Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận!

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"1.

gia tri tu tuong hcm 1

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Cùng với đó là sự tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại: Văn hóa phương Đông và phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin; trong đó, nét đặc sắc chính là sự kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa phương Đông với thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin trên nền tảng những tri thức văn hóa tinh túy, chắt lọc, hấp thụ được tích lũy qua thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi tư duy, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người. Đó cũng là quá trình tiếp thu, làm giàu, rèn luyện từ học tập, nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động, đời sống văn hóa, xã hội và cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; không chỉ giải quyết vấn đề thuộc về tư duy lý luận mà cao hơn, đó là tư duy hành động. Trong khi tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, đạo đức và phong cách; là quan điểm và tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản trung thành và kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, dân tộc và nhân dân lên trên hết, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân; luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, phong cách làm việc dân chủ, khoa học; phong cách ứng xử văn hóa, nhân văn, trọng nghĩa tình, nói đi đôi với làm, sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, v.v.. tự mình nêu gương về đạo đức cách mạng, thể hiện sinh động, tự nhiên, đầy cảm hóa trong công tác và ứng xử hằng ngày.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận và định hướng để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn, tổ chức lực lượng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và những thành tựu quan trọng về mọi mặt trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trên hành trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Không thể phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, song các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình”; những kẻ tự xưng là “người yêu nước”, người “bất đồng chính kiến” ở trong và ngoài nước đã lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi nói và viết: “Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác - Lênin”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều”; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con đường chung mà thế giới hiện nay đang đi” - con đường tư bản chủ nghĩa. Có những người tìm mọi cách đả kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng của Người để “hạ bệ thần tượng” và lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin để phủ nhận những giá trị cơ bản, đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí, có người lại “cực đoan” đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ và coi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam nên Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh để xuyên tạc và hạ thấp sự cống hiến của Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và thế giới, hạ thấp tư tưởng của Người mà không hiểu và cố tình không hiểu rằng: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, tiếp tục dẫn dắt, soi đường cho Đảng và nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những giọng điệu "lạc dòng", phủ nhận của một bộ phận những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu đúng bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh đó không hề làm giảm đi giá trị tư tưởng của Người, vì “trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận vế cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc..." như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã khẳng định.

ĐẢNG LẤY CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀM NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa và Người nhận thấy: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”2. Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm nhuần những chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”3  để nỗ lực hoạt động, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó và khẳng định: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt; "Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”, "bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”4. Sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động và điều này được khẳng định trong Luận cương chính trị năm 1930 Đảng: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”5.

Trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Hồ Chí Minh không giáo điều mà nắm lấy tinh thần, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong quá trình: 1) Thành lập Đảng và xây dựng Đảng cầm quyền; 2) Tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong tiến trình cách mạng; 3) Xây dựng nhà nước kiểu mới; 4) Xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bỏ qua chế độ chế độ tư bản chủ nghĩa… Lý luận Mác - Lênin là thế giới quan, nhân sinh quan, là lý luận tiên phong của thời đại được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

gia tri tu tuong hcm 2
Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trao giải Nhất Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Tầm nhìn xuyên thế kỷ lần 10 năm 2019 cho Đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (đội 2)

 Cùng với thời gian, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta mà còn nhấn mạnh tại Đại hội VI (12/1986) - Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới của Đảng: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”6. Tại Đại hội VII (6/1991), Đảng nhấn mạnh việc phải “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”7; thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”8. Bước phát triển trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng này đã cho thấy cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, sự khẳng định này cũng bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu sai trái, thù địch, đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhận thức đầy đủ, sâu sắc giá trị to lớn, toàn diện cống hiến vô giá về lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh được thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX chứng thực, Đại hội IX (4/2001) của Đảng và khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”9. Tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định gồm 9 nội dung cơ bản: 1) Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. 2) Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 3) Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. 4) Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. 5) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. 6) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. 7) Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. 8) Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 9) Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”10. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.

TIẾP TỤC LÀM CHO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LAN TỎA, THẤM SÂU TRONG ĐẢNG VÀ TRONG XÃ HỘI

Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân song rất đỗi vĩ đại của Người đã là một tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Thực tiễn những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đã chứng minh sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, thực tiễn của tư tưởng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và trở thành một phần giá trị của văn hóa nhân loại. Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, nhất là khi tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang diễn biến khó lường cùng những khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội. Thực tế, hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, con đường, phương pháp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới ở Việt Nam là cơ sở cho đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 90 năm xây dựng và phát triển; đồng thời, những thành tựu đã đạt được về mọi mặt ở Việt Nam là không thể phủ nhận; không chỉ phản ánh quy luật khách quan của sự nghiệp đấu tranh giải phóng trong thời đại cách mạng vô sản mà còn phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và thời đại vì đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, được minh chứng qua thực tiễn cách mạng Việt Nam và ngày càng tỏa sáng, in sâu trong trái tim, khối óc của hàng triệu triệu con người. Vì thế, việc tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh; việc kiên định mục tiêu, con đường phát triển độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là yêu cầu tất yếu khách quan của Đảng, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi mà còn góp phần giữ vững bản chất của một Đảng chân chính, cách mạng.

Để kiên định và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và trước thềm Đại hội XIII của Đảng, toàn Đảng cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, một cách thiết thực, hiệu quả. Trong đó, cấp ủy các cấp, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải chú trọng nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để kịp thời nhận diện và kiên quyết phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, ngăn chặn những diễn biến xấu về tư tưởng, chính trị, phòng và chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong  Đảng, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ hai, chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh học từ đại học đến sau đại học, để đội ngũ cán bộ đó có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn tốt, góp phần bổ sung và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng các lực lượng chuyên trách, thường trực, tác chiến nhanh, chính xác, làm xoay chuyển tương quan so sánh lực lượng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” gắn với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, nâng cao tính hấp dẫn trong dạy và học môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền miệng, các kênh thông tin khác, xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sát hợp thực tế để chủ động đấu tranh, phòng, chống và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh trên báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội gắn với nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đa dạng hóa các phương pháp, hình thức đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, tự phê bình và phê bình để không chỉ bảo vệ mà còn góp phần củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh - cội nguồn sức mạnh, tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong hành trình hướng đến tương lai.

Thứ tư, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, cụ thể từng nội dung của chuyên đề hằng năm trong sinh hoạt của chi bộ, đoàn thể, trong các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, trong các phong trào thi đua gắn với việc chủ động phòng, chống, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; coi đó là nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân, là một giải pháp căn cốt để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tính tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục nỗ lực học tập và nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, có hệ thống di sản tư tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng trong thực tiễn và chủ động tuyên truyền, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người lan tỏa, thấm sâu trong Đảng và trong xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

- Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.

- Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.

- Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.

(Rômét Chanđra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, Báo Nhân Dân, ngày 21/5/1980)


TS. Văn Thị Thanh Mai

Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo Tạp chí Tuyên giáo điện tử

Đức Lâm (st)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.99
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 562
3. V.I. Lênin: Toàn tập, Bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.6, tr.32
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 289
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998, t 2, t.100
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.125
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.127
8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1991, tr.21
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-84
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.88

BÀI VIẾT LIÊN QUAN