Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
KÍ ỨC 30.4 QUA CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NĂM XƯA

KÍ ỨC 30.4 QUA CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH NĂM XƯA

Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ là một chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta mà còn là mốc son lịch sử khi Bắc- Nam thống nhất, nước nhà độc lập. Trong thời khắc lịch sử ấy, đã có không ít người con của quê hương Hưng Yên đã khoác ba lô lên đường Nam tiến, mang theo sức trẻ và lòng quả cảm để góp phần làm nên chiến thắng cho dân tộc. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975- 30.4.2011), Phóng viên Báo Hưng Yên đã có dịp gặp gỡ những người lính năm xưa, ôn lại những hồi ức không quên ấy...

Sỹ quan Phạm Mạnh Tiến (xã Nhật Tân- Tiên Lữ): “Khí thế ngày giải phóng khiến tôi và đồng đội quên ăn, quên ngủ”

Ôn lại kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu gian khổ, người chiến sỹ Phạm Mạnh Tiến của Sư đoàn 304, Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 năm xưa không giấu cảm xúc của mình. Ông chia sẻ: “Đó là những ngày tháng hừng hực khí thế. Chúng tôi có những lúc vừa hành quân, vừa đánh địch lại vừa tuyên truyền vận động để đồng bào hiểu và theo bộ đội, đánh đuổi Mỹ, Ngụy. Con đường tới ngày giải phóng tuy gian nan, vất vả nhưng dường như tất cả chúng tôi quên ăn, quên ngủ mà hăng hái tiến lên”.

Nhập ngũ tháng 6.1974, ít lâu sau ông đã cùng đơn vị hành quân đến chiến trường Thượng Đức (Quảng Nam) vốn là khu vực giao tranh nổi tiếng ác liệt. Để mở màn cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, theo đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2, đơn vị ông bám đường 14 mà tiến vào Đà Nẵng. Sức trẻ dồi dào lại sớm được tham gia những trận đánh quan trọng, người chiến sỹ Phạm Mạnh Tiến khi ấy vô cùng xông xáo, dũng cảm, tuy thấp bé, nhẹ cân nhưng có thể sử dụng thuần thục những loại vũ khí hạng nặng bắn xe tăng, diệt lô cốt địch. Chiến thắng tại Đà Nẵng càng nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong ông và đồng đội. Ngay sau ngày giải phóng Đà Nẵng, đơn vị ông liền tập trung về Thúy Loan (Hòa Vang) để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho trận đánh mới.

Ông Phạm Mạnh Tiến

Đầu tháng 4.1975, đơn vị ông được lệnh phối hợp cùng một số quân chủ lực của ta dốc toàn lực cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Là lực lượng trực tiếp chiến đấu, đơn vị ông theo đường 1, vừa đánh địch, vừa nhằm hướng Sài Gòn thẳng tiến. Trận mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh mà ông Tiến trực tiếp tham gia chính là trận giải phóng Phan Rang, Phan Thiết. “Quân ta thế như chẻ tre, bao nhiêu sức lực của anh em chiến sỹ cứ nhằm thẳng quân thù mà đánh, địch không kịp xoay sở, đến tối ngày 26.4 thì ta giải phóng hoàn toàn Phan Rang, Phan Thiết”, ông Tiến nhớ lại. Và cũng ngay sau trận thắng ấy, theo kế hoạch vạch sẵn, đơn vị ông thọc vào căn cứ Nước Trong của địch, chính là trường huấn luyện thiết giáp của ngụy quân. Đến rạng sáng ngày 27.4, tiếp tục tiến đánh các cụm cứ điểm ngoại vi Sài Gòn. Khi quân ta tiến tới cầu Sài Gòn, địch chống trả quyết liệt. Ông Tiến khi ấy là pháo thủ số một đã trực tiếp sử dụng súng DKZ bắn phá lô cốt, xe tăng địch, yểm trợ cho bộ binh xông lên. Ông nhớ như in những cảm xúc khi ấy, mặc dù cả ngày không ăn gì, nồi cơm nấu dở cũng bỏ đi để kịp giờ lên đường, nhưng trong hàng ngũ của ta không một ai nao núng, mọi người đều nhìn nhau tin tưởng và quyết tâm. “Không biết sức lực lúc ấy ở đâu trỗi dậy, tôi không hề cảm thấy mỏi mệt, cứ nhằm thẳng xe tăng, lô cốt địch mà bắn, tiếng súng nổ chói tai khiến máu tai chảy ướt má mà vẫn không hề lơi tay súng”, ông xúc động nhớ lại. Cảm động nhất là khi quân ta tiến đến đâu, người dân Sài Gòn đổ ra đến đấy, ai cũng tươi cười hớn hở, cờ hoa phấp phới ủng hộ bộ đội giải phóng. Các bà, các chị còn chuẩn bị sẵn những gói cơm nắm với thịt trao cho bộ đội, cầm phần cơm trên tay ai cũng rưng rưng nước mắt.

Chống trả bất thành, địch tán loạn rút chạy, quân ta lại càng được thế tiến nhanh hơn tới dinh Độc lập. Hơn 11h sáng ngày 30.4, khi ông được lệnh cùng đồng đội truy bắt tàn binh tại dinh Độc lập, nhìn lá cờ đỏ của ta tung bay trên nóc dinh, niềm vui như vỡ òa, mọi người cùng ôm nhau mà reo hò sung sướng. “Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh và hàng triệu nụ cười chiến thắng của quân dân ta khi ấy chính là sự khẳng định đanh thép cho sự thất bại của Mỹ, Ngụy, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của ta, Bắc- Nam đã sum họp một nhà”, bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc thiêng liêng, ông Tiến nhắc lại với chúng tôi chiến thắng đầy ý nghĩa của dân tộc với niềm hạnh phúc, tự hào.

Đại tá Nguyễn Văn Măng (xã Đoàn Đào, Phù Cừ ): “Con đường Trường Sơn là huyết mạch chủ mang sức mạnh tổng lực của hậu phương ra tiền tuyến”

Trong câu chuyện với chúng tôi bên chén trà nóng, đại tá Nguyễn Văn Măng, nguyên là chủ nhiệm hậu cần của trung đoàn pháo thuộc Quân đoàn 3 Sư đoàn 320 không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những năm tháng chiến đấu hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc. “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, đường Trường Sơn huyền thoại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của tinh thần bất khuất, anh hùng của quân và dân ta, là tuyến đường huyết mạch mang sức mạnh tổng lực của hậu phương ra tiền tuyến”, đó là câu nói đầu tiên của ông khi nhắc đến những ký ức về một thời “không thể nào quên” trong cuộc đời binh nghiệp.

Nhập ngũ tháng 2.1959, sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau nhiều năm làm lính thông tin, rồi trực tiếp cầm súng chiến đấu ở khắp các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ông được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm hậu cần của Trung đoàn pháo mặt đất Quân đoàn 3 Sư đoàn 320. Công tác hậu cần đòi hỏi phải liên tục, thông suốt để bảo đảm quân nhu, súng đạn, quân trang, vận tải… cho các đơn vị chiến đấu và phụ thuộc rất lớn vào việc vận chuyển chi viện trên tuyến đường Trường Sơn. Vì vậy, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường Trường Sơn trở thành nơi diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa quân ta và quân địch. Máy bay địch liên tiếp rải bom, chất độc hóa học xuống nhằm ngăn chặn nguồn viện trợ từ miền Bắc vào. Ở nhiều nơi cây rừng bị tàn phá chỉ còn trơ trụi cành, nhiều khu vực bốc cháy. Những đợt tấn công của quân thù không ngăn được bước quân ta. Hàng nghìn tấn hàng hóa, đạn dược, vũ khí… vẫn được đưa vào chiến trường bằng nhiều hình thức như gùi trên lưng, chở bằng xe đạp, xe cút kít tự chế…

Ông Nguyễn Văn Măng

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 3 nhận nhiệm vụ tấn công trên một chính diện hẹp từ 7 đến 10 km nhưng có chiều sâu nhiệm vụ lên đến 100 km. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, đơn vị ông phối hợp với sư đoàn 316 đánh chặn sư đoàn 25 của Ngụy quyền tại Gò Dầu, Trảng Bàng, cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho quân địch điều các đơn vị ở Tây Bắc lui về chi viện. Trong giai đoạn 2, Quân đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, Phú Nhuận đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập. Từ khắp các ngả đường, nhân dân mang cờ, hoa ra chào đón chào đội quân thắng lợi.

Báo Hưng Yên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN