LTS: Cùng với cả nước, thực hiện Nghị quyết số 25/2008/QH12 ngày 14.11.2008 của Quốc hội, HĐND tỉnh khóa XIV có nhiệm kỳ 7 năm (2004- 2011) - thời gian hoạt động nhiệm kỳ dài nhất từ trước đến nay.Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XIV và chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2011- 2016), đồng chí Nguyễn Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có bài viết đánh giá hoạt động HĐND tỉnh khóa XIV. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
HĐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2004 - 2009) được cử tri trong tỉnh bầu ngày 25.4.2004 và kéo dài thêm 2 năm - đến năm 2011 - theo Nghị quyết số 25/2008/QH12 ngày 14.11.2008 của Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, bảy năm qua HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định, phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân.
Căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp là các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI đã đề ra và các nghị quyết của Tỉnh uỷ, nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã tiến hành 20 kỳ họp (thường lệ là 14, bất thường 4, chuyên đề 2). Qua đó đã ban hành 115 nghị quyết (nghị quyết chuyên đề là 32). Nhìn chung, các nghị quyết của HĐND đều đã quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết của Tỉnh ủy, đúng pháp luật và sát tình hình thực tiễn ở địa phương. Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua là ngoài việc quyết định những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, an ninh quốc phòng, HĐND tỉnh còn xem xét thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng như: Miễn thủy lợi phí trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc của các xã; chính sách ưu đãi tài năng; quy định mức phụ cấp đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn; chính sách tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học chính qui về làm việc tại xã. Các nghị quyết chuyên đề đã đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, được nhân dân quan tâm và đồng thuận cao. Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Những vấn đề mà HĐND tỉnh quyết định đã đi vào thực tiễn cuộc sống, là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Thực hiện quy định của luật, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tiến hành được nhiều cuộc giám sát có chất lượng, đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm, phát hiện kịp thời những sai phạm, kiến nghị được nhiều vấn đề cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các địa phương và các ngành hữu quan. Hàng năm, HĐND tỉnh, thường trực và các ban của HĐND tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện tốt chương trình giám sát đề ra. Trong nhiệm kỳ, thường trực và các ban HĐND tỉnh tổ chức được 145 cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực quan trọng và những vấn đề mà cử tri quan tâm như: Tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế -xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, môi trường, tiếp nhận các dự án đầu tư, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội, thực thi pháp luật... Qua giám sát, đã kiến nghị 725 nội dung để UBND các cấp, các sở ngành và cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, giải quyết. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhìn chung có ý thức trách nhiệm chấp hành nghiêm túc nội dung, chương trình giám sát của HĐND tỉnh. Sau các cuộc giám sát, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã thông báo kịp thời kết luận giám sát gửi tới UBND tỉnh, các ngành hữu quan, các đơn vị chịu sự giám sát xem xét, giải quyết.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân là một nội dung HĐND tỉnh rất coi trọng thực hiện. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, thành phố để tổ chức đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo trước kỳ họp. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức như: Tiếp xúc với đại diện cử tri của các xã, phường, thị trấn, trực tiếp với cử tri ở xã, phường, thị trấn, tổ dân phố; tiếp xúc theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... ở tất cả các hình thức tiếp xúc đều được chuẩn bị chặt chẽ về nội dung, địa điểm và thời gian tiếp xúc để cử tri tham gia. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri đều bảo đảm dân chủ, thẳng thắn và cởi mở, cử tri tham gia đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở có trách nhiệm xem xét giải quyết; tỷ lệ đại biểu HĐND tỉnh tham gia tiếp xúc đạt trên 95%. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, UBND các cấp, các ngành hữu quan đã nghiêm túc nghiên cứu và trả lời tại kỳ họp HĐND, những vấn đề quan trọng, bức xúc đều xác định thời gian xem xét giải quyết. Việc tiếp công dân, đôn đốc các cơ quan hữu quan giải quyết các kiến nghị, đơn thư tố cáo, khiếu nại của công dân được quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các ban và đại biểu HĐND đã tiếp nhận và đôn đốc giải quyết 958 lượt ý kiến, kiến nghị, đơn thư của công dân; các ý kiến, kiến nghị, đơn thư tố cáo khiếu nại của công dân được chuyển kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Một vấn đề quan trọng được HĐND tỉnh thực hiện, góp phần đem lại hiệu quả trong quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là công tác xây dựng chính quyền. HĐND tỉnh đã tiến hành kiện toàn các chức danh của HĐND tỉnh, UBND tỉnh; thông qua kế hoạch biên chế hành chính, sự nghiệp hàng năm; ban hành các chính sách liên quan đến chế độ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và một số đối tượng khác.
Trong nhiệm kỳ qua, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động, sáng tạo, phát huy trí tuệ để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thường trực HĐND tỉnh luôn phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung và các điều kiện cho các kỳ họp, thực hiện tốt nhiệm vụ chủ tọa, điều hành các kỳ họp theo đúng nội dung, chương trình đã được thông qua, bảo đảm các kỳ họp phát huy dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong thảo luận và nghiêm túc trong việc xem xét quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Bảo đảm mối quan hệ hài hòa về đối nội, đối ngoại và tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề với các tỉnh, thành phố trong khu vực và của Quốc hội. Các ban của HĐND tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung, chương trình đề ra; cùng với Thường trực HĐND, các ngành hữu quan chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh đạt kết quả tốt, các báo cáo của các ban nhìn chung được chuẩn bị kỹ, có chất lượng, sát thực với tình hình địa phương. Hoạt động của tổ đại biểu HĐND đã có chuyển biến tích cực, thể hiện ở việc phân công các đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát tại địa phương, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp. Các đại biểu HĐND đã thực hiện khá tốt chức năng là cầu nối giữa cơ quan dân cử với cử tri; luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến kiến nghị của cử tri và phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của cử tri tới cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: Đội ngũ chuyên viên giúp việc đa số là mới, ít kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu chuyên trách còn thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động. Một số đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian và tâm trí cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ người đại biểu; điều kiện và trình độ đại biểu không đồng đều, dẫn tới hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Một số kỳ họp xây dựng nội dung nhiều, công tác chuẩn bị các báo cáo, đề án còn chậm.
Nhìn chung, nhiệm kỳ 2004 - 2011 chất lượng hoạt động của HĐND đã được nâng lên, ngày càng phát huy được vai trò là cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Có được kết quả đó là do:
Thứ nhất: Có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là Tỉnh ủy đối với hoạt động của HĐND; đồng thời thường xuyên có sự hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo kiểm tra của Chính phủ.
Thứ hai: Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp năm 2003 đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, quy định tương đối cụ thể về tổ chức, phương thức hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, đã tạo hành lang pháp lý để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba: Có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội; của UBND tỉnh, ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và các địa phương trong tỉnh, sự trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động của các tỉnh bạn đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Thứ tư: Cơ cấu đại biểu nhìn chung đã có bước đổi mới, chất lượng được nâng lên, đại đa số đại biểu phát huy được trách nhiệm tham gia đóng góp vào hoạt động chung của HĐND; bộ máy tổ chức, Thường trực, các Ban của HĐND được kiện toàn từng bước.