Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Đây là những lực lượng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, với tư cách là tổ chức quân sự, an ninh của Đảng, có chức năng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân. Là lực lượng mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc của Nhân dân. Quân đội và Công an hùng mạnh sẽ tăng thêm vị thế và uy tín cầm quyền của Đảng.

Năm 2020 và những năm sắp tới, nhiều cơ hội, thách thức còn ở phía trước, đang rất cần những quyết sách mới của Đảng cho các vấn đề phát triển của đất nước. Hơn lúc nào hết, Đảng phải tiếp tục các giải pháp kiện toàn tổ chức, tập trung cao độ trí tuệ, bản lĩnh, sử dụng các phương thức lãnh đạo phù hợp để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội cho sự phát triển đất nước. Trước mắt, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức thành công Đại Hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với nhà nước và toàn xã hội, bởi đó là điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

TS. Vũ Thị Mai Oanh
Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Hà An (st)

________________

1, 2. C.Mác - Ph.Ăngnghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.1995, t.4, tr.614, 610.
3. C.Mác - Ph. Ăngnghen: Toàn tập, Sđd, t.21, tr. 524.
4. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, t.26, tr.281.
5. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, tr.32.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia - Sự thật, H.2011, t.5, tr.273
7. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1978, t. 8, tr.171.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, tr.306.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật H, 2011, tr. 255.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb. Sđd, t.6, tr.232.