Nhằm đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) vào cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 và giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình truyền thông có hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” ở các thôn, xã trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh trên địa bàn Hưng Yên đã thành lập được gần 300 mô hình “CLB không sinh con thứ 3”. Mô hình này có sự phối hợp giữa Ban DS – KHHGĐ xã với hội phụ nữ, đoàn thanh niên và hội người cao tuổi. Với các hoạt động thiết thực như: tuyên truyền vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tư vấn các biện pháp tránh thai, phòng tránh thai ngoài ý muốn; trao đổi kinh nghiệm về cách làm mẹ an toàn, nuôi con theo khoa học…mô hình CLB không sinh con thứ ba đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ và phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Ông Vũ Văn Nhạ, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Hưng Yên cho biết: “Việc thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 là một giải pháp thiết thực góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Vì vậy, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các cấp hội phụ nữ và đoàn thể để nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh”.
Nhận biết được tầm quan trọng của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, năm 2005, Chi hội phụ nữ xã Trung Hòa (huyện Yên Mỹ) đã thành lập CLB không sinh con thứ 3 ở thôn Nội Tây. Những ngày đầu thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động chị em. Chị Trần Thị Hường, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Tranh thủ thời gian vào các buổi tối hay vào những lúc nông nhàn, chúng tôi đến từng nhà, vừa tâm sự vừa giải thích cho các chị em hiểu được lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, đẻ ít con. Ban đầu do có nhiều chị em trình độ học vấn còn thấp, mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn”. Ngoài việc đến từng nhà vận động, CLB còn lồng ghép nội dung tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch vào các buổi họp thôn, buổi sinh hoạt của đoàn thanh niên, hội nông dân, hội người cao tuổi để khuyến khích chị em tích cực tham gia. Ngày mới thành lập, CLB chỉ có 15 hội viên tham gia, đến nay, sau 7 năm hoạt động, số hội viên tăng lên 40 người. Định kỳ 3 tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần. Mỗi lần sinh hoạt theo một chủ đề, với mỗi chủ đề các chị em được phát tài liệu, sách báo để tham khảo, đồng thời các chị trong CLB thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của bản thân, qua đó giúp chị em trang bị thêm kiến thức về KHHGĐ và chăm sóc gia đình. Đến nay, 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở xã đều sử dụng các biện pháp tránh thai, 6 năm liền CLB không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Chị Nguyễn Thị Hảo, thôn Nội Tây (xã Trung Hòa, Yên Mỹ), thành viên CLB cho biết: “Từ khi tham gia CLB, tôi đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa thiết thực của việc sinh ít con. Mặc dù vợ chồng tôi sinh được hai con gái, nhưng chúng tôi quyết định không sinh tiếp, vì dừng lại ở hai con, chúng tôi có thêm điều kiện và thời gian để chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn”. Tham gia CLB, các chị em không những được tư vấn về kiến thức KHHGĐ, cách xây dựng gia đình hạnh phúc, lối sống văn minh, lành mạnh, phòng chống tình trạng bạo lực trong gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan mà còn phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Để giúp nhau trong phát triển kinh tế, các chị em sinh hoạt trong CLB đã thành lập tổ tiết kiệm, mỗi tổ gồm khoảng 10 thành viên, mỗi thành viên trong tổ đóng góp 1 triệu đồng/ tháng. Số tiền tiết kiệm được hàng tháng sẽ cho hội viên vay để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Đây chính là một cách làm hay và sáng tạo của CLB “Không sinh con thứ 3” thôn Nội Tây.
Mô hình CLB “Không sinh con thứ 3” không chỉ được phát triển ở Yên Mỹ mà còn được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, trong đó Ân Thi cũng là một điểm sáng về việc thực hiện mô hình này. Được thành lập từ năm 2009, đến nay, CLB “không sinh con thứ 3” của thôn Gia Cốc (xã Quang Vinh), đã thu hút gần 50 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia sinh hoạt. CLB đã chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, Chủ nhiệm CLB thì nhiệm vụ trọng tâm của CLB là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong thôn về DS – KHHGĐ cũng như tư vấn các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Tham gia CLB, chị em thường xuyên được cập nhật thông tin về đời sống, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như nâng cao kiến thức về KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với những hình thức tuyên truyền phong phú, đến nay, 100% chị em trong độ tuổi sinh đẻ của thôn đã tự nguyện đăng ký tham gia phong trào xây dựng gia đình theo tiêu chuẩn “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” với phương châm “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Nhờ đó cuộc sống của người dân trong thôn từng bước được cải thiện, không còn hộ nghèo. Bên cạnh đó, trẻ em sinh ra có điều kiện được chăm sóc hợp lý về dinh dưỡng, sức khỏe và được tiêm chủng đầy đủ nên không còn tình trạng suy dinh dưỡng… Chị Nghiêm Thị Chín, thành viên CLB tâm sự: ”Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông, nên tư tưởng phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường luôn thường trực trong tôi. Khi lập gia đình, tôi lại sinh được hai cô con gái. Lúc đó tôi rất chán và có ý định sinh tiếp cháu thứ 3. Biết được tâm lý đó của tôi, các chị em trong CLB đã đến động viên, phân tích điều hơn lẽ thiệt, giúp tôi nhận ra lợi ích của việc đẻ ít con. Từ đó, vợ chồng tôi tập trung vào làm ăn và nuôi dạy hai con học hành. Bây giờ, nhìn thấy các cháu ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, vợ chồng tôi thấy rất hãnh diện và tự hào”.