Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Hiến tặng mô, tạng: Cho đi là còn mãi

Hiến tặng mô, tạng: Cho đi là còn mãi

          Hiến tặng mô, hiến tạng để cứu giúp người bệnh là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Với thông điệp “Cho đi là còn mãi”, thời gian qua, việc đăng ký hiến mô, tạng ở tỉnh đã và đang lan tỏa, thu hút nhiều người tham gia; qua đó, giúp hồi sinh nhiều cuộc đời, mang lại niềm hạnh phúc cho những số phận kém may mắn.

Người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi được tuyên truyền

Người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi được tuyên truyền

 

            Anh Nguyễn Văn Khánh ở xã Long Hưng (Văn Giang) được nhiều người biết đến với 93 lần tham gia hiến máu và thành phần máu nhưng ít người biết ngay từ năm 2018, anh đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời hoặc chết não để mang đến cơ hội sống cho nhiều người. Anh chia sẻ: Tôi tâm niệm cho đi là còn mãi, cho đi cũng có nghĩa là nhận lại, khi sống thì sống có ý nghĩa và khi mất đi cũng muốn để lại một chút đóng góp nhỏ bé cho cuộc đời. Qua báo chí tôi được biết hiện nay có rất nhiều người bệnh đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống và sự sống của họ chỉ có thể được tính bằng ngày, bằng tháng nếu như không được ghép mô, tạng kịp thời. Vì vậy, tôi đã quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng để mong tái sinh thêm nhiều sự sống trong cuộc đời.

           Cũng như anh Khánh, mặc dù tuổi đời còn trẻ, phóng viên Ngọc Oanh đang công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Anh Nguyễn Tiến Việt ở xã Mễ Sở (Văn Giang) cho biết: Tôi có một người bạn bị mất do không có thận để cấy ghép, tôi thương lắm. Vì thế, tôi đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời với mong muốn sẽ không còn ai bị cướp đi mạng sống vì khan hiếm nguồn mô, tạng.

           Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình người. Đã 5 năm sau cái chết của chị Hoàng Thị Trâm nhưng nhiều người dân ở xã Đồng Tiến (Khoái Châu) vẫn nhớ đến chị, thay vì từ giã cõi đời một cách vô nghĩa, chị đã có một nghĩa cử cao đẹp là hiến giác mạc để giúp những người không may mắn bị khiếm thị. Sống trong gia đình có chồng, em chồng bị khiếm thị, chị Trâm hiểu hơn ai hết nỗi đau, sự vất vả và niềm hy vọng của người khiếm thị, với họ có ánh sáng là có một cuộc đời mới. Mắc bệnh ung thư dạ dày, trước khi ra đi, tâm nguyện hiến giác mạc để lại ánh sáng cho chồng và em chồng của chị không thành bởi bệnh lý của cả 2 người không còn khả năng ghép giác mạc. Vượt qua đau đớn, thất vọng, chị vẫn quyết định hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời. Tâm nguyện của chị được cả gia đình đồng lòng ủng hộ bởi với họ một ngọn nến tắt đi nhưng lại thắp sáng lên 2 ngọn nến khác, giúp 2 người mù loà được nhìn thấy ánh sáng.

             Hiện nay, nguồn mô, tạng của người hiến còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa nắm rõ về chương trình hiến tặng mô, tạng và cơ thể cho y học. Nhiều người vẫn còn nặng quan điểm khi chết phải toàn thây. Để nâng cao nhận thức của người dân, thời gian qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến tặng mô, tạng dưới nhiều hình thức như: Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các buổi vận động hiến máu tình nguyện; tổ chức tập huấn cho người đã đăng ký hiến mô, tạng để họ trở thành tình nguyện viên trực tiếp đi vận động; tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền cung cấp kiến thức về hiến mô, tạng cho cán bộ làm công tác chữ thập đỏ ở cơ sở… Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ hội, người dân hiểu thêm về hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn của việc hiến tặng mô, tạng. Với phương châm "Mưa dầm thấm lâu", nhận thức của cán bộ, người dân từng bước được nâng cao, năm 2023, toàn tỉnh đã vận động được 25 người đăng ký hiến tặng mô, tạng và bộ phận cơ thể người. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 384 thẻ đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác cho y học sau khi qua đời. Những người đăng ký đều được Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cấp giấy chứng nhận đăng ký và Hội Chữ thập đỏ các cấp quản lý, theo dõi, cập nhật thường xuyên về địa chỉ nơi ở, số điện thoại và tình trạng sức khỏe. Hiện nay, bất cứ ai đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền hiến tặng mô, tạng của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi qua đời, chết não và hiến xác. 

            Thời gian tới, hy vọng sẽ có thêm nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô, tạng để trong cuộc đời này có thêm nhiều đôi mắt sáng, nhiều trái tim ấm áp được đập những nhịp đập yêu thương… Đặc biệt, thông điệp "Cho đi là còn mãi" sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống và trở thành phương châm sống của nhiều người dân trong tỉnh.

                                                                                                                                                                                                                               Nguồn tin:Baohungyen.vn