Ngày 14/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua bản nghị quyết đầu tiên về tình hình Syria.Dư luận quốc tế đón nhận và xem bản nghị quyết này như một bước tiến quan trọng nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho Syria.
Ngày 14/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên |
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu chính quyền Syria đảm bảo tình trạng “liên lạc không bị gián đoạn” đối với phái đoàn quan sát viên, tính cả đoàn công tác tiền trạm, cũng như cho phép những nhân viên của Liên hợp quốc “được tự do liên hệ một cách riêng tư trên phạm vi lãnh thổ Syria mà không vấp phải bất kỳ hành vi trả đũa nào”.
Việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 14/4, thông qua bản nghị quyết về tình hình Syria được xem là một hành động mang tính “bổ trợ” cho những nỗ lực của ông Kofi Annan -đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập (AL), trong đó có việc thực thi một cách hiệu quả lệnh ngừng bắn để mở đường cho một giải pháp chính trị tại Syria. Bản nghị quyết này đã được đông đảo dư luận quốc tế đón nhận.
Phát biểu từ Geneva, phát ngôn viên của đặc phái viên Annan, ông Ahmad Fawzi cho biết: “Quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ là bước khởi đầu trong một hành trình dài nhằm hướng tới tương lai hòa giải phe phái tại Syria, xây dựng một tương lai dựa trên nguyện vọng của người dân Syria mà ở đó, không hề tồn tại sự giam cầm, giết chóc, các nhà thi hành luật được đảm bảo hòa bình và an toàn trên đường phố…Chúng tôi hy vọng rằng, những sự cố đáng tiếc, xảy ra một cách riêng rẽ sẽ không trở thành nguyên nhân cho các hành vi thù địch trên diện rộng tại Syria…Đã đến lúc các bên tại Syria cần tỏ ra kiềm chế. Chúng tôi kêu gọi triển khai kế hoạch điềuquan sát viên tới Syria trong thời gian sớm nhất có thể.”
Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Lyall Grant cho biết, động thái của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một bước đi đầu tiên mang tính tích cực và thăm dò nhằm hướng tới tương lai chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria.
Phát biểu sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bản nghị quyết về tình hình Syria, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin bày tỏ lo ngại rằng, đoàn quan sát viên (gồm cả các đại diện từ Nga) do Liên hợp quốc triển khai tới Syria sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì thế, những nhân viên này đòi hòi phải có tinh thần dũng cảm, tính khách quan và chuyên nghiệp.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông cũng chia sẻ với quan điểm của người đồng cấp Nga khi nhấn mạnh: “Chúng ta cần loại bỏ các âm mưu nhằm gây khó dễ cho sứ mệnh hòa giải của ông Annan…Bất kỳ một lời lẽ hay một hành động nào gây cản trở cho công việc của ông Annan đều không thể chấp nhận được và sẽ bị phản đối”. Đại sứ Trung Quốc cho rằng, sứ mệnh hòa giải của ông Annan là một cách thức khả thi, một kênh quan trọng để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Qua đó, ông Lý Bảo Đông kêu gọi tất cả các bên tại Syria cần đưa ra các hành động thực tế để ủng hộ và hợp tác với vai trò hòa giải của ông Annan, cũng như duy trì các tiến trình vì một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.
Đại sứ Ấn Độ tại Liên hợp quốc Hardeep Singh Puri lại bày tỏ hy vọng, tất cả các bên có liên quan, gồm cả phe đối lập tại Syria, sẽ hoàn thành các cam kết đã đưa ra và hợp tác với sứ mệnh của ông Annan. Bên cạnh đó, ông Puri còn nhấn mạnh rằng, các công tác hòa giải tại Syria phải được thực hiện một cách công bằng, vô tư và độc lập, dựa trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Trong một phản ứng đầu tiên, hãng tin nhà nước Syria SANA, ngày 15/4 tuyên bố hoan nghênh phái đoàn quan sát viên của Liên hợp quốc tới quốc gia này để giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.
Chính phủ Syria bày tỏ hy vọng các quan sát viên sẽ tận mắt chứng kiến tội ác của các nhóm khủng bố và truyền đạt sự thực về những gì đang xảy ra tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, chính quyền Damascus cũng nhấn mạnh bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấm dứt khủng hoảng ở Syria đều phải dựa trên việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia này.
Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Ja’afari kêu gọi, trước tiên, Liên hợp quốc cần đưa ra một “thỏa thuận kỹ thuật” về cách thức triển khai lực lượng tới Syria. Bên cạnh đó, đại diện Syria còn kêu gọi ông Annan đưa ra các bản báo cáo độc lập về tình hình Syria.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Ja’afari tiếp tục khẳng định cam kết của chính quyền Damascus nhằm tuân thủ đầy đủ bản kế hoạch hòa bình và thỏa thuận ngừng bắn của ông Annan. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao này tiếp tục cáo buộc một số nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã “nhắm mắt làm ngơ” trước tình trạng “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các nhóm vũ trang khủng bố tại Syria”. Ngoài ra, ông Ja’afari còn kêu gọi một số nước cần ngừng theo đuổi các hành vi khuyến khích phe đối lập tại Syria từ chối các đề xuất tổ chức đối thoại dân tộc toàn diện, để hướng tới tương lai tìm ra một giải pháp chính trị, hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria./.