* Ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên chủ trì hội nghị
Ngày 17.9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý xây dựng 4 dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, khóa XIII, bao gồm Luật Việc làm; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Thịnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đào Thị Xuân Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan.
Dự thảo Luật Việc làm có 7 chương, 63 điều, các đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm thị trường lao động được nêu tại dự thảo; bổ sung người bị thu hồi đất vào đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; nên quy định rõ hơn quyền lợi cho lao động hợp đồng theo mùa vụ, lao động thất nghiệp khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn; bổ sung thêm phần xử lý những sai phạm đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật; đối với những lao động nông thôn có nhu cầu, ngoài việc được hỗ trợ kinh phí cho việc học nghề cần được vay vốn với mức vay cụ thể để kéo dài thời gian học nghề, tạo việc làm…
Đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng, đa số các đại biểu tán thành nội dung của dự thảo luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị việc bầu chọn, khen thưởng danh hiệu thi đua nên hạn chế các trường hợp là thủ trưởng, chú ý đến đa số công nhân viên, người lao động trực tiếp để khen thưởng hàng năm và khen thưởng đột xuất đúng người, đúng việc; quy định rõ hơn về những đối tượng khen thưởng, danh hiệu khen thưởng, bình xét thi đua; nên có quy định cụ thể về quy trình để xét danh hiệu thi đua cho các cá nhân được khen thưởng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch. Các đại biểu cũng cho rằng một số điều trong dự thảo luật chưa thể hiện được mối quan hệ giữa thi đua và khen thường, cần quy định thống nhất các hình thức khen thưởng…
Đóng góp vào dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, một số đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý khi đưa các loại giống lúa kém chất lượng cho người nông dân; biện pháp, chế tài cụ thể đối với tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nguyên tắc; trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý đối với người sử dụng sai quy định, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; có quy định cụ thể hơn nguồn ngân sách nhà nước đối với việc chống dịch, quản lý thuốc bảo vệ thực vật hoặc chống dịch…
Đối với dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, đa số các đại biểu đều nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật. Ngoài việc đóng góp sửa đổi một số từ ngữ trong văn bản dự án luật được hoàn chỉnh, các đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của một số bộ, ngành; đối với cấp tỉnh nên thành lập cơ quan phòng cháy chữa cháy thành một cơ quan độc lập; quy định cụ thể về việc cấp giấy thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy cho công trình trước khi đưa công trình vào sử dụng…
Các ý kiến đều nhất trí với quan điểm việc sửa đổi 4 dự án luật này là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan soạn thảo xem xét để hoàn thiện, trình kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Theo baohungyen.vn