Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chăm lo đặc biệt tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bản Di chúc lần viết khởi thảo ngày 15/5/1965, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”1.

1. Thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình - sự nhất quán trong tư tưởng về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tự phê bình và phê bình là nhu cầu tất yếu của mỗi tổ chức đảng và đảng viên, song để phát huy được tác dụng, hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, đòi hỏi phải thực hành một cách thường xuyên, nghiêm túc; nếu không thực hành thường xuyên, nghiêm túc sẽ không “trị được bệnh” trong mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của đảng cách mạng chân chính. Ph.Ăngghen cho rằng, việc đảng tự phê bình hoạt động của mình là việc tuyệt đối cần thiết và bằng cách đó, đảng học được cách hoạt động tốt hơn. V.I.Lênin coi tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của đảng cách mạng trong quá trình lãnh đạo, đồng thời chỉ rõ: Nếu một đảng nào không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cùng với việc thực hành dân chủ trong Đảng thì “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất” để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, góp phần xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng vẻ vang mà Nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, đội ngũ đảng viên của Đảng phần đông xuất thân từ nông dân và nhiều giai tầng khác nhau, mang những đặc điểm tư tưởng, tâm lý, lối sống khác nhau, dễ nảy sinh những mâu thuẫn trong Đảng. Tuy đó không phải là mâu thuẫn đối kháng, nhưng là nguy cơ gây mất đoàn kết, không tập trung, thống nhất được tư tưởng, trí tuệ trong Đảng. Mặt khác, Đảng ta là đảng cầm quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đảng viên có chức, có quyền nếu không nghiêm chỉnh tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng rất dễ nảy sinh những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quan liêu, xa rời quần chúng… Vì vậy, cần tiến hành tự phê bình và phê bình ráo riết, thường xuyên. Tự phê bình và phê bình là vũ khí cần thiết và sắc bén giúp mỗi cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm, làm cho phần tốt ở trong mỗi người nảy nở, phát triển và phần xấu bị mất dần đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”2. Như vậy, tự phê bình và phê bình trong Di chúc của Người không những là vũ khí sắc bén trong xây dựng tổ chức mà còn được nâng lên tầm nghệ thuật trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc: tự phê bình và phê bình để hướng mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tới giá trị hoàn mỹ, “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân”3.

Để tự phê bình và phê bình thực sự phát huy tác dụng và đạt hiệu quả cao, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải thực hành thường xuyên, nghiêm chỉnh. Từng cán bộ, đảng viên phải xem tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt mỗi ngày để làm cho sạch sẽ cơ thể; để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến quần chúng nhân dân, đến danh dự và uy tín của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”4. Do vậy, cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải thiết thực kiểm điểm, tiến hành tự phê bình mình cũng như phê bình người khác một cách triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; khi thực hành tự phê bình và phê bình không phải chỉ vạch ra khuyết điểm mà phải nêu cả ưu điểm; nêu ưu điểm trước, vạch khuyết điểm sau. Điều này biểu hiện rõ tính nhân văn và tính khoa học - nét đặc sắc trong quan niệm về tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính nhân văn trong tự phê bình và phê bình chính là việc nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của mình trước và nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình sau; một mặt là để sửa chữa cho nhau, đồng thời để khuyến khích nhau, "bắt chước" nhau, cùng tiến bộ. Người có ưu điểm thì phải cố gắng phát huy, vươn lên không ngừng; người có khuyết điểm, bị phê bình thì phải vui lòng nhận rõ để sửa chữa. Tự phê bình và phê bình sẽ không gây nản chí hoặc oán ghét, mục đích nhằm gột rửa những thói hư tật xấu, góp phần tăng cường, phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, vì sự tiến bộ của tổ chức và mỗi cá nhân. Tư tưởng này thể hiện rõ tính dân chủ, nhân văn, nhân đạo, đề cao yếu tố con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thực hành tự phê bình và phê bình phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sửa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì vậy, “ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau”5. Tự phê bình và phê bình phải đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt, không hình thức, hời hợt, quanh co, chiếu lệ... Trên thực tế những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, hủ hóa, vi phạm tư cách đảng viên… có nguyên nhân chính là do không thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và tiếp thu phê bình. Người đã cảnh báo, nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của chúng ta thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng. Phát hiện càng sớm, điều trị bệnh càng chóng khỏi; để bệnh nặng rất khó chữa, thậm chí có khi không chữa được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ một số biểu hiện chưa đúng trong tự phê bình và phê bình, đó là: “Vẫn có một số ít đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài đảng. Họ không biết rằng: Có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”6. Người kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai lầm của cán bộ, đảng viên khi xem tự phê bình và phê bình là dẫn đến việc vạch ra cái xấu, cái yếu kém và vì vậy sẽ làm mất thanh danh của Đảng, của cán bộ, để địch lợi dụng chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết trong nội bộ Đảng cũng như giữa Đảng với Nhân dân. Hoặc có tự phê bình và phê bình nhưng che giấu khuyết điểm, báo cáo sai sự thật, thủ tiêu đấu tranh, đóng góp cho nhau theo kiểu hình thức chiếu lệ, dĩ hòa vi quý; dùng phê bình để công kích, nói xấu, bôi nhọ hay hạ bệ lẫn nhau. Tất cả những hiện tượng trên là biểu hiện sự nhận thức chưa đúng bản chất của nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

2. Thực hiện thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu đã được Đảng ta quán triệt và vận dụng linh hoạt qua các thời kỳ cách mạng. Tư tưởng đó luôn có ý nghĩa, giá trị sâu sắc với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, để thực hành có hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy đảng.

Đây là cơ sở quan trọng để các cấp ủy đảng luôn coi trọng và thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình chỉ có thể đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy đảng các cấp có nhận thức đúng và thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm túc ở cấp mình. Nhận thức không đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ dẫn tới việc thực hành tự phê bình và phê bình không thường xuyên, nghiêm chỉnh, thậm chí buông lỏng, coi nhẹ hoặc hình thức, qua loa, chiếu lệ… Để có nhận thức đúng, bảo đảm tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên, nghiêm chỉnh, có chất lượng thì cấp ủy đảng cần quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung nguyên tắc tự phê bình và phê bình, hiểu rõ lý do, mục đích, đối tượng, phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình; kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm những hiện tượng trù dập, trả thù của cán bộ cấp trên đối với đảng viên cấp dưới, hoặc lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ, gây chia rẽ nội bộ, làm suy yếu tổ chức đảng và suy giảm chất lượng cán bộ, đảng viên.

Hai là, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng.

Mỗi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên cần coi tự phê bình và phê bình là chế độ thường xuyên, cần nghiêm chỉnh thực hành như việc rửa mặt mỗi ngày. Thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện nề nếp, hiệu quả chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng nhằm nâng cao tinh thần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; kịp thời phát hiện, cảnh tỉnh, ngăn chặn những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm. Mỗi cấp ủy đảng cần tổ chức tiến hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc, chặt chẽ, tránh những biểu hiện qua loa, đại khái, mang tính chiếu lệ, hình thức. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần khắc phục những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, hữu khuynh, dĩ hòa vi quý, né tránh hoặc bao che khuyết điểm. Để việc tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm và tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hành tự phê bình và phê bình. Phải kết hợp chặt chẽ nguyên tắc tự phê bình và phê bình với nguyên tắc tập trung dân chủ và nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục trong sinh hoạt đảng. Đây là vấn đề tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình.

Ba là, thường xuyên phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, cấp ủy viên và trách nhiệm của các tổ chức quần chúng trong thực hành tự phê bình và phê bình.

Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu trong thực hành tự phê bình và phê bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng cần tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp ủy, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên phải gương mẫu kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau; cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới; cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ phải tổ chức cho quần chúng tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Những ý kiến đúng phải được tiếp thu và kiên quyết sửa chữa, những ý kiến chưa đúng phải giải thích cho quần chúng hiểu. Bí thư cấp uỷ và thủ trưởng đơn vị cần phải tiên phong, gương mẫu, dám tự phê bình, dám nhận khuyết điểm trước tập thể, trước cấp trên, cấp dưới và đồng cấp; thật sự tạo ra không khí cởi mở, khuyến khích, động viên mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng mạnh dạn tự phê bình và phê bình.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị tham gia phê bình tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Mọi hoạt động của tổ chức cơ sở đảng đều được quần chúng nắm bắt, giám sát. Thực tế đã chứng minh, chỉ khi nào thực hiện tốt việc quần chúng tham gia giám sát, phê bình thì tổ chức đảng ở nơi đó sẽ luôn trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo được nâng cao, kịp thời phát hiện sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực vào việc chống lại bệnh quan liêu, tham nhũng, chuyên quyền, độc đoán của cán bộ, củng cố được niềm tin của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng. Vì vậy, cấp ủy đảng cơ sở phải xây dựng quy chế chặt chẽ, xác định nội dung, hình thức thích hợp để quần chúng tham gia thực hiện phê bình có hiệu quả. Đồng thời, cấp ủy đảng cần có thái độ chân thành tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng và công khai, kịp thời thông báo kết quả xử lý, kế hoạch, biện pháp sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trước quần chúng. Sử dụng khéo léo các phương pháp động viên, khuyến khích quần chúng tham gia phê bình rộng rãi có chất lượng, đúng hướng. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý các trường hợp trù dập, ức hiếp người phê bình.

Bốn là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Tự phê bình và phê bình cần kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đây là một khâu của công tác kiểm tra, giám sát; một trong những phương pháp cơ bản khi tiến hành kiểm tra, giám sát. Tự phê bình và phê bình tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát. Ngược lại, không làm tốt tự phê bình và phê bình thì công tác kiểm tra, giám sát sẽ mang tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tiễn ở nhiều tổ chức đảng cho thấy, kết quả và chất lượng các cuộc kiểm tra, nhất là kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm phụ thuộc rất nhiều vào việc tự phê bình và phê bình của đảng viên. Nếu thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc sẽ giúp tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp có cơ sở, căn cứ để đưa ra những kết luận chính xác, đúng người, đúng tội.

Các cấp ủy đảng cần xác định rõ kế hoạch, biện pháp, thời gian cụ thể để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Qua đó, kịp thời động viên, biểu dương những cán bộ, đảng viên có tinh thần phấn đấu tốt; chấn chỉnh, giúp đỡ những cán bộ, đảng viên chưa tốt, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và định kỳ thông báo kết quả phấn đấu tiến bộ trước tập thể. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát với kỷ luật đảng. Đây là biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh của công tác kiểm tra, giám sát và làm cho việc thực hiện tự phê bình và phê bình hiệu quả hơn. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm cần phải căn cứ vào mức độ mà đưa ra hình thức kỷ luật, bảo đảm chặt chẽ và nghiêm minh. Việc tiến hành xử lý, kỷ luật phải được thực hiện đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc theo Điều lệ Đảng. Kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội, không bao che hoặc làm qua loa, đại khái ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự và là kim chỉ nam, định hướng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thường xuyên, nghiêm chỉnh nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng và giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng hiện nay, đưa sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến thành công, để hiện thực hóa mong muốn của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”7./.

ThS. Dương Thùy Dung
Trường Chính trị tỉnh Bình Định
Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước
Đức Lâm (st)

---------------------

Ghi chú:
1, 3, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.611, tr.672, tr.614.
2, 4, 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.301, tr.294, tr.279.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.290.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN