Thôn Đông Khu hay còn gọi là giáo xứ Đức Ninh, xã Đức Hợp (Kim Động) có 228 hộ gia đình, 7 dòng họ cùng sinh sống. Với đặc điểm là thôn công giáo toàn tòng, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn khó khăn, song người dân nơi đây sống đoàn kết, phụng giáo hảo tâm, tốt đời đẹp đạo và là một trong những điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Ông Trần Văn Luật, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn cho biết: Hương ước của làng được xây dựng từ nhiều năm nay với những quy định về thực hiện nếp sống văn minh, nhân dân đồng tình thực hiện nghiêm túc như: Không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, hội họp; không thách cưới, cưới tảo hôn, không có lệ đón dâu hai lần và tích cực bài trừ mê tín dị đoan. Qua rà soát đến từng hộ dân về tiêu chí gia đình văn hoá mới đây cho thấy số hộ đạt tiêu chí tốt, khá là 208 hộ, chiếm 91%. An ninh ổn định, đời sống văn hoá tinh thần phong phú đã tạo điều kiện cho người dân hăng hái thi đua phát triển kinh tế. Hiện trong thôn có 24 hộ chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 18 hộ đã có hầm khí sinh học bảo đảm vệ sinh môi trường, tận dụng nguồn nhiên liệu sinh học phục vụ sinh hoạt… Ngoài ra, tận dụng lợi thế hệ thống giao thông được đầu tư cứng hoá tương đối hoàn chỉnh, thời gian gần đây hàng chục hộ dân khác đã đầu tư phát triển nghề TTCN, dịch vụ như: mộc, xây dựng, buôn bán lẻ… tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, văn hoá của Đông Khu được nhanh hơn.
Nhiều năm nay ở thôn Đông Khu không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp lớn. Bác Trần Xuân Lợi 75 tuổi, với 45 năm tuổi Đảng, từng chứng kiến biết bao đổi thay của địa phương, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác địa phương với nhiệm vụ tổ trưởng tổ hoà giải. Bác cho biết: Năm 2001, ngay sau khi được công nhận danh hiệu Làng văn hoá, thôn thành lập tổ hoà giải. Hơn 11 năm hoạt động của tổ hoà giải là chừng ấy thời gian các thành viên trong tổ nắm chắc tình hình dân cư. Mỗi khi thấy có mâu thuẫn ở gia đình, dòng họ hoặc khu dân cư nào, thành viên của tổ hoà giải được phân công phụ trách vùng đến tìm hiểu nguyên nhân từ nhiều phía, sau đó tham khảo ý kiến các thành viên trong tổ cách xử trí rồi mới đến gặp từng gia đình, đối tượng để đóng góp ý kiến. Với cách làm này mà mâu thuẫn, tranh chấp dù lớn hay nhỏ các bên liên quan đều chủ động bỏ qua mà không cần đến sự vào cuộc của tập thể tổ hoà giải. Điều đáng mừng hơn cả là từ năm 2010 đến nay trong thôn không xảy ra một vụ mâu thuẫn lớn nào…
Một trong những yếu tố tạo nên sự đoàn kết, nếp sống có lý có tình của người dân Đông Khu là thôn đã dành đất, vận động sức dân xây dựng nhà văn hoá, là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng, nâng cao ý thức ứng xử văn hoá, nếp sống nghĩa tình trong mỗi gia đình, dòng họ thì tủ sách văn hoá, pháp luật bước đầu trở thành “điểm tựa” cho người dân. Chị Phạm Thị Thương chia sẻ: Khi có việc, người dân chúng tôi tìm đến tủ sách pháp luật, nghiên cứu những vấn đề mình cần để có cách giải quyết hợp lý hợp tình...
Người dân Đông Khu sống ngoài bãi sông Hồng, đất đai quanh năm được phù sa bồi đắp, cây trái xanh tốt bốn mùa nên con người cũng thêm yêu cuộc sống, yêu văn nghệ, đặc biệt là các sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng, những làn điệu dân ca… Hiện câu lạc bộ văn nghệ thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” phục vụ các đợt sinh hoạt chính trị, sự kiện văn hoá của thôn được người xem đánh giá cao. Không ít tiết mục trở thành “thương hiệu” của đội văn nghệ Đông Khu và gây ấn tượng tốt tại các hội diễn quần chúng như tiết mục hát múa “Hát về những người mẹ Việt Nam anh hùng”, song ca “Tình ta biển bạc đồng xanh”… Đội bóng đá của thôn tranh tài ở giải thể thao cấp huyện cũng được đánh giá là một trong những đội có thứ hạng cao. Kinh tế còn nghèo, song phong trào chăm lo giáo dục thế hệ trẻ được các gia đình đặc biệt quan tâm. Hiện ngoài quỹ khuyến học của thôn thì các dòng họ đều xây dựng quỹ khuyến học, tổ chức vinh danh, phát thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập, điển hình là dòng họ Trần…
Đã hơn 11 năm được công nhận danh hiệu làng văn hoá, đến nay chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân thôn Đông Khu kiên trì giữ vững danh hiệu này. Để thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn hoá, Ban công tác mặt trận cùng có sự lãnh đạo của Ban chi uỷ và chính quyền thôn lập sổ theo dõi, phân loại đối tượng từng hộ, đánh giá mặt mạnh, yếu và nguyên nhân… từ đó phân công trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ, nếu cần thì đề xuất phương án giúp đỡ những hộ khó khăn. Mỗi quý, Ban công tác mặt trận chủ trì tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm, lấy đó làm căn cứ bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu thi đua “gia đình văn hoá”, “khu dân cư văn hoá”…
Tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, mới đây huyện Kim Động chọn Đông Khu làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư “3 không” gắn với phong trào toàn dân phòng chống tội phạm; chi bộ Đảng, chính quyền và nhân dân thôn Đông Khu đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hoá, sinh hoạt văn hoá, cũng như đời sống kinh tế của người dân bằng hàng loạt các chương trình phối hợp như: Uỷ ban MTTQ với chương trình xây dựng khu dân cư “3 không”; công an với phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm”; phòng NN-PTNT với chương trình phát triển kinh tế vùng bãi… Tin rằng, bằng những chủ trương đúng, việc làm cụ thể, khu dân cư Đông Khu tiếp tục là điểm sáng văn hoá.
Báo Hưng Yên