Là một xã nằm ở ngoài đê, địa bàn rộng, dân số đông, số lượng cộng tác viên dân số không nhiều nhưng những năm qua, xã Tân Châu (huyện Khoái Châu) luôn là điểm sáng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình(DS-KHHGĐ).
Toàn xã hiện có 10.400 nhân khẩu, đa số sống bằng nghề nông. Những năm 90 trở về trước, do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, quan niệm “trọng nam, khinh nữ” còn khá nặng nề trong suy nghĩ của nhiều tầng lớp nhân dân, thậm chí nhiều gia đình đã “có nếp có tẻ” nhưng vẫn cố thêm “thằng cu” để có anh có em, nên số người sinh con thứ 3 trở lên ở xã còn cao, trung bình từ 15 - 17%. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ phát triển dân số của xã luôn giữ ổn định 0,7%; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai ở Tân Châu đạt trên 80%; tỷ lệ sinh con thứ ba giảm xuống còn 8,5% năm 2011; tỷ số giới tính khi sinh năm 2011 là 108 nam/100 nữ, thấp hơn mức trung bình toàn tỉnh. Có được kết quả trên là do sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban DS- KHHGĐ với các đoàn thể và đặc biệt là sự vào cuộc của các dòng họ.
Chị Đặng Thị Oanh, Phó ban chuyên trách DS –KHHGĐ của xã cho biết : “Chúng tôi luôn xác định tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách, pháp lệnh về dân số là nhiệm vụ quan trọng. Không chỉ tuyên truyền tại các cuộc họp chi bộ, họp sơ kết, tổng kết của xã, của thôn, các hội, đoàn thể mà còn tranh thủ những lúc đến thăm gia đình, trò chuyện với bà con, những người còn nặng nề với tư tưởng “con trai nối dõi”giúp họ hiểu để cùng tuyên truyền và thực hiện KHHGĐ.Với các chị em trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là sinh con 1 bề, chúngtôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kể cả lúc đi làm đồng, đi chợ… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người, vận động, tuyên truyền chị em dừng lại ở 2 con để phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn. Lúc đầu khi tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, sử dụng bao cao su, nhiều chị em tỏ ra e ngại nhưng đến nay mọi người đều hiểu hiệu quả và tác dụng của nó…”.
Ngoài tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp chi bộ, họp thôn, họp xóm, những cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà,rà từng đối tượng”trongđộ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Như vợ chồng anh chị Hoàng Văn Mười và Lê Thị Nức ở thôn Hồng Quang (xã Tân Châu), nhờ đồng lòng dừng lại ở 2 con nên đã có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn và phát triển kinh tế gia đình. Chị Nức tâm sự: “Mặc dù chồng tôi là con trưởng trong gia đình nhưng khi sinh được hai con gái, chúng tôi vẫn không có ý định đẻ tiếp. Vì chúng tôi nghĩ, con nào cũng là con, nếu cứ cố đẻ nhiều để được cậu con trai nối dõi tông đường thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, nhà nghèo nuôi dạy con sẽ khó khăn hơn, con cái không được học hành đầy đủ. Giờ đây, nhìn hai đứa con gái ngoan ngoãn, biết cách quan tâm tới bố mẹ, chúng tôi thấy quyết định dừng lại ở hai con của vợ chồng mình là đúng đắn”.
Cộng tác viên dân số đến từng nhà để tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch |
Để tạo sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức của người dân về việc sinh đẻ có kế hoạch, nếu chỉ dựa vào sự nhiệt tình, năng nổ của các cộng tác viên dân số thì chưa đủ. Vì thế, Ban DS - KHHGĐ đã tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND xã thành lập ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ với các thành viên gồm lãnh đạo xã và các ban, ngành, đoàn thể như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi. Các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với Ban Dân số xã, cộng tác viên dân số thôn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên mình thông qua các buổi sinh hoạt hàng tháng, hàng quý và coi việc thực hiện công tác DS – KHHGĐ là một tiêu chí bình xét thi đua cho các thành viên, các tổ chức. Nếu tổ chức, đoàn thể nào để xảy ra trường hợp sinh con thứ 3 sẽ bị phê bình, đánh giá vào kết quả thi đua hàng năm. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành nên công tác tuyên truyền, vận động sinh đẻ có kế hoạch ở Tân Châu luôn đạt kết quả cao.
Không chỉ có những cộng tác viên dân số hết mình vì công việc, sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể, những chuyển biến trong công tác DS- KHHGĐ ở Tân Châu còn có sự đóng góp không nhỏ của các dòng họ. Nhiều dòng họ trên địa bàn xã không quá coi trọng việc phải có con trai để nối dõi hương hỏa tổ tiên như dòng họ Lê, họ Đặng... Nhiều dòng họ đã đưa việc sinh đẻ có kế hoạch vào quy ước của dòng tộc, để hàng năm, mỗi dịp lễ tết, hay giỗ họ, thành viên nào thực hiện tốt quy ước trên sẽ được biểu dương, khen thưởng, các thành viên nào sinh con thứ 3 bị dòng họ nhắc nhở, khiển trách hoặc phạt theo quy ước.
Sự phối hợp chặt chẽgiữa Ban DS –KHHGĐ với các ban ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của các dòng họ, công tác DS –KHHGĐ ở Tân Châu những năm qua đạt được kết quả đáng khích lệ. Dân số ổn định, đời sống của người dân trong xã không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, trẻ đến trường đúng độ tuổi luôn đạt 100%, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.