Ngày 2.8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2010 và triển khai chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
![]() |
|
Dự hội nghị có các ông : Nguyễn Văn Thông, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; một số vị trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 10 năm qua, GTNT tỉnh Hưng Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã làm thay đổi căn bản về chất lượng đường; đến nay hệ thống đường huyện đã được rải nhựa 80%; cứng hoá được 70% các tuyến đường xã, đường thôn, liên xóm; đường ra đồng đã cứng hóa trên 10%. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh 1.324 tỷ đồng, trong đó 202,5 tỷ vốn ODA; 204,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước tỉnh; 561,3 tỷ đồng ngân sách nhà nước huyện, xã và nhân dân đóng góp 355,6 tỷ đồng cùng 536,3 nghìn ngày công lao động xây dựng GTNT. Toàn tỉnh đã sửa chữa nâng cấp được hơn 1.856 km đường các loại; xây dựng được 116 chiếc cầu các loại và xây dựng, cải tạo được 2.335 cống các loại. Năm 2006, tỉnh đã hoàn thành dự án GTNT 2, nâng cấp được 340 km đường thuộc 136 tuyến đường, xây dựng 49 cầu. Tỉnh đang thực hiện dự án GTNT 3 giai đoạn 1.
Giai đoạn 2012-2020, tỉnh xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GTNT phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và từng bước đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa nông thôn. Cụ thể là tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về các trung tâm xã, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân sống ở khu vực nông thôn, góp phần giảm phương tiện cơ giới cá nhân. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%. Tối thiểu 50% các đường thôn xóm được cứng hóa, đạt loại A, theo tiêu chuẩn 22 TCN 210-92, trở lên; 45% các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Từng bước kiên cố hóa cầu cống trên đường Giao thông nông thôn. Phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Dự kiến khối lượng đường GTNT cần phải đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 như sau: đường trục thôn, xóm cần nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn là 689,44 Km; đường ngõ, xóm cần nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn là 806,9 Km; đường trục chính nội đồng cần nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn là 1.182,72 Km. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng. Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường Giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Thông đã nhiệt liệt biểu dương các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển giao thông nông thôn trong những năm qua. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện chiến lược phát triển GTNT giai đoạn 2011-2020 trong thời gian tới, phải được gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an toàn giao thông trong cả hệ thống; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giao thông nông thôn gắn với đảm bảo an toàn giao thông tại địa phương; Các địa phương phải sớm hoàn thành công tác quy hoạch và đề án phát triển nông thôn mới; Huy động nhiều nguồn lực cho phát triển GTNT; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong xây dựng GTNT; Đầu tư phát triển GTNT phải gắn liền với công tác quản lý, bảo trì và đảm bảo an toàn giao thông để phát triển GTNT bền vững. Các ngành chức năng cần tham mưu đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách đầu tư xây dựng đường GTNT cho phù hợp giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần xây dựng kế hoạch 05 năm, từng năm trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ của Chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn để tỉnh dành nguồn lực cho phát triển GTNT trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời tăng cường kinh phí thêm cho các dự án phát triển GTNT đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Nội vụ có phương án kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý GTNT ở các địa phương (tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo quản lý được hạ tầng giao thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển GTNT.