“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Câu nói ấy vang lên trong không khí trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào mùa Thu năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho cả dân tộc Việt Nam. Ngược dòng thời gian 74 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân tỉnh Hưng Yên cùng với cả nước đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8-1945, cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai sắp kết thúc. Sau khi đánh bại phát xít Đức, Ý ở phía tây, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật ở Viễn Đông. Quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật đã mau chóng bị đánh tan. Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh không điều kiện. Tại Đông Dương, tinh thần của quân đội Nhật hoang mang cao độ, chính quyền bù nhìn thực sự bị tê liệt. Thời cơ lịch sử đã đến, ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng công bố mệnh lệnh khởi nghĩa. Ngày 14 và ngày 15 tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp; Quốc dân Đại hội họp ngày 16 và 17 tháng 8-1945 ở Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật. Thành lập Uỷ ban giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời), đứng đầu là đồng chí Hồ Chí Minh. Người gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hày đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Ngày 16-8-1945, Kỳ bộ Việt Minh ra Thông báo khẩn cấp gửi các đồng chí chỉ huy các tỉnh. Trong đó, điều quyết định khẩn cấp số một là: Tước khí giới và chiếm các tỉnh lỵ (tập trung quân, lực lượng ở các phủ huyện để công kích tỉnh lỵ) có thể đến thuyết phục uy hiếp Tỉnh trưởng, đòi trao lại khí giới trong tỉnh cho ta.
Trước những chuyển biến quá nhanh chóng của tình hình chung, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nóng lòng chờ đợi trông ngóng lệnh tổng khởi nghĩa, để kịp thời đưa quần chúng nổi dậy. Với điều kiện giao thông liên lạc khó khăn, lệnh tổng khởi nghĩa chưa về kịp, các huyện thị, lực lượng cốt cán Việt Minh chờ đợi. Hằng ngày tin tức hoạt động từ chiến khu và các tỉnh xung quanh đã dội tới địa phương, cơ sở của ta ở các huyện cho hay: Binh lính ở các đồn huyện đang hoang mang, đã gấp rút chuyển bớt súng về tỉnh, việc canh gác có phần trễ nải. Một số tri huyện bị hút vào việc trông coi đê, vì nước sông lên rất to, nhiều lúc vắng mặt tại huyện đường.
Lực lượng của ta đã theo dõi, nắm sát được tình hình địch ở địa phương, biết chúng đang có nhiều sơ hở, mà quần chúng cách mạng sục sôi khí thế, đòi hỏi được hành động. Các cơ sở Đảng Việt Minh nhiều huyện đã dựa vào Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Trung ương Đảng chủ động tổ chức nhân dân nổi dậy tấn công vào các phủ huyện đường, tước vũ khí, hồ sơ, sổ sách của địch.
Trong khí thế tổng khởi nghĩa của cả nước, cuộc tấn công huyện đường Phù Cừ, tước vũ khí địch rạng sáng ngày 14-8-1945 là trận mở đầu cho tổng khởi nghĩa của cả tỉnh.
Ở huyện Phù Cừ, cơ sở của ta cho biết ở huyện đường địch đang rục rịch chuyển súng đi. Ngay tối ngày 13-8-1945, tại nhà cụ Vương Văn Cân (thôn Đông Cáp), Chi bộ Đảng đã tổ chức hội nghị các lực lượng Việt Minh huyện và quyết định đánh huyện đường vào rạng sáng ngày 14-8-1945. Việt Minh huy động lực lượng các thôn Đông Cáp, Đoàn Đào, Khả Duy, Long Cầu, Đồng Minh, Trần Xá, Nguyên Xá, Viên Quang, Ba Đông, Cát Dương, La Tiến, Phạm Xá, Trà Bồ, An Nhuế, Nại Khê cùng một số nơi khác. Với tổng số khoảng 50 người, vũ khí có hai súng chim, một súng Mútcôtông, một súng lục, còn lại là giáo, mác và các thứ vũ khí thô sơ khác.
Rạng sáng ngày 14-8-1945, lực lượng ta tiến vào bao vây huyện đường. Tri huyện đi coi đê vắng, thấy động tên cai ra lệnh bắn, ta bị thương một đồng chí. Ta vừa nổ súng, vừa kêu gọi địch đầu hàng, dựa vào nhân mối nên lực lượng ta vào được huyện lỵ, địch hoảng sợ ngừng bắn, vứt súng đầu hàng. Sau khi kiểm soát được tình hình, lực lượng Việt Minh xông vào huyện đường tịch thu đồng triện, tài liệu sổ sách đốt ngay giữa công đường, phá két bạc thu 12 vạn đồng (tiền Đông Dương) và một máy chữ, ngoài ra còn thu được 32 súng trường và một số đạn dược. Do chưa nhận được chỉ thị của tỉnh và Lệnh Tổng khởi nghĩa, nên huyện chưa thanh lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, nhưng thực chất chính quyền ở huyện Phù Cừ đã về tay nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng. Ngày 19-8-1945, thực hiện chủ trương của Ban Cán sự tỉnh và lệnh tổng khởi nghĩa, Chi bộ Đảng Phù Cừ lãnh đạo cuộc mít tinh tại khu vực gác Tam Quan chùa Đình Cao để thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng huyện.
Với khí thế thắng lợi của trận đánh huyện Phù Cừ, Việt Minh tiếp tục đánh úp ở các huyện trong địa bàn tỉnh. Chỉ trong vòng 4 ngày, từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, tuy chưa nhận được được lệnh khởi nghĩa nhưng tại các huyện Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Giang, Tiên Lữ chính quyền địch đã bị Việt Minh cùng quần chúng cách mạng đánh liên tiếp.
Đến ngày 18-8-1945, tỉnh Hưng Yên mới nhận được lệnh khởi nghĩa. Ban cán sự tỉnh cấp tốc mở hội nghị tại Thổ Cốc (huyện Yên Mỹ), dựa vào tinh thần Chỉ thị của Trung ương Đảng (12-3-1945) và Thông báo của Kỳ bộ Việt Minh (16-8-1945) căn cứ diễn biến cụ thể tại địa phương, Hội nghị quyết định: “Những nơi đã đánh úp huyện thì tổ chức mít tinh quần chúng, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, những nơi khác tiếp tục khởi nghĩa bằng biểu tình vũ trang của quần chúng. Ngày 22-8-1945 sẽ tổ chức tổng biểu tình, huy động lực lượng tự vệ, hội viên cứu quốc và đông đảo quần chúng nhân dân về chiếm tỉnh lỵ”. Nghị quyết của Ban cán sự tỉnh đã có tác dụng quan trọng trong việc hoàn thành quá trình khởi nghĩa của tỉnh Hưng Yên.
Sau khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, các huyện Yên Mỹ, Kim Động, Văn Lâm tiến hành Tổng tiến công vào huyện đường, buộc chúng phải đầu hàng, giao nộp sổ sách và vũ khí.
Tại tỉnh lỵ Hưng Yên, ngày 18-8-1945, ta dùng nhân mối, lực lượng quần chúng bên ngoài và binh lính lính trong trại làm áp lực thuyết phục, buộc địch phải giao trại Bảo an binh cho ta. Được tin trại lính đã vào tay lực lượng cách mạng, nhân dân và các khu phố treo cờ đỏ sao vàng, bọn Nhật bắt nhân dân ta hạ cờ, nhân đân đấu tranh bọn Nhật phải chịu.
Ngày 22-8-1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền trong cả tỉnh. Ngay từ sáng sớm, hàng mấy vạn quần chúng cách mạng, có vũ trang như: Súng, giáo, mác… giương cao cờ, biểu ngữ từ nhiều ngả đường hùng dũng nối tiếp nhau tiến vào Tỉnh lỵ. Với khí thế tưng bừng, dưới rừng cờ, rừng hoa, đoàn người hiên ngang tuần hành, thị uy trên các đường phố, qua dinh Tỉnh trưởng tiến về sân vận động tập trung mít tinh, hô vang khẩu hiệu cách mạng:
- Đả đảo chính quyền bù nhìn!
- Chính quyền về tay nhân dân!
- Ủng hộ Việt Minh!...
Trong cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh đã đọc Lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh bạn và Hà Nội. Đồng thời phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh. Tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Ngày 23-8-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên ra mắt. Đến ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng ở cơ sở trong toàn tỉnh đã căn bản được thành lập.
Cách mạng Tháng Tám thành công là kết tinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược, là kết quả của 80 năm chống ách thống trị thực dân, trực tiếp là 15 năm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lịch sử đã sang một trang mới cho nhân dân tỉnh Hưng Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng cuộc sống mới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn