Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Kinh tế Việt Nam 2020: Thăng trầm và Đột phá!

Kinh tế Việt Nam 2020: Thăng trầm và Đột phá!

            Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới, khi mà dịch COVID-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam nói riêng. Do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng cũng thể hiện sức chống chịu đáng kể, khi trong suốt thời gian qua Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch, thực hiện được thành công mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong bối cảnh nhiều nước và khu vực, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái. Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 2,91%, dựa vào kết quả trên Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới.

             Việt Nam 2020: Tỏa sáng trong một năm đặc biệt

            Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 281,5 tỉ USD, nhập khẩu 262,4 tỉ USD. Điều này có nghĩa là trong năm qua, Việt Nam đã xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp. Điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam trong năm qua là có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD và 31 mặt hàng trên 1 tỉ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật Bản,... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD. Một trong những chỉ số đáng chú ý là năng suất lao động của toàn nền kinh tế trong năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019.

            Một điểm sáng đáng ghi nhận khác là năm 2020, cả nước có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.235.600 tỉ đồng. Con số này giảm 2,3% về số lượng nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký so với năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỉ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Cho dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có đến 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020, tăng 11,9% so với năm 2019. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm qua là 179.000 doanh nghiệp, tăng 0,8%, tức trung bình mỗi tháng có 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

            Tuy nhiên, trong năm có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi tháng có khoảng 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

            Củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp

            Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành đã kịp thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gãy cung ứng. Cụ thể như: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19... Chính phủ đã kêu gọi củng cố năm mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế bao gồm thu hút đầu tư tư nhân trong nước, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế. Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ngành kinh tế sau khi sụt giảm đã có sự phục hồi và đóng góp lớn giúp nền kinh tế tăng trưởng dương, cùng với đó, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định.

            Trái ngược với lo ngại xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sẽ sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, động lực chính để nền kinh tế có sức chống chịu và đạt kết quả tốt như vừa qua xuất phát từ nền tảng là niềm tin và một tầm nhìn chung về phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ đã kiên định trong điều hành chính sách vĩ mô trước những sức ép mở rộng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... điều này quay trở lại củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, Việt Nam đã phát huy tốt vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ (2020 - 2021), gắn kết các ưu tiên tại ASEAN và LHQ, đề xuất sáng kiến thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa ASEAN với LHQ, cũng như lồng ghép nhiều ưu tiên của LHQ vào chương trình nghị sự khu vực, trong đó có đề cao bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận.

            Năm 2020 nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, khi thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Mức tăng trưởng 2,91% mà chúng ta đạt được là cao hơn so với mức dự đoán mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 10-2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua của Việt Nam nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước và khu vực, kinh tế trên toàn thế giới khi đang trong trạng thái suy thoái. Năm 2020 có thể xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên của cả toàn dân tộc ta.

Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN