Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Dạ hội hóa trang

Dạ hội hóa trang

Dạ hội hóa trang là hình thức sinh hoạt tập thể hấp dẫn, vui nhộn đối với thanh niên

Dạ hội hóa trang là hình thức sinh hoạt tập thể hấp dẫn, vui nhộn đối với thanh niên. Thông qua một hay nhiều chủ đề khác nhau, mọi người tham gia hội hóa trang bằng cách thay đổi trang phục, trang điểm, đeo mặt nạ, trùm khăn, đóng giả vai người khác để giao lưu, nhảy múa, vui chơi tạo không khí vui nhộn hấp dẫn, thú vị, từ đó dẫn đến những mối quan hệ thân thiện.

 

 Hai quy mô hóa trang thường được thể hiện trong dạ hội.

I.  Quy mô lớn:

Tất cả mọi người tham gia sinh hoạt tập thể đều hóa trang. Tổ chức với quy mô này, mỗi một cá nhân đều phát huy hết khả năng vốn có của mình, đóng góp tích cực cho dạ hội, tạo sự hấp dẫn bất ngờ, thú vị trong thiết lập các mối quan hệ. Tuy nhiên, Ban tổ chức sẽ khó điều khiển chương trình và hướng dẫn theo chủ đề đã định sẵn từ trước.

1. Cách chuẩn bị:

·     Thành lập ban tổ chức dạ hội, thông qua chủ đề đến từng đoàn viên, thanh niên, ví dụ: Trang phục của thanh niên thế kỷ 22, những người bạn bốn phương… Dựa vào chủ đề, mỗi người tự chọn trang phục và cách hóa trang riêng của mình.

·     Thống nhất thời gian, địa điểm , thực hiện.

·     Ban tổ chức có quyền kiểm tra, hướng dẫn góp ý hóa trang nhưng tuyệt đối giữ bí mật cho mọi người.

·     Chuẩn bị âm thanh, ánh sáng và lời dẫn chương trình.

·     Thông báo nội dung chương trình trước cho mọi người chuẩn bị.

2. Tiến hành:

·     Đúng giờ diễn ra dạ hội dùng ánh sáng mờ ảo hoặc dùng đống lửa (nếu tổ chức trong dịp lửa trại) tạo không khí huyền bí ban đầu. Dùng tiếng vọng đọc lời dẫn (tùy chủ đề mà viết lời bình cho phù hợp).

·     Dành thời gian đầu múa hát tập thể để mọi người làm quen nhau qua hóa trang.

·     Giới thiệu các “nhân vật nổi tiếng” phát biểu ý kiến hay biểu diễn một trò ảo thuật, bài hát, trò chơi… (có thể dùng phương pháp hái hoa dân chủ). Người tham dự có thể tự giới thiệu bằng phương pháp độc đáo, khôi hài, dí dỏm.

·     Tổ chức vũ hội tạo không khí thân mật giữa người tham gia.

·     Kết thúc dạ hội: ban tổ chức có thể phát phần thưởng khen ngợi, biểu dương các cá nhân, tập thể hay nhóm hóa trang tốt. Phần kết thúc có thể bỏ hóa trang để mọi người nhận ra nhau tạo sự bất ngờ vui vẻ.

II. Quy mô nhỏ:

Tham dự hóa trang chỉ có một nhóm người hay một vài người. Quy mô này thường được thực hiện đang xen trong một buổi dạ hội chung hay một buổi sinh hoạt chủ đề.

1. Công tác chuẩn bị:

-    Tìm chọn kịch bản, vở diễn, đoạn độc thoại, đối thoại hay thiết kế một tình huống, một sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày theo chủ đề được định sẵn nhu: ứng xử tâm lý, tình bạn, tình yêu, sinh đẻ có kế hoạch, ngoại giao…

-    Trên cơ sở các vấn đề trên tìm chọn những đoàn viên, thanh niên có khả năng hóa trang, có năng khiếu nói, hát, múa… để hóa trang thành các nhân vật ấn tượng, mới lạ.

-    Nghiên cứu chương trình chung, từ đó chọn thời điểm để thực hiện hóa trang cho hợp lý, tạo sự bất ngờ thú vị cho mọi người.

2. Tiến hành:

-    Khi đến thời điểm xuất hiện hóa trang cần đọc lời dẫn gây cảm hứng và sự chú ý ban đầu của mọi người.

-    Hóa trang xuất hiện thường gây cười nên bao giờ cũng dành ít phút làm động tác chào thân thiện khán giả.

-    Sắp xếp các tiết mục hóa trang phải đảm bảo tạo cho người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ lý thú khác và kết thúc bằng một tiết mục hóa trang gây ấn tượng mạnh.

-    Kết thúc phần dạ hội hóa trang, nên tổ chức cho tất cả mọi người tham gia xuất hiện lần cuối chào mọi người bằng động tác riêng của mình.

    Chú ý:

Khi hóa trang có thể đóng giả nữ, đóng giả người ngoại quốc, đóng vai các ca sĩ nhưng phải đảm bảo vui cười lành mạnh, không kệch cỡm thô thiển, thiếu văn hóa gây khó chịu cho mọi người và làm giảm đi hiệu quả giáo dục của buổi dạ hội.

Hóa trang phải đảm bảo dễ thực hiện, không cầu kỳ nhưng hấp dẫn. Phải bí mật, bất ngờ, gây được ấn tượng mạnh.