Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng sức ép lên chính quyền Syria

Cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng sức ép lên chính quyền Syria

Trước tình hình bất ổn ngày càng có dấu hiệu leo thang tại Syria, cộng đồng quốc tế đang tăng áp lực nhằm hối thúc các nhà cầm quyền tại quốc gia Trung Đông này ngừng các biện pháp trấn ápngười biểu tình.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (phải) trong buổi đối thoại
với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) tại Damascus ngày 9/8


Mới đây nhất, trong cuộc thảo luận kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus ngày 9/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã kêu gọi nhà lãnh đạo này ngừng các hành vi “giết chóc” người biểu tình. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng vừa tiết lộ, chính quyền Tổng thống Obama hiện đang chuẩn bị đưa ra một “lời yêu cầu dứt khoát” về sự ra đi của ông al-Assad.

Theo một nhóm nhân quyền Syria, thậm chí ngay cả khi đang tiến hành đối thoại với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội của ông al-Assad vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các khu vực “cố thủ” của người biểu tình và khiến hơn 20 người thiệt mạng. Số liệu mới nhất do các nhóm nhân quyền vừa công bố cũng cho thấy, đã có tới 1.700 người thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Syria hồi tháng 3/2011. Riêng cuộc tấn công do quân chính phủ phát động vào thời điểm bắt đầu tháng Ramadan của người Hồi giáo cách đây 1 tuần cũng đã khiến vài trăm người thiệt mạng.

Chuyến đi của ông Davutoglu tới Damascus được thực hiện theo lời yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy trì các mối quan hệ kinh tế - ngoại giao gần gũi với Syria.

Phát biểu sau cuộc đối thoại với ông al-Assad, ông Davutoglu cho biết, trong cuộc đối thoại kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ diễn ra tại thủ đô Damascus, ông và tổng thống nước chủ nhà đã thảo luận về các “biện pháp cụ thể” giúp chấm dứt tình trạng sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình tại Syria. Phát biểu trước các phóng viên trên đường trở về Thỗ Nhĩ Kỳ, ông Davutoglu chỉ tiết lộ các cuộc đối thoại giữa ông và Tổng thống al-Assad đã diễn ra trong bầu không khí khá “thân mật” mà không hề đề cập đến các biện pháp cụ thể đã được thảo luận tại buổi tiếp xúc trên cũng như việc liệu ông al-Assad có đưa ra cam kết sẽ cân nhắc các quan điểm đã được thảo luận hay không.

“Chúng tôi đã thảo luận đến các cách thức giúp ngăn chặn xung đột giữa quân đội và người dân cũng như hạn chế tình trạng căng thẳng tương tự như những gì đã diễn ra tại Hama theo một cách cởi mở và rõ ràng nhất…Những ngày tới đây sẽ có vai trò quan trọng bởi cộng đồng thế giới sẽ được chứng kiến và nhìn nhận việc liệu những trông đợi của họ về tiến triển tình hình tại Syria có được đáp ứng hay không. Chúng tôi hy vọng hòa bình, yên ổn sẽ sớm đến với quốc gia Trung Đông này và các nhà lãnh đạo Syria sẽ sớm đưa ra các bước đi cụ thể để tiến hành cải cách”, ông Davutoglu nói.

Đưa ra phản ứng trước những lời đề nghị của nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông al-Assad khẳng định, quân đội sẽ tiếp tục tấn công vào những người biểu tình chống chính phủ, đồng thời nhấn mạnh. Syria sẽ tiếp tục theo đuổi và chiến đấu không khoan nhượng với “những nhóm khủng bố”.

Trong khi đó, tại Washington, các quan chức Mỹ khẳng định, chính quyền ông Obama sẽ sớm đưa ra lời kêu gọi dứt khoát về việc ông al-Assad cần từ bỏ quyền lực và áp dụng các biện pháp mới, cứng rắn hơn chống lại chính quyền Syria. Thậm chí Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên còn đưa ra ám chỉ rằng, những nỗ lực của cường quốc này nhằm hàn gắn mối quan hệ với chính phủ Syria đã kết thúc. Dự kiến, Nhà Trắng sẽ công bố một lập trường cứng rắn hơn đối với tình hình Syria vào cuối tuần này, có nhiều khả năng vào ngày mai (11/8).

Quân đội Syria triểnkhai lực lượngtại thành phố Idlib,
phía Tây Bắc Syria


 
Hãng thông tấn Pháp AFP ngày 9/8 đã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong đó nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chính quyền nước này và cộng đồng quốc tế cần siết chặt lập trường đối với chính quyền Syria trong bối cảnh ông al-Assad vẫn bỏ qua những lời kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Hãng tin AP trích nhận định của một số quan chức Mỹ cho rằng, động thái trên là một “phản ứng trực tiếp” của chính quyền Obama trước quyết định của ông al-Assad nhằm siết chặt các hành vi bạo lực chống lại người biểu tình thông qua việc mới đây đã cử xe tăng tới quần đảo các khu vực tập trung đông đảo những người chống đối.

Tổng thống Obama và một số quan chức hàng đầu của Mỹ cũng đã từng đưa ra nhận định rằng vai trò lãnh đạo của ông al-Assad tại Syria đã mất tính hợp pháp. Theo quan điểm của chính quyền Mỹ, hiện ông al-Assad đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là phải “tránh sang một bên” hoặc là phải dẫn đầu quá trình chuyển giao dân chủ tại Syria.

Được biết, một số nước khác hiện cũng đang thực hiện các biện pháp tăng sức ép lên Syria. Các đặc phái viên Ấn Độ, Brazil, Nam Phi lên kế hoạch sẽ gặp các quan chức Syria tại Damascus vào ngày hôm nay (10/8) nhằm theo đuổi các nỗ lực ngoại giao quốc tế, kêu gọi chính quyền Tổng thống al-Assad ngừng giết chóc người biểu tình.

Trước đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố lên án việc các nhà lãnh đạo Syria trấn áp bạo lực người biểu tình. Tiếp theo sau quyết định của Liên hợp quốc, một số nước như Ả rập Xê út, Kuwait, Italia…cũng đã quyết định triệu hồi Đại sứ tại Syria về nước để tham vấn. Tuy nhiên, chuyến đi mới đây của ông Davitoglu tới Damascus được đánh giá là một thông điệp quan trọng mà cộng đồng quốc tế muốn gửi tới Syria bởi trên thực tế, cho tới tận gần đây, Ankara vẫn duy trì các mối quan hệ gần gũi với Damascus. Thái độ phản đối trước tình hình bất ổn leo thang tại Syria chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ nét sau khi các sự việc trên đã dồn hàng nghìn người tỵ nạn Syria di cư qua các khu vực biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến ngày 9/8, đã có tới 7.258 người Syria được ghi nhận là đang sinh hoạt tại các trại tỵ nạn của Thỗ Nhĩ Kỳ./.

 
Báo ĐT.ĐCS

BÀI VIẾT LIÊN QUAN