Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Hưng Yên: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Hưng Yên: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

100% số hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn với lãi suất thấp; hàng chục nghìn lượt HSSV nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,94% năm 2010 xuống còn 5,09% năm 2013; trên 11.000 hộ thoát nghèo, đời sống của người nghèo ngày một cải thiện. Đặc biệt, toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc diện người có công và không có học sinh nghèo phải bỏ học… Đó là những con số biết nói mà Ban chỉ đạo giảm nghèo và việc làm tỉnh Hưng Yên tổng kết, đánh giá sau hai năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 và Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ “Về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020” trên địa bàn tỉnh.

Một trong những yếu tố làm nên kết quả trên là do tỉnh Hưng Yên đã vận dụng cách làm sáng tạo đó là đối thoại chính sách giảm nghèo. Tại buổi đối thoại, đại diện hộ nghèo được phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo như: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ y tế, chính sách về nhà ở, giáo dục - đào tạo, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề, xuất khẩu lao động và trợ giúp pháp lý. Đồng thời, hộ nghèo, những người làm công tác lao động - xã hội ở địa phương bày tỏ nguyện vọng, đề xuất ý kiến kiến nghị xung quanh nội dung chính sách giảm nghèo cũng như cách thức triển khai chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của các hộ nghèo, đặc thù địa phương… Sau khi tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp những thắc mắc và thống nhất cách làm tối ưu, khoa học nhất. Anh Nguyễn Đức Huy, xã Việt Hưng (Văn Lâm) là một trong số những gia đình thoát nghèo chia sẻ trong niềm xúc động: Gia đình tôi ít tư liệu sản xuất, tưởng chừng không lối thoát khi tôi không may gặp tai nạn rủi ro. Rất may, gia đình tôi được cộng đồng nhường cơm xẻ áo, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ tiền điện, tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, hỗ trợ xây nhà và được cấp thẻ BHYT... Tôi vừa được điều trị bệnh miễn phí vừa có động lực chăm lo, tảo tần phát triển sản xuất nên tinh thần, sức khỏe phục hồi mà kinh tế gia đình cũng dần vực dậy. Nay gia đình tôi tuy chưa thực sự khá giả nhưng đã tự trang trải được cho cuộc sống.

Cán bộ phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)
hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo

Ông Vũ Ngọc Vinh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian qua đã có 14 cuộc đối thoại giảm nghèo được tổ chức. Đây là hoạt động rất cần thiết để những cơ quan thực thi chính sách tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và các hiệu quả của các chính sách giảm nghèo giúp họ thoát nghèo như: chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, vay vốn.... Từ đó có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Cùng với hoạt động đối thoại chính sách giảm nghèo, tỉnh còn triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo”. Dự án gồm các nội dung cụ thể như: Nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông về giảm nghèo; giám sát và đánh giá công tác giảm nghèo. Theo đó, đã có trên 3,2 nghìn cán bộ làm công tác giảm nghèo được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện chính sách giảm nghèo, 26,5 nghìn tờ rơi, 200 đĩa hình tuyên truyền về chính sách giảm nghèo được chuyển đến tay người dân và cán bộ làm công tác tuyên truyền ở địa phương; 100% số xã, thị trấn được giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo… qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Hỗ trợ bê giống cho phụ nữ nghèo xã Chỉ Đạo (Văn Lâm)

Về vấn đề này, ông Lê Hữu Thuận, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh chỉ đạo chặt chẽ và tập trung triển khai thực hiện. Tỉnh ủy có Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 26.2.2011 về dạy nghề, việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 30.12.2011 về giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015. UBND các địa phương cũng đã xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình giảm nghèo, bố trí nguồn lực phù hợp; thành lập và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo và việc làm một cách hiệu quả. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngân sách địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân… mà điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. 100% số người nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, 27.546 lượt người được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 598 tỷ đồng. Riêng trong năm học 2012 - 2013 có 15.436 HSSV được miễn, giảm học phí và 12.614 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Tuy nhiên, mặc dù kết quả giảm nghèo rõ rệt nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và các khu vực dân cư còn lớn: tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ân Thi (10%) gấp 2,65 lần so với huyện Văn Giang (3,76%). Số lượng, tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng khó thoát nghèo còn nhiều như: người cao tuổi đơn thân, người khuyết tật nặng…

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% vào năm 2015 cần tăng cường và đa dạng hóa công tác truyền thông giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và xã hội, đặc biệt là người nghèo về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; tăng vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo và chủ động khai thác tối đa các nguồn lực nhằm tăng cường mức đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, tích cực, chủ động khai thác các nguồn lực từ Trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và cá nhân phục vụ cho công tác giảm nghèo; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo chuyên trách, xây dựng mạng lưới cộng tác viên làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo…

Theo baohungyen.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN