Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Hiệp đầu tiên trong trận đấu tranh chức Tổng thống Mỹ

Hiệp đầu tiên trong trận đấu tranh chức Tổng thống Mỹ

Rạng sáng 4/10 (giờ Việt Nam), haiứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình-được coi là hiệp đấu đầu tiên - trong trận đấu tranh chức Tổng thống Mỹ.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama
tham gia cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại trường Đại học Denver ngày 3/10


Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Denver, thuộc thành phố Denver, bang Colorado, kéo dài 90 phút, chủ yếu xoáy vào các vấn đề đối nội, trong đó tập trung vào tương lai của kinh tế Mỹ, ngân sách liên bang, cắt giảm thuế, giáo dục, y tế. Nhà báo nổi tiếng của chương trình truyền hình "PBS Newshour", Jim Lehrer, là ngườidẫn chương trìnhcuộc tranh luận này. Trong suốt cuộc tranh luận, ông Romney luôn tỏ ra áp đảo cùng với việc đưa ra một loạt câu hỏi tấn công ông Obama. Trong khi đó, trái với thái độ điềm tĩnh của ông Obama, các câu trả lời của ông lại Romney chứa nhiều chi tiết nhất có thể trong thời gian hạn chế và dường như ứng viên này đã ghi điểm số cao theo cách mà đương kim Tổng thống Mỹ khó đạt được.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 6/11/2012) và đã thể hiện rõ sự khác biệt về tầm nhìn với tương lai đất nước và vai trò của chính phủ giữa hai ứng viên. Ngay từ những giây phút đầu tiên, cuộc tranh luận đã bị hâm nóng bởi câu hỏi của người chủ trì chương trình, ông Lehrer dành cho ông Obama về cách thức tạo thêm công ăn việc làm và hướng nội dung của cuộc tranh luận vào chủ đề nóng bỏng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận đó là tình hình hình kinh tế Mỹ. Đây cũng là vấn đề tranh cãi gay gắt nhất và đã chiếm hơn nửa thời gian của cuộc tranh luận.

Ông Obama đã mở đầu lời phát biểu của mình về vấn đề kinh tế bằng cách nhấn mạnh, cuộc tranh luận này không tập trung vào vấn đề “chúng ta ở đâu” mà chủ yếu là vấn đề “dân tộc Mỹ đang hướng về đâu”.

Tổng thống Obama thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp trên 8% là cao, nhưng đổ lỗi phần lớn trách nhiệm cho chính sách của chính quyền Cộng hòa tiền nhiệm đã đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, ông Obama cũng cho rằng, nước Mỹ đang quay trở về đà tăng trưởng kinh tế và tạo mới công ăn việc làm. Cụ thể, Tổng thống Mỹ trích dẫn số liệu cho thấy, các lĩnh vực tư của Mỹ đã tạo thêm khoảng 5 triệu cơ hội việc làm trong suốt 30 tháng qua.

Tuy nhiên, trái với những lập luận của ông Obama, ông Romney lại cho rằng chính quyền Obama đã thất bại trong các chính sách kinh tế, dẫn đến hàng trăm nghìn việc làm bị mất trong 4 năm qua. Bên cạnh đó, ông Romney còn cáo buộc những chính sáchkinh tế của ông Obama đi theo hướng “chảy về phía chính phủ” và đã tạo ra những gánh nặng khổng lồ đối với nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, ông Romney quy trách nhiệm về món nợ hơn 16 nghìn tỷ USD hiện nay một phần cho các kế hoạch chi tiêu quá tốn kém của Nhà Trắng. Ông Romney cho rằng, chính phủ Mỹ sẽ không thể đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách thông qua việc tăng cường áp thuế đối với người dân.Theo quan điểm của ông Romney, chính sự thất bại của các chính sách kinh tế Mỹ đã dẫn tới tình trạng giá khí đốt, lương thực leo thang trong khi thu nhập của các hộ gia đình Mỹ lại bị sụt giảm và các khoản nợ của chính phủ Mỹ tiếp tục không được cải thiện.

Ông Romney nói: “Tôi bày tỏ quan ngại trước lối mòn vốn đã tỏ rõ sự thất bại mà chúng ta vẫn đang theo đuổi. Cách nhìn nhận hiện giờ của ngài Tổng thống Mỹ so với 4 năm về trước (thời điểm ông Obama chạy đua vào Nhà trắng) vẫn không có gì thay đổi. Đó là tiêu nhiều tiền hơn, thu nhiều thuế hơn, chỉnh đốn nhiều hơn. Và nếu không có gì thay đổi thì các chính sách kinh tế sẽ dần hình thành theo hướng “chảy về phía chính phủ”. Đây không phải là câu trả lời đúng đắn dành cho người Mỹ”.

Ông Romney nhấn mạnh đến kế hoạch 5 điểm nhằm tạo thêm hàng triệu việc làm trong vòng 4 năm tới, gồm cả cải thiện tính độc lập của ngành năng lượng ở khu vực Bắc Mỹ, mở rộng thị trường nước ngoài đối với các sản phẩm và dịch vụ Mỹ, cắt giảm các khoản chi tiêu của chính phủ và giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Về phần mình, Tổng thống Obama lại cảnh báo cử tri về chủ trương giảm thuế đồng đều của ông Romney, cho rằng cách làm đó chỉ nhằm duy trì các chế độ ưu ái đối với thiểu số những người giàu. Ông Obama cũng bác bỏ sự cáo buộc của ông Romney nói rằng cắt giảm ngân sách là làm suy yếu quân đội Mỹ và cho rằng "đó vừa là một biện pháp giúp cân bằng ngân sách vừa là một cách thức để không phải tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu và các tập đoàn".

Bên cạnh đó, ông Obama cũng cho rằng, các kế hoạch kinh tế mà ông Romney đưa ra vẫn còn thiếu chi tiết và chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân Mỹ. Bất chấp sự phản đối của ông Romney, ông Obama vẫn cho rằng Mỹ nên tăng cường vai trò của tầng lớp trung lưu trong công cuộc thúc đẩy phục hồi kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách chính phủ một cách cân bằng, thông qua việc cắt giảm chi tiêu và tăng các nguồn thu từ thuế.

Về vấn đề chăm sóc y tế, ông Romney đồng ý với một số điểm cơ bản trong đạo luật mà Tổng thống Obama đã ký ban hành, nhưng nhấn mạnh thêm chủ trương chuyển bớt trách nhiệm cho các bang, tư nhân hóa một phần chương trình để người lao động tự do lựa chọn. Cụ thể, ông Romney phản đối mạnh mẽ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Affordable Care Act) – một điều được xem là thành tựu lớn về đối nội của chính quyền Obama khi cho rằng, đạo luật này chỉ khiến chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân bị đẩy lên cao trong khi lại cắt giảm chương trình của chính phủ về chăm sóc người già trên 65 tuổi mà chính phủ Mỹ đang theo đuổi (Medicare).

Vai trò và sự quản lý của chính phủ là vấn đề mà hai ứng cử viên có sự khác biệt lớn. Trên quan điểm chỉ nên là người định hướng và giúp giải quyết các vấn đề, ông Romney chủ trương xây dựng một chính phủ gọn nhẹ, không can thiệp vào các vấn đề cụ thể, ngay cả các gói cứu trợ, phó mặc thị trường cho tư nhân, trong khi ông Obama vẫn kiên trì với chính sách tăng cường vai trò và sự can thiệp của chính phủ vào mọi lĩnh vực của nước Mỹ.

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên diễn ra khi các kết quả thăm dò công bố cùng ngày cho thấy ông Romney đã phần nào rút ngắn được khoảng cách chênh lệch với đương kim Tổng thống Obama, nhất là tại một số bang được cả hai bên xác định là "quyết chiến" trong năm bầu cử 2012. Trong một diễn biến gây bất lợi đối với ông Obama, tờ Esquire/Yahoo ngày 3/10 công bố kết quả điều tra cho biết có tới 45% những người được hỏi ý kiến cho rằng vị tổng thống đương nhiệm đã thất bại trong sứ mệnh tạo việc làm.

Đối với nhiều cử tri Mỹ, cuộc tranh luận ngày 3/10 là một cơ hội thực sự và đầu tiên để ông Romney có thể ghi lại những ấn tượng sâu đậm. Với tư cách là một ứng cử viên thách thức đương kim Tổng thống Obama, ông Romney có một trọng trách to lớn đó là chứng tỏ cho hàng triệu cử tri Mỹ thấy rõ những cá tính ưu việt và nổi trội của một ứng cử viên tiềm năng so với vai trò và những quyết sách của ông Obama. Trong khi đó, nhiều người lại tỏ ra lo ngại rằng, ông Obama thậm chí sẽ vấp phải một thách thức nghiêm trọng hơn sau cuộc tranh luận trực tiếp ngày 3/10 với ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa. Sau 4 năm nắm giữ cương vị chèo lái nước Mỹ, ông Obama đang phải đối mặt với một “khối di sản nặng nề” từ cuộc khủng hoảng tài chính vốnđược xem là tồi tệ nhất trong lịch sử,đó là tỷ lệ lạm phát ở Mỹ vẫn còn duy trì ở mức cao (trên 8%), các khoản nợ quốc gia của Mỹ hiện đã vượt ngưỡng 16 nghìn tỷ USD. Để cải thiện được hình ảnh trong lòng công chúng cũng như xây dựng được một vị trí phòng thủ vững chắc hơn trước các ứng cử viên tiềm năng, vấn đề quyết định trước mắt đối với ông Obama hiện giờ là phải vượt qua những cột mốc kể trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ mang tính chất “nước rút” này đối với ông Obama sẽ không mấy dễ dàng.

Được biết, hai ứng viên sẽ còn gặp nhau 2 lần nữa để tranh luận trước khi chính thức diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012. Cuộc tranh luận thứ hai sẽ diễn ra ở New York vào ngày 16/10 và cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra tại Florida vào ngày 22/10 với chủ đề chính tập trung vào chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Bên cạnh những vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng là một vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây được xem là những cơ hội cuối cùng để hai ứng cử viên thể hiện lập trường cũng như ghi điểm trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để lựa chọn ra nhà lãnh đạo tương lai vào ngày 6/11 tới./.

Báo ĐT.ĐCS


BÀI VIẾT LIÊN QUAN