Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
TƯ TƯỞNG “TRỌNG DÂN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

TƯ TƯỞNG “TRỌNG DÂN” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên được vị trí – vai trò cán bộ cách mạng đối với nhân dân hết sức sâu sắc. Đó là không có “ông quan cách mạng”, chỉ có cán bộ cách mạng là “đầy tớ của nhân dân”. Đảng và Nhà nước ta, một Đảng cầm quyền luôn đặt lợi ích toàn thể dân tộc Việt Nam lên hàng đầu và khi Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, và vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên được vị trí – vai trò cán bộ cách mạng đối với nhân dân hết sức sâu sắc. Đó là không có “ông quan cách mạng”, chỉ có cán bộ cách mạng là “đầy tớ của nhân dân”. Đảng và Nhà nước ta, một Đảng cầm quyền luôn đặt lợi ích toàn thể dân tộc Việt Nam lên hàng đầu và khi Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, và vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội, mà Người nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì được nghỉ ngơi…”.

Khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, Người đã khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”.

Nói về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”.

Bởi Người khẳng định: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh”. Cho nên: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng của mình gửi lại cho những thế hệ sau, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại phải kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ “Nhân dân”. Và những chữ “Nhân dân” Bác đều gạch dưới.

Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”, “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được… Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn căn dặn: “Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai… phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo”. Về cách học tập của người cán bộ cách mạng, trong mục “Học ở đâu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Luận điểm về con người của Hồ Chí Minh là luận điểm về các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, tin ở dân, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, phát huy năng lực của dân. Lực lượng cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng dân, có lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết”.

Trên Báo Nhân Dân, PGS.TS Ðức Vượng cũng đã nhận xét: “Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân, dân chủ với dân, thật sự tôn vinh nhân dân làm chủ xã hội là một tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người tận tâm suốt đời với sự nghiệp đấu tranh để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”.

Trích nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 394