Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Đối thoại chính sách giảm nghèo: Cách làm mới, sáng tạo

Đối thoại chính sách giảm nghèo: Cách làm mới, sáng tạo

Có mặt tại hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo ở xã Đại Tập (Khoái Châu) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, cảm nhận đầu tiên chúng tôi là không khí thẳng thắn, cởi mở trong đối thoại. Buổi đối thoại về các chính sách giảm nghèo đang thực thi tại địa phương thu hút sự tham gia của hơn 100 hộ nghèo trong xã.

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn của người dân tại buổi đối thoại cho thấy, mức độ tiếp cận của người nghèo xã Đại Tập đối với chính sách, dự án giảm nghèo tương đối tốt: 100% số người nghèo của xã được cấp thẻ BHYT miễn phí; 100% học sinh, sinh viên là con hộ nghèo được miễn, giảm học phí… Tỷ lệ hộ nghèo của xã Đại Tập hiện giảm còn 9%. Những nỗi lo, những nguyện vọng, kiến nghị được các hộ nghèo bày tỏ tại buổi đối thoại tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh, vay vốn… Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã giải đáp những thắc mắc về chính sách của hộ nghèo và cán bộ xã, thôn. Thông qua buổi đối thoại này, những hộ nghèo được phổ biến trực tiếp các chương trình vay vốn tín dụng, bảo hiểm y tế, chính sách về nhà ở cho hộ nghèo, chính sách về giáo dục, về dạy nghề cho người nghèo, xuất khẩu lao động... Từ đầu năm đến nay, 8 hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo đã được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, với sự tham dự của hơn 1000 hộ nghèo. Đây là cách thức được Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đánh giá là rất sáng tạo và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo.



Mỗi hộ nghèo một hoàn cảnh nhưng họ có chung hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn từ sự tự lực của gia đình cùng sự trợ giúp của cộng đồng. Chia sẻ với chúng tôi tại hội nghị đối thoại về chính sách giảm nghèo tại Văn Lâm, chị Nguyễn Thị Liệu ở thôn Lộng Thượng, xã Đại Đồng kể rằng, chồng chị đã mất 7 năm nay do bệnh động kinh, một mình chị xoay sở nuôi hai con nhờ 3 sào ruộng, đi làm thuê và chở rác thải sinh hoạt cho cả thôn. Cả hai con chị đều bị dị tật. Cháu lớn học hết lớp 7 phải bỏ học đi làm phụ mẹ nuôi em ăn học. Bây giờ cả 3 mẹ con đều đã được cấp thẻ BHYT người nghèo, được hỗ trợ tiền điện 30 nghìn đồng/tháng, được trợ cấp 180 nghìn/tháng… Chị bảo, chạy bữa ăn rau cháo hàng ngày với chị không quá khó, nhưng chị lo nhất lúc các con ốm đau thiếu tiền thuốc men, lúc mưa gió, cả 3 mẹ con lại lo nhà dột... Phát biểu tại buổi đối thoại, chị bày tỏ, mong muốn nhất hiện giờ là được hỗ trợ để xây, sửa lại nhà vì số tiền lớn quá sức chị…

Hai năm qua, 14 hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo đã được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, với gần 2000 người nghèo tham dự. Việc tổ chức đối thoại chính sách với người nghèo nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và các hiệu quả của các chính sách giảm nghèo giúp họ thoát nghèo như: chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, vay vốn.... Từ đó, ngành chức năng sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Các kết quả sau những cuộc đối thoại này được dùng cho việc lập kế hoạch và giám sát các hoạt động can thiệp trong giảm nghèo.

Đây là năm thứ hai tỉnh ta triển khai hình thức đối thoại chính sách giảm nghèo trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh nhằm bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Kết luận của đoàn kiểm tra Chính phủ đầu năm 2012 cho thấy, với hình thức đối thoại về chính sách giảm nghèo, tỉnh ta được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện đổi mới hoạt động nâng cao năng lực giảm nghèo cũng như gián tiếp giám sát, đánh giá việc thực thi các chính sách giảm nghèo. Với nhiều biện pháp đồng bộ, tỉnh ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, theo chuẩn mới, đã giảm từ 10,98% (năm 2010) xuống còn 8,4% (năm 2012). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 5%. Đời sống của hộ nghèo không ngừng được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công. 2 năm qua, bình quân mỗi năm tỉnh đã chi trả trợ cấp cho khoảng 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội. 100% học sinh, sinh viên là con hộ nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ một lần chi phí học tập. Hàng nghìn hộ được trợ giúp pháp lý miễn phí, được sử dụng nước sạch, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo đã giúp hàng chục nghìn người nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, hàng nghìn người được đào tạo nghề, có việc làm ổn định... Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở tỉnh ta vẫn thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo tuy đã và đang được triển khai, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Để góp phần nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo, nâng cao năng lực giảm nghèo, ông Vũ Ngọc Vinh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Theo kế hoạch giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015, hàng năm mỗi huyện, thành phố tổ chức 1 hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo nhằm xác định đúng hơn nhu cầu và ý chí, năng lực tham gia của người nghèo. Từ những ý kiến đóng góp trực tiếp của người dân, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, sẽ có kiến nghị, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Báo Hưng Yên


BÀI VIẾT LIÊN QUAN