Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Cộng đồng quốc tế cứu đói tại khu vực Sừng châu Phi

Cộng đồng quốc tế cứu đói tại khu vực Sừng châu Phi

Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong suốt 60 năm qua tại khu vực Sừng châu Phi và xung đột vũ trang tại khu vực này đã và đang ảnh hưởng tồi tệ tới cuộc sống của hơn 12 triệu người. Khu vực khốn cùng này của thế giới rất đang cần sự trợ giúp khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.


Trẻ em - nạn nhân của xung đột vũ trang và nạn đói ở Đông Bắc Phi


Liên hợp quốc vừa tuyên bố nạn đói đã ảnh hưởng tới 5 khu vực tại Somalia, còn Kenia và Etiopi cũng bị ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua ở Đông Phi. Trong suốt thời gian vừa qua, nguồn nước và thực phẩm cung cấp cho hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi đã bị cạn kiệt nhanh chóng. Hàng ngàn người đã phải di cư hàng ngàn km để tới các trại tị nạn để tránh phải đối mặt với cái chết đang rình rập hằng ngày.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hiện có thêm hơn 370.000 người đang phải di cư khỏi Mogadishu (Somalia) do chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán và nạn đói. Chỉ tính riêng trong tháng 6, hơn 27.000 người đã buộc phải sống tị nạn tại đây sau khi đã chạy trốn khỏi các khu vực lân cận - chủ yếu là Bay, Bakool và Hạ Shabelle - tất cả đều bị tác động nặng nề bởi hạn hán.

Trong khi đó, tại Kenya, các dòng người tị nạn từ Somalia vẫn tiếp tục tăng lên không ngừng. Tháng 7 vừa qua, hơn 40.000 người Somalia đã đến sống trong các trại tị nạn ở Dadaab. Đây là số lượng người tị nạn nhiều nhất trong lịch sử 20 năm của trại tị nạn này. Năm nay, khoảng 116.000 người tị nạn Somalia đã đổ xô đến Dadaab.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), mới đây đã phát đi lời kêu gọi khẩn cấp tới toàn thế giới tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho khu vực này với tổng khoản tài chính cần thiết 120 triệu euro để giúp châu Phi từng bước thoát khỏi thảm cảnh vốn đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/7, Tổng Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Rashid Khalikov, khẳng định OCHA đã tăng khoản kinh phí kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho khu vực Sừng châu Phi lên 2,48 tỷ USD để cứu lấy sự sống cho 12,4 triệu người hiện đang phải gánh chịu hạn hán. Tuy nhiên, Liên hợp quốc hiện mới chỉ nhận được khoản kinh phí trị giá 1 tỷ USD trong tổng số 2,48 tỷ USD được yêu cầu, vẫn còn 1,48 tỉ đô la thiếu hụt để trợ giúp nhân đạo cho những người hiện đang bị đói để họ có thể tiếp tục duy trì sự sống.

Nạn đói đã được tuyên bố trong khu vực Hạ-Shabelle và Nam Bakool trong miền Nam Somalia; 6 khu vực khác của Somalia cũng có nguy cơ phải gánh chịu nạn đói trong hai tháng tới. Giám đốc OCHA cho biết: “Tình hình đang rất nghiêm trọng và diễn biến theo chiều hướng xấu”. “Nguy hiểm chính là nạn đói đang ngày càng lan rộng ra cả các khu vực khác của Somalia”, ông nói thêm.

Gần đây nhất, ngày 27/7 vừa qua, Cơ quan cứu trợ lương thực của Liên hợp quốc đã bắt đầu vận chuyển hàng cứu trợ tới thủ đô Mogadishu của Somalia. Chuyến hàng cứu trợ này là chuyến đầu tiên trong các hoạt động của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) kể từ khi hoạt động này bị cấm bởi lực lượng nổi dậy Islamist năm 2009.

Ông David Orr – người phát ngôn của WFP phụ trách khu vực Đông và Trung Phi cho biết: Hàng cứu trợ được vận chuyển bằng máy bay và đã hạ cánh an toàn tại sân bay Mogadishu. Chuyến bay mang theo 14 tấn thực phẩm dinh dưỡng cho những trẻ em đang phải sống trong các khu lều trại ở Mogadishu. Ông cũng cho biết, những chuyến hàng cứu trợ tiếp theo sẽ được vận chuyển tới Somalia trong những ngày tới để giúp đỡ người dân trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo vẫn gia tăng tại quốc gia này.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức phê chuẩn khoản tài chính trị giá 500 triệu USD, trợ giúp khu vực Sừng châu Phi ứng phó với nạn đói đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Quyết định tài trợ của Ngân hàng Thế giới được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Hội nghị cấp Bộ trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được tổ chức tại Roma (25/7). Khoản kinh phí này sẽ được bổ sung vào khoản tài chính trị giá 12 triệu USD vốn đã được giải ngân để “hỗ trợ tức thì cho những người bị tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng”. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, khẳng định: “Các gói cứu trợ lập tức là ưu tiên trước hết và điều quan trọng là phải phản ứng nhanh để giảm các thiệt hại về con người”.

Ngày 1/8, Chính phủ Pháp, đã thông báo cho biết, nước này sẽ tăng gấp 3 lần khoản trợ giúp (tức là từ 10 lên 30 triệu euro) cho khu vực Sừng châu Phi. Người phát ngôn của chính phủ Pháp khẳng định, răng Pháp mong muốn “tiếp tục tăng cường hơn nữa” sự trợ giúp.

Cũng trong ngày 1/8, chính phủ Phần Lan thông báo sẽ cung cấp khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 5 triệu euro dành cho các nước thuộc khu vực Sừng châu Phi bị tác động bởi nạn đói.

Ngoại trưởng Phần Lan tuyên bố khoản hỗ trợ này sẽ được chuyển qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Chữ thập đỏ Phần Lan và Tổ chức Cứu trợ Công giáo Phần Lan. Trong đó, 3 triệu euro sẽ được chuyển cho WFP, 1,1 triệu euro cho Tổ chức Chữ thập đỏ và 900.000 euro cho Tổ chức Cứu trợ Công giáo.

Ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn khoản tiền trị giá 105 triệu USD dành cho các hoạt động nhân đạo tại vùng Sừng châu Phi để chống nạn hạn hán và nạn đói đang ngày một trầm trọng tại khu vực này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Jay Carney cho biết khoản tiền này sẽ giúp cung cấp lương thực, lều trại, nước uống, thiết bị vệ sinh và dịch vụ y tế cho những nạn nhân đang cần sự giúp đỡ.

Tuy nhiên, các khoản trợ giúp dù đã được phê duyệt, những công tác tổ chức cứu trợ vẫn đang còn rất nan giải vì nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là tình hình an ninh phức tạp tại khu vực. Ở Somalia, nhóm Al-Shabab và al-Qaeda đã kiểm soát những vùng rộng lớn ở miền Nam và miền Trung, áp đặt một lệnh cấm các tổ chức cứu trợ quốc tế vào vùng lãnh thổ của mình kể từ năm 2009, nhưng gần đây đã cho phép tiếp cận một cách hạn chế.

Theo Cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên hiệp quốc, nếu viện trợ không được gia tăng phù hợp với những nhu cầu ngày càng tăng tại vùng này, nạn đói tại hai khu vực thuộc Somalia có thể lan sang toàn vùng còn lại của miền nam Somalia trong vòng từ một đến hai tháng./.

Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN