Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Gắn bó, thuỷ chung, thắm tình hữu nghị Việt - Lào

Gắn bó, thuỷ chung, thắm tình hữu nghị Việt - Lào

Sau hơn 40 năm xa cách, giờ gặp lại, mừng mừng tủi tủi, họ, những công dân Lào đã từng ủng hộ, che chở, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam đã được gặp lại những người đồng đội, những người bạn, người con Việt Nam. Đối với họ, dường như sự xa cách về địa lý giữa hai nước Việt – Lào không còn nữa mà chỉ có tình cảm yêu thương gắn bó thủy chung giữa những người ruột thịt trong gia đình.

Lần “trở về” đầy nước mắt

Bà Chanhthep Bounthilath (bên phải) và bà Trần Thị Thanh xúc động
khi gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ xa cách

Vào những ngày trung tuần tháng 7, Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt – Lào lần thứ III đã được tổ chức tại Hà Nội, Ninh Bình và Tuyên Quang. Đoàn đại biểu nhân dân Lào tham gia Liên hoan với 50 đại biểu trong đó có 14 công dân Lào, những người từng ủng hộ, che chở và giúp đỡ những chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Họ đã đều bước sang tuổi “ thất thập cổ lai hy” và chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi họ đã được “trở về” với những người đồng đội, những người bạn, người con Việt Nam sau gần nửa thế kỷ xa cách.

So với hơn 40 năm về trước, đường phố Hà Nội giờ đã thay đổi rất nhiều song đối với bà Chanhthep Bounthilath, khu tập thể của Ban Công tác miền Tây (phố Lý Nam Đế, Hà Nội), nơi sinh sống suốt hơn nửa thế kỷ qua của các thế hệ quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu công tác tại Lào vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm về tình đồng chí, tình anh em và tình hữu nghị Lào - Việt.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sanavan, Hạ Lào, 70 năm trước, khi còn là cô gái 14 , 15 tuổi, bà Chanhthep Bounthilath đã được gặp gỡ bà trở thành liên lạc cho bộ đội quân tình nguyện Việt Nam. Những năm 1952 - 1954, bà đã cùng gia đình nuôi giấu bộ đội, cán bộ Việt Nam chiến đấu tại tỉnh Sanavan. Bà tâm sự: “ Hồi đó, giặc Pháp càn quét dữ lắm, nên bộ đội phải ở trên rừng, cuộc sống khổ sở và thiếu ăn. Tôi cùng với mẹ đã cơm nước, liên lạc cho quân tình nguyện, xin quần áo của người dân tiếp tế cho bộ đội. Nếu có ai bị thương, hai mẹ con lại thay nhau lên rừng chăm sóc. Mẹ và gia đình tôi rất thương yêu bộ đội Việt Nam và đã nhận họ là con nuôi, trong số đó có chồng tôi, đại tá Hồ Viết Tâm, người Bình Định. Tôi và anh Tâm cưới nhau năm 1956 và có với nhau 4 người con. Hiện các con tôi đều đã trưởng thành và hiện đang làm việc tại thủ đô Viêng Chăn (Lào)”.

Chuyến “ trở về” Việt Nam lần này vô cùng có ý nghĩa với bà Chanhthep vì bà đã gặp lại người đồng đội, người em gái Việt Nam Trần Thị Thanh sau gần nửa thế kỷ xa cách. Họ đã bật khóc khi nhận ra nhau. Họ đã biết nhau từ những năm 1945-195 khi gia đình bà Thanh sang Lào công tác. Họ từng chia sẻ với nhau từng nắm gạo, cọng rau trong những năm tháng khó khăn chung. Tình bạn ấy càng khắng khít hơn khi bà Chanhthep lấy chồng là quân tình nguyện Việt Nam và về Việt Nam sinh sống.

GS - Thầy thuốc nhân dânTrần Đức Hòe gặp lại "cô học trò" Lào Thoongbenh


Thế rồi nhiều biến cố xảy ra, bà Chanhthep về Lào, họ bặt tin nhau từ đó. Cả hai người họ đều ngỡ rằng bom đạn chiến tranh đã cướp đi mất người bạn thuở nào. Chia cắt từ lúc tóc còn xanh, tình cờ họ lại gặp nhau ngay tại Hà Nội, khi mái đầu đã kịp ngả bạc. Bà Thanh nói trong nước mắt : “ Tôi đã ngờ ngờ khi nhìn thấy bà ấy, nhưng tôi không dám hỏi, bởi tôi sợ mình thất vọng. Hơn 40 năm rồi, chúng tôi bặt tin nhau, nay đột ngột gặp ở đây, tôi chỉ sợ mình nhận nhầm”.

Sâu nặng nghĩa tình thày – trò

Ngoài câu chuyện hội ngộ cảm động giữa bà Chanhthep và bà Thanh, tại cuộc giao lưu gặp gỡ với các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam, một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt – Lào lần thứ III còn có một câu chuyện khác cũng không kém phần thú vị và bất ngờ. Đó là cuộc hội ngộ giữa Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Hòe và cô học trò người Lào, một y tá ở tỉnh Ắt-tạ-pư.

Trong số gần 30 chuyên gia, quân tình nguyện ngồi quây quần tại Hội trường khu tập thể của Ban Công tác miền Tây, phố Lý Nam Đế, Hà Nội, bà Thongbenh Keovongsa đã nhận ra Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Hòe, người thày đã giúp bà trở thành một y tá quân y giỏi, phục vụ cho cuộc kháng chiến giành độc lập của Lào. Gặp nhau, hai thầy trò mừng mừng, tủi tủi.

Các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam và 14 công dân Lào có công che chở, nuôi giấu
bộ đội Việt Nam ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến


Vào những năm sang hỗ trợ nước bạn Lào, giáo sư Trần Đức Hòe không thể nhớ nổi mình đã dìu dắt và hướng dẫn biết bao nhiêu y tá, bác sĩ Lào. Nhưng ấn tượng với cô học trò Lào có tên là Thongbenh Keovongsa thì vô cùng sâu đậm. Ông kể: “ Hôm đó, trời đã chạng vạng, một cô y tá vội vã dìu một anh thương binh Lào vào khu lều của ông ở bệnh xá tỉnh Ắt-tạ-pư. Anh chiến sĩ Lào bị thương ở chân, vết thương sâu tận xương, nhưng không có điều kiện xử lý nên đã nhiễm trùng. Phương pháp duy nhất là cưa chân. Nhưng lúc bấy giờ khó khăn vô cùng, không có máu và dịch để truyền, cũng không đủ thuốc mê. Và chính cô y tá đó là trợ mổ cho ông trong ca mổ đầy khó khăn đó. Ca mổ thành công hơn mong đợi. Anh thương binh, dù mất đi một chân và chịu nhiều đau đớn, nhưng đã giữ được tính mạng”. Kể từ đó, giáo sư Hòe trở thành người thầy trực tiếp hướng dẫn cô y tá Thongbenh và những y tá khác ở bệnh xá Ắt-tạ-pư cách cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân.

Gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ, cầm tay người thầy giáo cũ giờ đã gần 90 tuổi, bà Thongbenh nghẹn ngào tâm sự: “Thầy Hòe tốt lắm, thầy đã cứu nhiều chiến sĩ Lào, thầy cũng cứu nhiều người dân Lào chúng tôi. Tôi biết ơn thầy, biết ơn nhân dân Việt Nam”.

Giáo sư Hòe đã tặng cho cô học trò Lào cuốn sách Những ký ức và kinh nghiệm một đời thầy thuốc, trong đó có nói về những năm tháng ông làm bác sĩ ở Lào. Giáo sư Hòe nhắc nhớ lại những năm ở Lào rất khổ, không có gạo mà ăn, hai ba tháng không có đồ ăn, nhưng không vì thế mà những người tham gia chiến đầu nản lòng. Người Lào dù chỉ có dăm ba đấu gạo cũng sẵn sàng chia sẻ với quân tình nguyện Việt Nam. Và những người Việt Nam, những khi săn hay bẫy được thú rừng cũng chia sẻ với dân làng. Tuy cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả song quân, dân hai nước Việt –Lào vẫn gắn bó, sát cánh bên nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng đồng cam cộng khổ chiến đấu, bảo vệ đất nước, giành độc lập dân tộc.

Tình hữu nghị Việt - Lào: Di sản lịch sử và trường tồn

Các công dân Lào và cán bộ chuyên gia, quân tình nguyện Việt Namchụp ảnh kỷ niệm để lưu
giữ lại cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa này


Trong cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân các bộ tộc Lào, đã có rất nhiều các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, số còn lại họ vẫn tiếp tục sống, cống hiến vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt _ Lào. Trong tâm thức của người dân hai nước, quan hệ Việt – Lào là mỗi quan hệ đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kay-xỏn Phôm-vi-hản và các vị Lãnh đạo tiền bối của hai dân tộc đã đích thân gây dựng và dày công vun đắp nên. Nhân dân hai nước chúng ta từng đồng cam cộng khổ, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù chung của hai dân tộc. Sự đoàn kết tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau đã giúp nhân dân hai nước liên tiếp giành được thắng lợi to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Theo bà Siphone Banchongphanith - Chánh Văn phòng Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt, những đại biểu Lào và Việt Nam đến với cuộc Liên hoan hữu nghị Việt - Lào 2012 dù từng gặp hay chưa từng gặp nhau thì cũng đều có những ký ức và kỷ niệm chung. Vì thế, đối với những đại biểu Lào, đặc biệt, với 14 công dân Lào, những người đã từng ủng hộ, che chở, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam đến Việt Nam như trở về quê hương của mình, được gặp gỡ bạn bè, anh em ruột thịt trong một gia đình.

Chia sẻ những cảm xúc của mình khi được gặp lại đồng đội, những người bạn Lào, Thiếu tướng Huỳnh Đình Hương, Tư lệnh Quân tình nguyện cho biết: Hàng ngày, hàng giờ, ông vẫn dõi theo từng bước đường phát triển của đất nước Lào, nhất là những nơi ông từng chiến đấu ở Atôpư, Luang Prabang, Saravan, vốn nghèo nhưng giờ đã thay đổi biết bao nhiêu. Theo ông, Huỳnh Đình Hương, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới, là tài sản vô giá của hai dân tộc. Chính vì vậy, bản thân mỗi chúng ta và thế hệ trẻ phải biết trân trọng và gìn giữ, phát huy mối quan hệ này vì đây là nhân tố nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước./.

Báo ĐT.ĐCS


BÀI VIẾT LIÊN QUAN