Trong khuôn khổ diễn ra lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ tại xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên), nhân dân địa phương và phật tử thập phương đã góp công, góp của làm chiếc bánh chưng khổng lồ nặng trên 5 tấn đạt kỷ lục bánh chưng lớn nhất Việt Nam là lễ vật đặc biệt và ý nghĩa để dâng lên lễ Tổ.
Hàng năm, cứ đến tháng Ba âm lịch, lễ hội truyền thống đền Quốc Mẫu Âu Cơ lại được nhân dân địa phương tổ chức để tỏ lòng tri ân Mẫu Tổ Âu Cơ và các bậc Hiền Thánh năm xưa đã giúp Vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân Chiêm Tống. Vào dịp này, Ban tổ chức (BTC) lễ hội cùng nhân dân thường gói khoảng 1.000 chiếc bành chưng, bánh dày có khối lượng 500g/chiếc để dâng lên cúng tổ và phát cho người dân, phật tử về dự lễ hội. Tổ chức lễ hội năm nay, ngay từ cuối tháng Giêng âm lịch, BTC lễ hội đã có ý tưởng vận động nhân dân địa phương, phật tử thập phương đóng góp nguyên, vật liệu, công sức làm một cặp bánh chưng, bánh dày chay khổng lồ để dâng lên lễ Quốc Mẫu Âu Cơ, các vị vua Hùng và các bậc Hiền Thánh với ý nghĩa sự tích bánh chưng, bánh dày xuất phát từ thời Vua Hùng Vương tượng trưng cho “Trời tròn – Đất vuông”. Đồng thời gửi gắm vào đó những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với muôn dân trăm họ. Chiếc bánh chưng được hoàn thành đúng vào dịp diễn ra lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ từ 7- 10.3 âm lịch và giỗ tổ Hùng Vương vào 10.3 âm lịch là dịp để nhân dân về chiêm bái có cơ hội chiêm ngưỡng và thưởng thức bánh.
Trước khi bắt tay vào làm bánh, BTC lễ hội đã mở nhiều cuộc họp với các vị bô lão và nhân dân để bàn bạc về cách thức thực hiện và phân công việc cụ thể. Khi biết BTC lễ hội có ý tưởng làm chiếc bánh chưng, bánh dày lớn, từ ngày 1.2- 25.2 (âm lịch) đã có trên 70 người dân về đền quyên góp toàn bộ số nguyên, vật liệu cần thiết để làm bánh, bao gồm: 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đỗ xanh, 2 tạ đường trắng, 50kg dầu ăn, 1,4 vạn tàu lá dong, 1,5 tạ lạt tre, 25m3 nước sạch, 10 tấn củi…, trong đó người đóng góp ít nhất là 1kg gạo nếp, người đóng góp nhiều nhất là 1 tấn gạo nếp. Cùng với việc chuẩn bị các nguyên, vật liệu, BTC phải chuẩn bị chiếc khuôn bánh, nồi luộc bánh khổng lồ. Khuôn bánh có kích thước 2,25m x 2,25m x 0,8m được đóng từ 3 cây gỗ xoan có đường kính 60cm, chiều dài 3m; nồi luộc bánh có kích thước 3m x 3m x 1,2m có nắp vung, vòi thoát nước ở đáy nồi được làm từ 750kg tôn dày 2,5mm.
Đại đức Thích Minh Thông, Trưởng BTC lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ
nhận Bằng kỷ lục chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam
Nguyên, vật liệu đã chuẩn bị xong, công đoạn tiếp theo là rửa sạch, lau khô, cắt cuống 1,4 vạn tàu lá dong do 70 người thực hiện trong ngày 27.2 âm lịch. Ngày 28.2 âm lịch 70 người dân cùng đãi gạo, đỗ xanh, 30 người khuân lá dong từ chùa Hoàng Xá ra đền Quốc Mẫu Âu Cơ. BTC bầu ra ban gói bánh gồm 5 người có nhiệm vụ xếp lá dong vào khuôn bánh, các cạnh khuôn được xếp lần lượt 3 lớp lá dong, đáy khuôn xếp 5 lớp lá dong chồng lên nhau. Để tạo màu xanh đẹp mắt cho bánh, người dân giã 1 tạ lá giềng lọc lấy nước để trộn với gạo nếp sau khi đã đãi sạch và trộn cùng với các gia vị như muối, dầu ăn, hạt tiêu…; nhân bánh là đỗ xanh cũng được trộn đều với hạt tiêu, đường, dầu ăn… Sáng ngày 29.2, 70 người đã tiến hành đổ gạo nếp, đỗ xanh vào khuôn bánh theo tỷ lệ cứ 5cm gạo nếp thì rải 1 lượt đỗ đến khi đầy khuôn, lớp trên cùng là gạo nếp. Để chiếc bánh to mà vẫn chín đều cả bên trong, người ta đã dùng 24 chiếc ống trúc đục rỗng ruột, mỗi chiếc dài 1m cắm thẳng đều bên trong bánh để hơi nóng có thể thoát ra xung quanh trong khi luộc. Sau khi hoàn thành, mặt trên của bánh sẽ được phủ 7 lượt lá dong và bánh được gói chặt bằng 54 chiếc lạt tre, mỗi chiếc dài 9m.
Đối với công đoạn luộc bánh, muốn bánh chín đều, dền thì bánh phải được đun đều lửa liên tục trong nhiều ngày nên trong thời gian luộc bánh, BTC đã chia thành 3 ca trực/ngày, mỗi ca gồm có 25 người có nhiệm vụ giữ lửa, chế nước luộc bánh. Bếp luộc bánh được xây bằng gạch đỏ và đất bùn theo kiểu hình cống với kích thước 2,7m x 2,7m x 0,5m, đun được từ 6 cửa. Bánh được luộc liên tục từ 14 giờ ngày 29.2 đến 6 giờ sáng 4.3 âm lịch thì chín. Khi bánh chín người dân mở vòi tháo hết nước nóng và rửa sạch bánh 2 lần bằng nước nguội. Đến sáng 5.3 âm lịch, sau khi thực hiện nghi thức dâng hương thì tiến hành vận chuyển bánh lên sân khấu. Do chiếc bánh quá nặng, BTC đã phải huy động đến 2 chiếc máy cẩu loại 7 tấn và phải mất 3 giờ mới có thể đưa được chiếc bánh lên bệ trang nghiêm trên sân khấu. Bánh được lau chùi sạch sẽ và trang trí đẹp mắt để lễ Tổ và cho nhân dân chiêm ngưỡng.
Với khối lượng khổng lồ trên 5 tấn và kích thước 2,25m x 2,25m x 0,8m, chiếc bánh chưng do BTC lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ và nhân dân hoàn thiện đã phá kỷ lục chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam được công nhận trước đó vào năm 2007 nặng 2,7 tấn ở thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với chiếc bánh chưng khổng lồ, BTC lễ hội và nhân dân cũng làm chiếc bánh dày lớn nặng 5,5 tạ được ghép từ 30 chiếc bánh dày nhỏ có khối lượng khoảng 20kg/chiếc để tạo thành cặp bánh chưng, bánh dày lớn dâng lên lễ Tổ, các vị vua Hùng và phục vụ cho nhân dân địa phương, du khách thập phương đến với lễ hội chiêm ngưỡng, thưởng thức. Trong suốt thời gian làm chiếc bánh chưng khổng lồ này đã có tổng số trên 80 người dân tham gia làm bánh với khoảng 500 ngày công.
Phân phát bánh chưng cho nhân dân, phật tử về dự lễ hội
Ông Phạm Văn Dũng ở thôn Phượng Hoàng, xã Hùng Cường, một người dân tham gia làm bánh nói: “Trước đây tôi mới chỉ gói bánh chưng cho gia đình mỗi dịp Tết Nguyên đán còn đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp tham gia làm và chiêm ngưỡng chiếc bánh chưng lớn như vậy. Trong suốt quá trình làm bánh, tôi cũng như những người dân khác đều rất hào hứng và nhiệt tình thực hiện phần việc được giao để góp một phần công sức nhỏ bé hoàn thành cặp lễ vật đặc biệt dâng lên cúng Tổ”.
Bà Nguyễn Phương Lan, một du khách đến với lễ hội nói: “Mặc dù ở xa nhưng hàng năm, mỗi dịp đền Quốc Mẫu Âu Cơ mở lễ hội, tôi và gia đình lại tìm về chiêm bái. Năm nay lễ hội được tổ chức có phần long trọng và đặc biệt hơn bởi sự xuất hiện của cặp lễ vật bánh chưng, bánh dày khổng lồ, tôi và đông đảo phật tử thấy rất thú vị và ý nghĩa”.
Đại đức Thích Minh Thông, Trụ trì đền Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Hoàng Xá, Trưởng BTC lễ hội cho biết: “Là người có ý tưởng thực hiện cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ làm lễ vật dâng cúng tổ, tôi đã trực tiếp giám sát tất cả các khâu thực hiện từ chuẩn bị cho đến khi hoàn thiện cặp bánh để kịp thời gian phục vụ lễ hội và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành quả này của nhân dân địa phương, phật tử thập phương càng trở nên ý nghĩa hơn khi đúng dịp này đền Quốc Mẫu Âu Cơ vinh dự được nhận Bằng kỷ lục quốc gia ngôi đền Quốc Mẫu Âu Cơ có kiến trúc cổ nhất Việt Nam. Đây sẽ là động lực để BTC cùng với nhân dân địa phương tiếp tục bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp về kiến trúc ngôi đền và duy trì lễ hội những năm sau”.
Trong hai ngày 9- 10.3 âm lịch, BTC lễ hội cắt bánh và phát khoảng 12.500 suất bánh chưng, bánh dày cho nhân dân, phật tử đến tham dự lễ hội. Ngoài ra, bánh chưng, bánh dày cũng được BTC lễ hội phát cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hưng Yên… với mong ước mang may mắn, phước lành đến với tất cả mọi người.
Baohungyen.vn