Ngày 12/9, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã đồng loạt lên án mạnh mẽ vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa lãnh sự Mỹ tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya, khiến 4 quan chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng.
|
Tối 11/9, hàng trăm người biểu tình đã tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi khiến Đại sứ Mỹ tại Libya, ông Christopher Stevens, cùng ba quan chức ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng. Đại sứ Stevens, 52 tuổi, tiếp nhận vị trí Đại sứ Mỹ tại Libya từ tháng 5. Ông đã từng làm việc tại Libya một vài năm, cả trước và sau khi chính quyền của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ. Ông Stevens là Đại sứ Mỹ đầu tiên bị sát hại tại Libya kể từ năm 1979.
Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi xảy ra cùng ngày với vụ một nhóm người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Cairo (Ai Cập), xé cờ Mỹ và thay bằng một lá cờ Hồi giáo màu đen. Vẫn chưa rõ khả năng liên quan giữa hai vụ việc, nhưng các cuộc biểu tình này được cho là đều xuất phát từ một bộ phim gây tranh cãi, do những thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo thiểu số của Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất, có nội dung xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed, nhân vật được sùng bái bậc nhất trong thế giới Hồi giáo.
Ngay sau vụ tấn công trên, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed al-Megaryef cũng đã lên tiếng xin lỗi chính phủ và người dân Mỹ cũng như toàn thế giới về vụ việc trên. Ông al-Megaryef tuyên bố Libya sẽ đưa các thủ phạm vụ tấn công sát hại Đại sứ Mỹ và ba nhân viên lãnh sự khác ra trước pháp luật, đồng thời cho biết hiện các phái bộ ngoại giao, công ty nước ngoài và công dân nước ngoài tại Libya đang được các lực lượng an ninh nước này bảo vệ. Tuy nhiên, lời xin lỗi và những cam kết được xem là “kịp thời” trên từ phía Chủ tịch Quốc hội Libya vẫn chưa thể xoa dịu làn sóng giận dữ của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới trước vụ việc ngày 11/9.
Phát biểu tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi vụ tấn công trên là một hành động "tàn bạo", đã cướp đi sinh mạng của 4 quan chức ngoại giao, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông đã ra chỉ thị cung cấp các nguồn lực cần thiết nhằm tăng cường an ninh để đảm bảo an toàn cho các quan chức Mỹ tại Libya cũng như tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, bản tuyên bố của ông Obama cũng khẳng định, chính quyền Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Libya để sớm truy tìm ra hung thủ và vụ việc đáng tiếc kể trên sẽ không thể phá vỡ những “thỏa thuận đã được ký kết” giữa Washington và Tripoli.
Cùng ngày, Liên hợp quốc cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi khiến 4 quan chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng. Theo lập luận của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thì vụ tấn công này là một “thảm họa khủng khiếp”, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy những thách thức an ninh trước mắt “không hề đơn giản” mà các nhà chức trách Libya đang phải đối mặt.
Cũng trong ngày 12/9, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã yêu cầu Chính phủ Libya có những hành động cụ thể nhằm nhanh chóng xác định thủ phạm vụ tấn công phái bộ ngoại giao Mỹ tại Benghazi.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Rome ngày 12/9, Thủ tướng Italia Mario Monti cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời hối thúc người dân Libya tiếp tục thực hiện tiến trình chuyển giao dân chủ.
Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kịch liệt lên án hành động bạo lực nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời yêu cầu Chính phủ Libya nhanh chóng đưa những kẻ thủ phạm ra trừng trị trước pháp luật.
Ngày 12/9, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng mạnh mẽ lên án hành động vụ tấn công “vô nhân tính” nhằm vào cơ quan ngoại giao Mỹ.
Thủ tướng Anh David Cameron, ngày 12/9 cũng coi vụ việc trên là một hành động tàn bạo, cướp đi mạng sống của những người mà ông cho là đã “không quản công sức để sát cánh bên người dân Libya trong những tháng ngày đen tối nhất”. Qua đó, ông Cameron kêu gọi chính phủ mới tại Libya cần làm tất cả những gì có thể để sớm đưa kẻ thủ ác ra xét xử. Ông Cameron nêu rõ, Anh luôn duy trì quan điểm sẵn sàng hỗ trợ Libya và Mỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ kể trên.
Ngày 12/9, chính phủ Ấn Độ cũng mạnh mẽ lên án vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Libya, cướp đi sinh mạng của 4 quan chức ngoại giao Mỹ. Trong bản tuyên bố cùng ngày, Bộ Nội vụ Ấn Độ nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng bàng hoàng trước vụ tấn côngLãnh sự quánMỹ ở Benghazi…Ấn Độ mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực, dẫn đến cái chết của 4 quan chức ngoại giao Mỹ ở Libya”.
Được biết, ngay trong ngày 12/9, Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai đã có cuộc nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Nancy Powell để bày tỏ sự cảm thông và tiếc nuối trước những mất mát mà nước Mỹ đang phải gánh chịu.
Trong thông điệp gửi tới người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton, ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, đồng thời cho rằng, sự việc trên tiếp tục khẳng định tính cần thiết của một mốiquan hệ hợp tác trên phạm vi toàn cầu nhằm chống lại "bóng ma của chủ nghĩa khủng bố”./.