Điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên là mở rộng không gian đô thị nhằm tạo điều kiện khai thác tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ - du lịch, phát triển đô thị thành phố Hưng Yên, để thành phố Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2015. Hiện nay, thành phố Hưng Yên đang hoàn thiện các bước tiếp theo trong quá trình điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố. Phóng viên Báo Hưng Yên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên về vấn đề này.
![Một góc thành phố Hưng Yên](http://baohungyen.vn/dataimages/201212/original/images195753_tpHY1.jpg) |
Một góc thành phố Hưng Yên
|
Phóng viên: Đề nghị ông cho biết mục đích, ý nghĩa và lộ trình thực hiện chủ trương điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên?
Ông Đỗ Xuân Tuyên: Ngày 17.10.2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 391-TB/TU về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngày 20.7.2012, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 14/2012/NQ-HĐND về Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020. Ngày 10.8.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1464/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 đồng thời UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND thực hiện việc xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên và thành lập mới 3 phường: Bảo Khê, Trung Nghĩa, Liên Phương thuộc thành phố Hưng Yên.
Theo Đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên thì trong tương lai thành phố sẽ mở rộng về phía Bắc, Tây Bắc, về phía Đông và phía Nam thành phố trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích của 3 xã Hoàng Hanh, Tân Hưng, Phương Chiểu huyện Tiên Lữ và 2 xã Phú Cường, Hùng Cường huyện Kim Động. Diện tích của thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính sẽ là 7342,07 ha, tăng 2643,92 ha với 17 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó gồm 7 phường và 10 xã).
Điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển thành phố Hưng Yên với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa – xã hội, khoa học – kỹ thuật và kinh tế của tỉnh, là đô thị nằm trong trung tâm đồng bằng Bắc bộ và là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Từ đó tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút nguồn lực đầu tư, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị nhằm xây dựng thành phố Hưng Yên theo hướng “xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại”, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Đến nay, HĐND các huyện Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên đã tổ chức kỳ họp HĐND bất thường nhằm thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính. Kết quả các Nghị quyết trên đã được thông qua với số phiếu biểu quyết đạt 100% số đại biểu HĐND tham dự kỳ họp.
Phóng viên: Việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên không tránh khỏi sẽ phát sinh một số khó khăn trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của bộ máy chính trị ở cơ sở. UBND thành phố đã có hướng xử lý như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Tuyên: Sau khi điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên sẽ không tránh khỏi phát sinh các vấn đề như: thay đổi địa bàn hoạt động của một số đại biểu HĐND cấp huyện; khắc đổi con dấu theo địa giới hành chính mới; bố trí, sắp xếp cán bộ; bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thay đổi một số khoản thuế, phí, lệ phí người dân phải nộp. Vì vậy, ngay trong tờ trình về việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên, UBND thành phố đã có những đề xuất, giải pháp cụ thể. Đó là:
Một là: Về việc thay đổi địa bàn hoạt động của một số đại biểu HĐND cấp huyện: Theo tổng hợp cho thấy sau khi sáp nhập 5 xã về thành phố Hưng Yên có 3 đại biểu HĐND cấp huyện và 124 đại biểu HĐND cấp xã. Trong trường hợp này các đại biểu HĐND sẽ là đại biểu HĐND ở đơn vị mới tương đương và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến hết nhiệm kỳ.
Hai là: Đối với việc khắc, đổi các con dấu sẽ thực hiện theo Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24.8.2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu.
Ba là: Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức được thực hiện theo qui định của Nhà nước trên nguyên tắc bảo đảm sự ổn định, hoạt động có hiệu quả của chính quyền các cấp và cán bộ, công chức.
Bốn là: Đối với nguồn kinh phí ngân sách và vốn đầu tư: hàng năm khi phân bổ dự toán ngân sách ngoài các qui định chung và dự toán ngân sách tỉnh giao và căn cứ nguồn thu của thành phố, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã sau khi sáp nhập về thành phố.
Năm là: Đối với các khoản thuế, phí, lệ phí: UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh giữ nguyên mức thu các loại thuế, phí và lệ phí đang áp dụng đối với 5 xã sáp nhập vào thành phố đến năm 2015.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!Báo Hưng Yên