Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Xây dựng mối đoàn kết trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Xây dựng mối đoàn kết trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nghiên cứu toàn bộ cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta có thể khẳng định một điều chắc chắn: Nếu tư tưởng về đại đoàn kết là dãy núi cao thì tư tưởng đoàn kết trong Đảng là ngọn núi cao nhất và đến nay tư tưởng ấy vẫn giữ nguyên giá trị.

Những luận điểm đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng

Vì sao phải xây dựng mối đoàn kết trong Đảng?

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, thành công là truyền thống vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta. Không phải ngẫu nhiên di sản tư tưởng - lý luận của Người, cụm từ “đoàn kết” được Người nhắc đi nhắc lại tới 2.174 lần, chỉ riêng cụm từ “đoàn kết trong Đảng” cũng có tới 9 lần. Đúng như Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Đến Cụ Hồ thì đại đoàn kết được xây dựng trên cả một lý luận, chứ không còn đơn thuần là tình cảm tự nhiên”. Xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất là hạt nhân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đó là vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong Di chúc của mình “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”1.

Sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết. Người nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của sự đoàn kết trong Đảng, nhất là đoàn kết chặt chẽ giữa các đồng chí cán bộ lãnh đạo; chỉ có vậy, Đảng mới được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế tạo thành sức mạnh vô địch để giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ bảy mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đọc ngày 12-3-1955 đăng trên Báo Nhân Dân, số 424, ngày 30-4-1955, Người cho rằng: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”2. Về vấn đề này, trong Bài nói tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 01-1959, Người tiếp tục đúc rút thành kinh nghiệm: “Kinh nghiệm của ta, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi là do lực lượng đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng”3.

Xây dựng mối đoàn kết trong Đảng như thế nào?

Về phương thức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, theo Người, một mặt, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng phải xây dựng trên cơ sở một mục tiêu, một lý tưởng thống nhất. Người chỉ rõ, Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Trong cách mạng Việt Nam, điểm tương đồng lớn nhất trước đây là cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chính mục tiêu, lý tưởng của Đảng là điểm tương đồng - mẫu số chung để quy tụ đoàn kết công nhân, nông dân, trí thức, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc để cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

xay dung moi doan ket trong dang
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ,
tỉnh Thái Nguyên đang gặt lúa mùa (1954). Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Mặt khác, theo Người, xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết thống nhất vững chắc phải trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi; đảng viên phải nêu cao ý thức kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Vì vậy, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người khẳng định: “Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”4. Cũng trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ bảy mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Người tiếp tục khẳng định: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình… Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, dưới nguyên tắc và chính sách của Đảng, toàn thể đảng viên và cán bộ từ Nam đến Bắc, bất kỳ mới, cũ, bất kỳ ngành nào, bất kỳ trong quân đội hay là ở địa phương, bất kỳ ở nông thôn hay là ở thành thị, phải đoàn kết chặt chẽ, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của mình; phải thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ”5.

Để đoàn kết trong Đảng, theo Người chỉ đoàn kết nội bộ thôi chưa đủ, mà phải mở rộng đoàn kết các lực lượng ngoài Đảng để tạo thành một khối thống nhất làm nên mọi thắng lợi. Khi phê phán “Bệnh hẹp hòi đối ngoại” của cán bộ, đảng viên, Người nhắc nhở: “Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng: So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết... Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi”6.

Đối với người đảng viên cộng sản, để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất thiết phải tu dưỡng về mọi mặt. Vì vậy, trong bài viết Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề “Đoàn kết trong Đảng, đấu tranh chống những khuynh hướng sai lầm, giữ kỷ luật sắt”7 là một trong bảy nội dung tu dưỡng quan trọng hàng đầu của đảng viên.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng hiện nay

Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, có đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo, với đội ngũ đảng viên kiên trung, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tạo nên những kỳ tích vẻ vang làm rạng danh non sông, đất nước. Có được kỳ tích vẻ vang đó trong hơn 90 năm lịch sử là do Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng nói riêng. Chính vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng hiện nay vừa là trách nhiệm chính trị đối với dân tộc và là nhu cầu phát triển tự thân của Đảng ta, vừa là tình cảm lớn lao của toàn Đảng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, vô luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào đều phải tuyệt đối quý trọng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết với các đảng, các nước anh em theo đúng yêu cầu Người “Cho nên chúng ta quý trọng và ra sức bảo vệ sự đoàn kết nhất trí - trong Đảng và trong nhân dân ta cũng như giữa các đảng và giữa các nước anh em - như giữ gìn con ngươi của mình”8.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng; một mặt, khẳng định giá trị bền vững của các luận điểm đặc sắc về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng của Người, cũng như những vấn đề cần bổ sung và phát triển hoặc bị thực tiễn vượt qua, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Ba là, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương. Đồng thời khắc phục bệnh dân chủ hình thức; khắc phục tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, coi thường ý kiến người khác, coi thường quần chúng, ngăn ngừa việc lợi dụng dân chủ để gây rối theo kiểu tự do vô chính phủ.

Bốn là, phải xây dựng tình đoàn kết trong Đảng trên tình thương yêu giai cấp gắn với gương mẫu, nghiêm cách trong tự phê bình và phê bình “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”9. Coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc để phát triển Đảng, là thang thuốc nhằm mục đích “trị bệnh cứu người”, qua đó củng cố và tăng cường kỷ luật của Đảng, phát huy dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; kiên quyết phòng, chống đoàn kết xuôi chiều, vô nguyên tắc.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng là đoàn kết, nhất trí và quyết tâm thực hiện thắng lợi hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sáu là, toàn Đảng quyết tâm giữ vững và thực hiện tốt lời thề trước anh linh của Người: “Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”10.

TS. Hà Sơn Thái

Theo Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tâm Trang (st)

----------------------

1, 9, 10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.622; tr.622; tr.628
2, 5. Sđd, Hồ Chí Minh, tập 9, tr.368; tr.368
3. Sđd, Hồ Chí Minh, tập 12, tr.35
4, 6. Sđd, Hồ Chí Minh, tập 5, tr.305; tr.278
7. Sđd, Hồ Chí Minh, tập 6, tr.298
8. Sđd, Hồ Chí Minh, tập 14, tr.33