Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt

Là người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng về mọi mặt đối Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những nguyên tắc chủ yếu để xây dựng quân đội có sức mạnh vô địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề Đảng lãnh đạo quân đội từ khi nào?

Trung thành với học thuyết Mác - Lênin về tổ chức lãnh đạo, xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, vận dụng vào điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta, từ rất sớm trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, “Sách lược vắn tắt của Đảng” (tháng 02-1930) do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trực tiếp khởi thảo đã khẳng định quan điểm bạo lực cách mạng, Đảng tổ chức và lãnh đạo quân đội công nông để giành và giữ chính quyền: “Về phương diện chính trị: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập. c) Dựng ra Chính phủ công nông binh. d) Tổ chức ra quân đội công nông”1. Lần đầu tiên, Người đặt vấn đề Đảng lãnh đạo quân đội trong Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân Ngày kỷ niệm thành lập Quân giải phóng Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1949 khi khẳng định: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta: Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta”2.

Như vậy, từ rất sớm, Người đã nêu lên và từng bước hiện thực hóa chủ trương Đảng lãnh đạo quân đội. Trong Bài nói tại cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944) và Ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19-12-1946), Người lại nhấn mạnh: “Trong dịp kỷ niệm ngày xây dựng Quân đội nhân dân ta và ngày cả nước kháng chiến lần thứ nhất, tôi là một trong những người rất vui mừng, rất phấn khởi. Tôi thấy trẻ lại 20 tuổi. Vì lẽ rằng cách đây 23 năm, tôi và một số đồng chí được Đảng ta giao cho nhiệm vụ vẻ vang là tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo Quân đội nhân dân ta”3.

Thế nào là Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt?

Về vấn đề này, Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo đó cho đảng phái chính trị, lực lượng nào khác mà độc tôn lãnh đạo Quân đội ta; Đảng lãnh đạo không thông qua khâu trung gian, tổ chức trung gian nào mà trực tiếp lãnh đạo Quân đội bằng hệ thống cơ chế, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong Quân đội đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; Đảng lãnh đạo Quân đội toàn diện về mọi mặt, mọi nhiệm vụ, mọi lĩnh vực hoạt động, mọi mặt công tác, mọi tổ chức, mọi đơn vị quân đội, ở đâu có tổ chức và hoạt động của quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, trong tác phẩm Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người khẳng định: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực”4. Theo đó, Đảng ta luôn coi trọng và khẳng định dứt khoát quyền lãnh đạo quân đội công nông, không phân quyền lãnh đạo đó cho một giai cấp, một tổ chức, một đảng phái nào khác, bởi vì: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”5.

Tại sao Đảng quyết tâm lãnh đạo Quân đội?

Từ chủ trương: “Xây dựng quân đội cách mạng do Đảng lãnh đạo, tiến hành chiến tranh cách mạng chính là chuẩn bị điều kiện để tiêu diệt hết thảy chiến tranh”6, Người cho rằng, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội không những xuất phát từ nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam, mà còn xuất phát từ yêu cầu xây dựng quân đội có sức mạnh vô địch để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cả nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Vì vậy, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đọc ngày 25-01-1953, Người khẳng định: “Đảng ta quyết lãnh đạo quân đội và nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ - mà càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ khó khăn - để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc”7.

dang lanh dao quna doi
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra đội quân chủ lực đầu tiên của các lực lượng vũ trang
- Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22-12-1944.  (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát).

Cụ thể hóa, thể chế hóa và luật hóa quan điểm trên của Đảng, trong Báo cáo trước Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Khóa I, kỳ họp thứ ba, một lần nữa được Người nhấn mạnh về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo về mọi mặt của Đảng đối với quân đội: “Then chốt thắng lợi của kháng chiến là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố công nông liên minh, củng cố chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển quân đội, củng cố Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt”8. Theo Người, Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội ta; là nguyên tắc cơ bản hàng đầu bảo đảm cho Quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Để giữ vững sự lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng thì cán bộ, chiến sĩ trong quân đội phải làm gì?

Đối với quân đội nói chung, Người huấn thị và tin tưởng: “Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta. Dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác - Lênin, với chí khí anh dũng của đội quân tất thắng, toàn Đảng ta đã đoàn kết hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, tiến lên lãnh đạo nhân dân lao động nước ta giành những thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà”9. Để chấp hành nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Người yêu cầu cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải ra sức học tập về mọi mặt, nhất là học tập chính trị và quân sự để trở thành người “quân nhân hoàn toàn”, luôn đi theo Đảng, phục tùng sự lãnh đạo và sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự. Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”10. Vì thế, Người yêu cầu: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”11. Trong đó, Người đặt “Trí” lên hàng đầu, đặc biệt phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về Chủ nghĩa Mác - Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hóa, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng nói chung.

Đặc biệt, đối với cán bộ chính trị - người trực tiếp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Người luôn khẳng định vai trò của cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên trong giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc bộ đội, thể hiện sâu sắc tinh thần: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”12. Vì thế, Người đặt yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ này: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: Ăn, mặc, ở, nghỉ, luyện tập, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc đến nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội”13.

Đối với các tướng lĩnh trong Quân đội, trong bài Phát biểu tại Lễ phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ cao cấp trong Quân đội, nói ngày 01-9-1959, Người căn dặn: “Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”14.

Về mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, Người nhấn mạnh: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”15.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng lãnh đạo quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đến nay vẫn giữ nguyên giá trị; đã, đang và sẽ là kim chỉ nam và là điều kiện tiên quyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới; để Quân đội ta luôn xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”16.

TS. Hà Sơn Thái
Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử
Tâm Trang (st)

--------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1
2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 6, tr.264
3, 8, 16. Hồ Chí Minh, sđd, tập 15, tr.410; tr.435
4, 9, 14. Hồ Chí Minh, sđd, tập 12, tr.420; tr.420; tr.273
5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 14, tr. 435
6, 10, 15. Hồ Chí Minh, sđd, tập 7, tr.592; tr.217; tr.76
7, 8. Hồ Chí Minh, sđd, tập 8, tr.34-35; tr.352
11, 12, 13. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.259; tr.484; tr.484