Trong phiên làm việc chiều ngày 12/12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X đã thảo luận và biểu quyết thông qua một số nội dung sửa đổi, bổ sung điều lệ Đoàn khóa IX.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, sự chuyển biến của tình hình thanh niên, thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, Điều lệ Đoàn cũng bộc lộ một số điểm bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong giai đoạn mới.
Căn cứ nguyên tắc tập trung, dân chủ và kết quả biểu quyết của Đại hội,
Điều lệ Đoàn sửa đổi đã được thông qua với sự thống nhất cao
Từ thực tiễn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa IX, trên quan điểm, nguyên tắc đã đề ra, căn cứ kết quả nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn, để Điều lệ Đoàn khóa X phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác Đoàn, và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay.
Việc tiến hành sửa đổi Điều lệ Đoàn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Đoàn; chăm lo và phát huy sức mạnh của thanh niên Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Về bố cục, Điều lệ Đoàn sửa đổi gồm 12 chương, 42 điều (Điều lệ Đoàn hiện hành gồm 11 chương, 38 điều).
Chương II Điều lệ Đoàn hiện hành (nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Đoàn) quy định việc lập cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các cấp bộ Đoàn từ Trung ương đến cơ sở nhưng không tách riêng từng đối tượng, vấn đề, mà lồng ghép, đan xen dẫn đến kết cấu, bố cục của chương và từng điều không hợp lý, không thuận tiện cho quá trình nghiên cứu, tổ chức thực hiện Điều lệ.
Về phần “Những vấn đề cơ bản về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, diễn đạt lại cụm từ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thành “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Về đoàn viên, theo Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa IX, đoàn viên khi học tập, công tác ở đơn vị nào thì tham gia sinh hoạt Đoàn tại đơn vị đó. Đối với vấn đề sinh hoạt trên địa bàn dân cư thì không có quy định trong Điều lệ Đoàn mà chỉ quy định trong Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn “Đoàn viên có nhiệm vụ tham gia các hoạt động Đoàn ở địa bàn dân cư hoặc nơi cư trú”.
Bổ sung quy định “tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú” vào khoản 3, điều 2(mới), xem đây là nhiệm vụ của đoàn viên: “3. Liên hệ mật thiết với thanh niên…tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú”.
Về quy định thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm chủ trương mới, bổ sung quy định: “Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được thực hiện thí điểm một số chủ trương mới xuất phát từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi”, kết cấu thành khoản 2, điều 12 (mới).
Về việc cho rút tên khỏi Ban Chấp hành, sửa đổi quy định này theo hướng tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành trong xem xét, quyết định các trường hợp cụ thể: “Ủy viên Ban Chấp hành chuyển khỏi công tác Đoàn thì thôi tham gia Ban Chấp hành và cho rút tên trong kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành xem xét quyết định” (khoản 3 điều 9 mới).
Nêu rõ đối tượng khi bầu cử phải bỏ phiếu kín, Điều lệ Đoàn Khóa IX nêu: “…Riêng bầu các thành viên cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín”, sẽ thay cụm từ “bầu các thành viên cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn” bằng cụm từ “bầu Ban Chấp hành và các chức danh trong Ban Chấp hành; Ủy ban Kiểm tra và các chức danh trong Ủy Ban Kiểm tra; đại biểu dự Đại hội Đoàn cấp trên” vào khoản 1, điều 8 (mới) để cụ thể hơn các đối tượng khi bầu cử phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Về Đại hội trực tiếp bầu Bí thư bổ sung quy định: “Đại hội chi đoàn và Đại hội Đoàn các cấp được trực tiếp bầu Bí thư khi được sự thống nhất của Đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy Đảng cùng cấp” (khoản 4, điều 8 mới)…
Về vấn đề phân đoàn, thực tế hiện nay, có nhiều chi đoàn trong các doanh nghiệp, cơ quan có số lượng đoàn viên lớn, địa bàn hoạt động, công tác không tập trung... dẫn đến rất khó cho việc sinh hoạt và hoạt động tập trung của các chi đoàn, do vậy, nên quy định việc thành lập phân đoàn để tiện cho công tác sinh hoạt và quản lý đoàn viên, do đó bổ sung quy định: “Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn” (khoản 4, điều 17 mới).
Về vấn đề kỷ luật tổ chức Đoàn, theo khoản 2, Điều 28, Điều lệ Đoàn khóa IX quy định: “Đối với tổ chức Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán”, đề xuất sửa đổi như sau:
“ - Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
- Đối với cán bộ Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ (nếu còn là đoàn viên).
- Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.” (khoản 2 điều 32 mới).
* Đề nghị bổ sung Điều 35 (mới) để giải quyết mối quan hệ giữa vi phạm và tiến bộ; kỷ luật và xem xét giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật..., cụ thể như sau: “Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn thực hiện quy trình kỷ luật; công nhận tiến bộ, hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật, xóa hình thức kỷ luật và giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật đã tiến bộ và hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật”.
doanthanhnien.vn