Sáng nay, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ký tuyên bố chung về ý định hợp tác trong hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng.
Ông Michael F. O’Brien, Phó Giám đốc phụ trách các quan hệ quốc tế và quan hệ liên tổ chức của NASA và ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã đại diện hai bên ký kết văn bản hợp tác trên.
Theo đó, hai bên đã ký thỏa thuận về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong phát triển kinh tế xã hội, vấn đề thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, trao đổi dữ liệu quan sát vệ tinh, phát triển nguồn nhân lực, chương trình giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam hiểu viết về khả năng ứng dụng của công nghệ vũ trụ.
Ông Dương Ngọc Hải, phó chủ tịch VAST (bên trái) và ông Michael F. O’Brien ký hiệp định chung. |
Đại diện NASA cho biết, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin để các nhà khoa học Việt Nam có thể sử dụng dữ liệu trong hoạt động khoa học và ứng dụng vào phát triển kinh tế xã hội.
"Việc ký hiệp định tuyên bố chung này, NASA sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ vũ trụ để kiểm soát thiên tai như sóng thần, lở đất, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là chú trọng tới hợp tác đào tạo nhân lực cho các ngành hợp tác", ông O’Brien nói.
"Đây là lần đầu tiên VAST và NASA ký thỏa thuận sau hơn 2 năm đàm phán. Sau khi ký kết bản khung này, chủ tịch VAST sẽ có kế hoạch chi tiết bàn bạc về từng nội dung thực hiện", ông Phạm Anh tuấn, giám đốc trung tâm vệ tinh quốc gia cho biết.
Theo ông Tuấn, NASA đứng đầu thế giới về kinh nghiệm vũ trụ hàng không hơn 50 năm qua. Trong khi ở Việt Nam, chính phủ mới phê duyệt chương trình vũ trụ được 5 năm nay, do đó chúng ta rất cần thông tin mang tính toàn cầu về vũ trụ, ký kết với NASA, tức là Việt Nam tham gia các chương trình vũ trụ mang tính toàn cầu hơn.
Giáo sư Châu Văn Minh, chủ tịch VAST nói: "Việt Nam là quốc gia thứ 122 tham gia ký kết tuyên bố chung này với NASA. Trên cơ sở hợp tác này, các viện sẽ triển khai các chương trình hợp tác cụ thể".
Ông Minh cho rằng, vấn đề vũ trụ là vấn đề toàn cầu, chứ không riêng quốc gia hay một khu vực nào. Cả Việt Nam và NASA đề có mối quan hệ tương tác với nhau, cùng hợp tác và hỗ trợ trong việc trao đổi thông tin số liệu để giúp NASA đưa ra các cảnh báo biến đổi khí hậu trong khu vực và toàn cầu một cách chính xác nhất.
Theo dự kiến, cuối năm 2012, chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu ở 10 nước ASEAN sẽ thực hiện bằng các dữ liệu vệ tinh với sự giúp đỡ của NASA.
Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, NASA sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ vào chiều nay, va thăm Khu công nghệ cao TP HCM vào sáng mai.
Với cương vị Phó Giám đốc phụ trách các quan hệ quốc tế và quan hệ với các tổ chức khác của NASA, ông O’Brien chịu trách nhiệm về mối quan hệ của NASA với các văn phòng và cơ quan thuộc Chi nhánh điều hành, các quan hệ quốc tế cho từng Ban điều hành các nhiệm vụ của NASA, quản lý các chương trình kiểm soát xuất khẩu và chuyển giao công nghệ quốc tế; Văn phòng Lịch sử của NASA, các hội đồng và uỷ ban tư vấn của NASA. Trước khi nắm giữ cương vị Phó Giám đốc, ông O’Brien là Phó Trợ lý Giám đốc phụ trách các Quan hệ đối ngoại (Chuyến bay vào vũ trụ). Ông chịu trách nhiệm về khía cạnh quốc tế của các chuyến bay vào vũ trụ của con người của NASA. Ông lãnh đạo nhóm đàm phán các thoả thuận về các Trạm Vũ trụ Quốc tế với các cơ quan vũ trụ của châu Âu, Nhật Bản, Canada và Nga. Ông cũng chịu trách nhiệm về các thoả thuận liên quan tới các chuyến bay của tàu con thoi cho các phi hành gia quốc tế và các quan hệ của NASA với các cơ quan vũ trụ khác, như các cơ quan của Israel, Trung Quốc và Ấn Độ. |
Vnexpress.net