Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Hồ Chí Minh trong mắt giới nghiên cứu phương Tây

Hồ Chí Minh trong mắt giới nghiên cứu phương Tây

Từ nghiên cứu công bố vào năm 2000, W.J.Duiker đã đặt ra vấn đề có hay không hiện tượng “sùng bái Hồ Chí Minh”?. Ông và nhiều nhà nghiên cứu đều ghi nhận: Hồ Chí Minh được kính trọng, được ca tụng và nể phục ngay từ khi Người còn sống, và không chỉ ở Việt Nam và bởi nhân dân Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài...

Năm 2007, đề tựa cho lần xuất bản bằng tiếng Anh công trình “Tiểu sử Hồ Chí Minh” (Ho Chi Minh-A Biography) của sử gia người Pháp nổi tiếng Pierre Brocheux, Giáo sư William J.Duiker viết: “Dù đánh giá theo cách nào thì Hồ Chí Minh vẫn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của ông... Trong thế kỷ 20, chỉ có rất ít người đã để lại dấu ấn sâu đậm đến như vậy trong thời đại của mình như Hồ Chí Minh”(1).

Giáo sư W.J.Duiker là một trong những chuyên gia lớn nhất ở phương Tây về lịch sử Việt Nam cận-hiện đại và chính ông cũng là nhà nghiên cứu hàng đầu về Hồ Chí Minh-tác giả của công trình đồ sộ, nổi tiếng nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh với nhan đề “Hồ Chí Minh: Một cuộc đời” (Ho Chi Minh: A Life) công bố ở Mỹ vào năm 2000(2). Cho nên, không ai khác, W.J.Duiker chính là người có đủ uy tín và thẩm quyền học thuật để viết ra những dòng như trên, khai mở cho một nghiên cứu hoàn toàn nghiêm túc về Hồ Chí Minh ở phương Tây.

Thực ra, ở phương Tây, những “nghiên cứu” đầu tiên về Hồ Chí Minh bắt đầu từ rất sớm, ngay sau ngày 18-6-1919, khi người thanh niên mang tên Nguyễn Ái Quốc đem đến Hội nghị hòa bình ở Versailles bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam (Revendications du Peuple Annammite).

Tháng 11-1987, Đại hội đồng UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất vào năm 1990, có thể nói đã tạo ra bước ngoặt trong nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở phương Tây cũng như trên thế giới. Năm 1990, một hội nghị khoa học quốc tế lớn được tổ chức ở Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, trong đó có nhiều học giả phương Tây. Tại đó nhiều ý tưởng, tư liệu mới cũng như cách hiểu và đánh giá khác nhau về Người được công bố và thảo luận. Cũng trong năm 1990, một hội thảo quốc tế lớn về Hồ Chí Minh được tổ chức ở Đại học Tổng hợp Passau (Cộng hòa Liên bang Đức) với sự tham gia của khoảng 300 nhà nghiên cứu. Đây là diễn đàn học thuật đầu tiên về Hồ Chí Minh được tổ chức ở phương Tây.

Cũng trong năm 1990, một nghiên cứu mới của học giả người Pháp Daniel Hémery “Ho Chi Minh: De l’Indochine au Vietnam” (Hồ Chí Minh: Từ Đông Dương (thuộc Pháp) đến Việt Nam)(3). Mặc dù cung cấp thêm khá nhiều thông tin mới dựa trên việc khai thác các nguồn tài liệu lưu trữ ở Pháp, công trình này chưa đưa lại được sự kiến giải nào mới về Hồ Chí Minh.


ho chi minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè thế giới chính là hình ảnh thu nhỏ

của đất nước Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Phải đến năm 2000, công trình chuyên khảo đồ sộ nhất, công phu nhất về Hồ Chí Minh mới xuất hiện ở phương Tây. Đó chính là cuốn “Ho Chi Minh: A Life” của William J.Duiker đã được nhắc đến ở trên. Duiker đã dành hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu về Hồ Chí Minh, từ những nguồn tài liệu dân gian cho tới tài liệu chính thống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ các bài hát, bài thơ phổ biến ở Việt Nam cho tới những báo cáo của mật thám Pháp bị vùi sâu trong các kho lưu trữ... Cho nên, giá trị nổi bật thứ nhất của công trình này chính là cơ sở tài liệu rất phong phú, được hệ thống hóa và sử dụng một cách khoa học, nghiêm túc. Đóng góp nổi bật thứ hai của nghiên cứu này là Duiker đã đi sâu tìm hiểu mỗi chặng đường hoạt động, từng chuyển biến tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, để chỉ ra hành trình gian khó của một người từ lập trường yêu nước truyền thống đến lập trường dân chủ tư sản, mang tính xã hội chủ nghĩa cánh tả, rồi đến lập trường cộng sản lêninnít. Xuyên suốt toàn bộ cuộc đời của Hồ Chí Minh luôn luôn là một nhà yêu nước lớn, yêu nước theo tinh thần nhân văn, cách mạng, tiến bộ - đó chính là cốt lõi văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Đây chính là cơ sở để Duiker đưa ra đánh giá của ông về tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của Hồ Chí Minh trong thế kỷ 20.

Tuy nhiên, khi Duiker tiến hành nghiên cứu thì các nguồn tài liệu lưu trữ của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cũng như khá nhiều tài liệu có liên quan ở Việt Nam chưa thể tiếp cận được. Vì vậy, Duiker khó tránh khỏi những sai lầm, những phán đoán chủ quan về hoạt động và tư tưởng của Hồ Chí Minh trong những khoảng thời gian nhất định. Đây là nguyên nhân khiến một số nhận định của Duiker bị phê bình từ nhiều phía.

Sau công trình của William J.Duiker, vào năm 2003, ở phương Tây liên tiếp xuất hiện hai chuyên khảo rất có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cuốn “Ho Chi Minh-The Missing Years” (Hồ Chí Minh-Những năm tháng chưa được biết đến) của Sophie Quinn-Judge(4) và cuốn “Ho Chi Minh: Du Révolutionnaire à l’icône” của Pierre Brocheux(5). Năm 2007, cuốn sách này của Brocheux được dịch và công bố bằng tiếng Anh với tựa đề “Ho Chi Minh-A Biography” (Tiểu sử Hồ Chí Minh).

Xét trên phương diện nào đó, cuốn sách của Sophie Quinn-Judge như một sự bù đắp vào khoảng trống trong nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1919 đến 1941, nhất là thời kỳ từ năm 1923 đến 1941, khi Người hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Đức và Thái Lan. Sở dĩ có những khoảng trống như vậy là bởi vì trước đó các nhà nghiên cứu không thể tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu lưu trữ của Liên Xô, Quốc tế Cộng sản... Công trình của Sophie Quinn-Judge đã cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực hơn, góp phần hiệu chỉnh nhiều thông tin không xác thực, giúp cho người đọc thấy rõ được tầm vóc, vai trò của Hồ Chí Minh với những phẩm chất đặc biệt. Qua đó vừa bảo vệ được những quan điểm đúng đắn của mình, vừa thoát ra được những rắc rối, phức tạp và cuối cùng đã tiếp tục phát triển, khẳng định được quan điểm đó để xác lập cho Đảng Cộng sản Đông Dương một đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, mở đường đi tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tuy có đóng góp rất to lớn nhưng các nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của giới học giả phương Tây, kể cả những người nổi tiếng nhất như Daniel Hémery, W.J.Duiker, Sophie Quinn-Judge... cũng bộc lộ một số hạn chế không nhỏ. Phần lớn các nghiên cứu đều chỉ tập trung vào các hoạt động của Hồ Chí Minh trong thời kỳ trước năm 1945, còn khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1969 thì hầu như chưa được quan tâm thỏa đáng. Thứ hai, những kiến giải về nhiều vấn đề liên quan đến tư tưởng và hoạt động của Hồ Chí Minh mà các học giả phương Tây đưa ra, dù đã cố gắng khách quan nhất có thể nhưng vẫn không thoát khỏi những định kiến mang tính “châu Âu trung tâm luận” hoặc vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của thế giới quan thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Gần đây, xuất hiện một số nghiên cứu khá mới mẻ về Hồ Chí Minh của thế hệ học giả phương Tây trẻ hơn. Năm 2019, một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Đại học Tổng hợp Columbia danh tiếng của Mỹ với tiêu đề “Global Hồ Chí Minh”. Đây là hội thảo quốc tế thứ hai về Hồ Chí Minh được tổ chức ở phương Tây. Tại hội thảo này, một số nghiên cứu mới của Pierre Asline, Alec Holcombe và Olga Dror được công bố, tiếp tục đi sâu luận giải về tầm vóc, ảnh hưởng có tính thời đại của Hồ Chí Minh trong và sau Chiến tranh Lạnh, đặc biệt trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Có nhiều vấn đề đã và đang được đặt ra, cần tiếp tục được nghiên cứu.

Ngay từ nghiên cứu của mình công bố vào năm 2000, W.J.Duiker đã đặt ra vấn đề có hay không hiện tượng “sùng bái Hồ Chí Minh”. Ông và nhiều nhà nghiên cứu đều ghi nhận: Hồ Chí Minh được kính trọng, được ca tụng và nể phục ngay từ khi Người còn sống, và không chỉ ở Việt Nam và bởi nhân dân Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài...

Từ sau khi Hồ Chí Minh qua đời đến nay, Người vẫn tiếp tục được tôn sùng, trở thành biểu tượng quốc gia và nhất là đã được thờ phụng trong chùa, miếu, đền. Vậy, đó có phải là "tục sùng bái cá nhân" Hồ Chí Minh hay không? Đây là một trong những vấn đề mà ngay cả một số học giả phương Tây thực sự nghiêm túc cũng lúng túng trong luận giải, hoặc nhận định sai hoàn toàn. Phải đặt điều này trong cơ tầng văn hóa chính trị Việt Nam thì có thể thấy rằng, từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay, dân tộc ta vẫn duy trì truyền thống tôn vinh, thờ phụng anh hùng dân tộc. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung đã và đang được thờ phụng, không cần bất kỳ một sự “chỉ đạo” nào. Tất nhiên, những lệch lạc trong thực hành truyền thống, nghi lễ này luôn xuất hiện và cần được loại bỏ, song trên căn bản, đó là một nét đẹp của truyền thống dân tộc Việt Nam, và Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất đã, đang và sẽ tiếp tục đi vào, sống mãi với truyền thống đó./.

GS, TS Phạm Hồng Tung

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

-------------------

(1) Duiker, William J., “Foreword”, in trong: Brocheux, Pierre, Ho Chi Minh-A Biography, Cambridge University Press, New York, 2007, tr.IX.

(2) Duiker, William J., Ho Chi Minh-A Life, Hyperion, New York, 2000.

(3) Hémery, Daniel, Ho Chi Minh: De lIndochine au Vietnam, Gallimard, Paris, 1990.

(4) Quinn-Judge, Sophie, Ho Chi Minh-The Missing Years, University of California Press, 2003.

(5) Brocheux, Pierre, Ho Chi Minh: Du révolutionnaire à l’icône, Payot, Paris, 2003.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN