Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên

Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng tiên phong, chủ lực trong thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu của mỗi quốc gia, dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Theo quan điểm của Người: Muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Người cho rằng: “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết họp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”1.

Không chỉ nhìn nhận thanh niên là một lực lượng to lớn và mạnh mẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và Người luôn nhắc nhở các cấp bộ đảng, chính quyền, các đoàn thể phải chú ý chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” 2.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thanh niên xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, là những cán bộ kế cận của Đảng, phải giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên có phẩm chất đạo đức và năng lực: Có tài, có đức, “vừa hồng, vừa chuyên”. Vì vậy, Người yêu cầu thanh niên phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập, để nắm lấy tri thức, bồi dưỡng ý chí, nghị lực và tinh thần cách mạng, phục vụ Tổ quốc. Người nói: “Nói chung thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa” 3.

Cùng với yêu cầu thanh niên tự rèn luyện tu dưỡng, học tập, phấn đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta phải có trách nhiệm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên, trước hết là giáo dục đạo đức cách mạng. Theo quan điểm của Người, để trở thành những cán bộ cách mạng chân chính, thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng, là gốc, bởi: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…”, “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Theo Người, phẩm chất đạo đức, năng lực của mỗi con người “... Không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”4. Đối với thanh niên - những người đang trong quá trình tích lũy tri thức và hình thành nhân cách, thì việc giáo dục phẩm chất đạo đức, việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người “phải thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”.


tp hcm
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên
Ảnh minh họa: baomoi.com.

Xuất phát từ quan điểm thanh niên là thế hệ kế cận, là đội dự bị của Đảng, để thanh niên trở thành những cán bộ có đức, có tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình và xã hội phải quan tâm giáo dục thanh niên về đạo đức; đồng thời, mỗi thanh niên phải rèn luyện tư chất thông qua việc xử lý ba mối quan hệ chính: Đối với mình, đối với người và đối với công việc.

Đối với mình, mỗi thanh niên hãy xây dựng cho bản thân tinh thần yêu nước, tư tưởng trung với nước, hiếu với dân, thương dân, hết lòng phục vụ để được dân tin yêu, quý mến, để trở thành những người có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong quan hệ với người, cụ thể là quan hệ với cấp trên và cấp dưới, theo Người: “Chớ nịnh hót người trên, chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà, đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới”5. Đặc biệt, trong quan hệ với nhân dân phải: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”6.

Đối với việc, phải đặt việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”.

Trong việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị rất cụ thể, đó là lý tưởng sống vì Tổ quốc, vì nhân dân; kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn xung phong, gương mẫu trong mọi công việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ: “Thực hiện khẩu hiệu đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”7; và: “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”8. Người căn dặn, mỗi người thanh niên phải luôn suy nghĩ về nhiệm vụ của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh, phấn đấu chừng nào?”9.

 Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, để thanh niên có phẩm chất vừa “hồng”, vừa “chuyên”, trước hết là trách nhiệm của Đảng, của tổ chức đoàn thanh niên và các thế hệ đi trước. Giáo dục đạo đức cho thanh niên, với tư cách là người lãnh đạo, Đảng phải sâu sát phong trào thanh niên, kịp thời biểu dương những việc làm tốt, những hành động anh hùng, dũng cảm, sáng suốt của họ; luôn nhấn mạnh vai trò xung kích đi đầu của thanh niên trong các phong trào hành động cách mạng.

Tổ chức đoàn là người trực tiếp giúp Đảng giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, vận động thanh niên đi theo lý tưởng của Đảng; đồng thời tập hợp đông đảo thanh niên xung phong thực hiện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Được tổ chức đoàn dìu dắt, giúp đỡ, thanh niên không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên xứng đáng là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thông qua hoạt động, tổ chức đoàn phát hiện và giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng. Đoàn thanh niên là nguồn bổ sung lực lượng cho đội ngũ của Đảng, làm cho Đảng càng đông và càng mạnh.

Tuy nhiên, cần xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đường chính trị, thì thanh niên theo Đảng chỉ huy, nhưng việc làm thì thanh niên độc lập”10. Với vai trò của mình trong việc giáo dục đạo đức cho thanh niên, Người căn dặn: “Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên”11.

Một vấn đề hết sức quan trọng là phải quan tâm giáo dục đạo đức cho thanh niên, để thế hệ trẻ tiếp nối lý tưởng và con đường mà lớp cha anh đã lựa chọn. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài và hệ trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên và các thế hệ đi trước, không chỉ truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức lý luận, mà phải thực sự là những tấm gương trong mọi lĩnh vực công tác và trong cuộc sống, để thanh niên học tập noi theo.

Hiện nay, do tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường, một bộ phận thanh niên nặng về theo đuổi những giá trị vật chất tầm thường, mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Họ quen đua đòi, hưởng thụ, chạy theo những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội và cả “những tấm gương xấu”; sống thiếu lý tưởng, không có niềm tin, không có sự định hướng một cách đúng đắn. Do vậy, việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và quan trọng, để họ kế tục lý tưởng của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ, tích cực học tập, lao động sáng tạo, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và sức trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ thanh niên đã không quản ngại hy sinh xương máu, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt trên mọi lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017-2022) đã phát động 3 phong trào lớn là: “Phong trào Thanh niên tình nguyện”, “Phong trào Tuổi trẻ sáng tạo” và “Phong trào Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, cùng 3 chương trình đồng hành, hỗ trợ thanh thiếu nhi, bước đầu đạt những kết quả đáng khích lệ. Qua đó vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên ngày càng được khẳng định, góp phần xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tròn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Bác Hồ đi xa, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh và những chỉ dạy của Người về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên trong Di chúc mãi soi sáng, dẫn dắt các thế hệ thanh niên Việt Nam vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước./.

 PGS, TS. Trần Minh Hiển
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr.162.
2. Sđd, tập 12, tr. 510.
3. Sđd, tập 9, tr. 310.
4. Sđd, tập 9, tr. 293.
5. Sđd, tập 5, tr. 644.
6. Sđd, tập 4, tr. 47.
7. Sđd, tập 11, tr.219.
8. Sđd, tập 10, tr. 306.
9. Sđd, tập 7, tr.455.
10. Sđd, tập 2, tr. 295.
11. Sđd, tập 11, tr. 318.